Nguyễn Đăng Hưng (GS Đại học Liège, Bỉ)
Thế là bắt đầu từ đầu năm 1996, tôi lao vào việc khai trương và triển khai chương trình hợp tác đào tạo cao học Bỉ-Việt trên diện qui mô hơn những năm trước.
Mỗi khoá tuyển sinh tôi tổ chức làm hai đợt liên tiếp. Đợt thi viết bao gồm những câu hỏi ôn tập về học trình của kỷ sư xây dựng hay cơ khí. Đợt hai thi vấn đáp do chính tôi phỏng vấn từng thí sinh. Vì đông thí sinh ghi danh, tôi đã phải bỏ ra ròng rã 3 ngày liên tiếp sáng chiều cho việc tuyển sinh khoá đầu tiên để có thể trao đổi với mỗi thí sinh ít nhất 15 phút. Năm nào cũng vậy, trong 12 năm dài tại Sài Gòn 12 khoá rồi Hà Nội 8 khoá, tôi đều giữ nguyên phương án tuyển sinh này. Tính trung bình mỗi khoá có chừng 50 người dự thi, như vậy tôi đã tiếp xúc trực tiếp được gần 1000 kỷ sư, cử nhân trẻ Việt Nam có yêu cầu theo học các lớp đào tạo thạc sỹ quốc tế tại chỗ do chúng tôi tổ chức. Đây có thể coi là sỹ số người dân đạt chuẩn của kỷ thuật thăm dò ý kiến người dân trong những dịp bầu cử hay trưng cần dân ý ở các nước tiên tiến phát triển. Thành phần các thí sinh cũng rất rộng rãi và tiêu biểu cho xã hội Việt Nam. Thật vậy, phí dự thi rất thấp và những thí sinh nhà nghèo tham gia rất nhiệt tình vì họ được thông báo trước là sẽ có 15 học bỗng tại chỗ dành cho các thí sinh đỗ đầu, học bổng do dự án đào tạo chi trả.
Bỡi vậy, tôi có thể khẳng định là sau 12 năm, những chiêm nghiệm mà tôi đúc kết nói lên, với một độ sai lệch không cao, về học lực, khả năng ngoại ngữ, phong cách giao tiếp và nhất là trình độ văn hoá, hiểu biết của các sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, ít ra về cánh theo học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Trong các cuộc phỏng vấn, tôi chú ý trực tiếp đến việc kiểm tra ngoại ngữ, đặc biệt khả năng nghe và nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, khả năng tiêu hoá khoa học công nghệ (học viên có thực hiểu được những gì đã học không, học viên có suy nghĩ phản biện được gì về những gì mình đã học không?) và cuối cùng trình độ văn hoá hiểu biết chung bậc tú tài: lịch sử, địa lý, thời sự, quốc tế và Việt Nam…. Tôi cho rằng những hiểu biết chung cơ bản không thể thiếu được ở một người kỹ sư, vốn được đào tạo để chỉ huy nhà máy hay xí nghiệp.
Chín năm sau ngày ra mắt chương trình (tháng 12/2004) trong một bài phỏng vấn trên báo mạng Vietsciences (Paris) tôi đã phát biểu đúc kết như sau:
“… Tôi và phần đông các giáo sư ngoại quốc rất khổ tâm về trình độ ngoại ngữ, sự yếu kém về thực tập nhất là tư duy thực tiển, thói quen ỷ lại, tính thụ động của học viên, và cuối cùng là sự giới hạn của kiến thức phổ thông của học viên… Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về giáo dục và đào tạo bắt đầu đã gần nhiều thập kỹ qua ! Tôi có cảm tưởng đã có những phản ứng ngược không ngờ được mà nguyên do là các chương trình dạy nhồi nhét hiện nay tại Việt Nam. Năm nào tôi cũng tổ chức phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra ngoại ngữ nói và nghe, kiểm tra cách ứng xử nhất là hiểu biết phổ thông cần thiết cho một thanh niên tốt nghiệp đại học… Tôi đã thấy khá phổ biến là họ không quan tâm đến lịch sử dân tộc Việt Nam, không để ý các danh nhân đất Việt… Có em bảo với tôi là Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đã đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ !!!… Tôi lấy làm lạ là ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ họ cũng rất lờ mờ… Hiểu biết về địa lý, lịch sử các nước khác thì khỏi phải nói… Gần 15% học viên đã bảo với tôi là Canada là thành viên của Liên hiệp châu Âu, gần 40% cứ nghĩ Thuỵ Sỹ đã là thành viên từ lâu và chỉ chừng 5% kể đúng tên các thành viên sáng lập. Tôi có cảm tưởng họ không thích đọc lịch sử, học địa lý nữa. Hay là các giáo viên dạy sử địa quá tồi hay đây là hiệu quả của sự xuống cấp kinh khủng của trình độ giáo chức trung học?”
Đã thêm sáu nữa, bây giờ chương trình đào tạo đã thuộc về quá khứ, được đứng xa ra để kiêm nghiệm sự việc, tôi vẫn thấy những đúc kết trên là chính xác.
Cũng nên nói thêm là tình trạng không những bớt đi qua năm tháng mà ngày càng trầm trọng hơn. Trình độ chung của các khoá cuối cùng thấp hơn các khoá ban đầu bội phần. Đã từng đi thỉnh giảng ngắn hạn tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu như Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania…, đã từng thỉnh giảng thường trực dài hạn đến gần 4 năm tại Phi Châu (Congo, Bỉ 1981-1984), không nơi nào tôi phải ngỡ ngàng, chứng kiến bước đi xuống như vậy về chất lượng đào tạo. Giảng dạy tại Việt Nam nhiều năm, tôi có cảm tưởng như đi lạc vào một xứ sở mà các giá trị tri thức như bị đứt đoạn, các giá trị học vấn như đi ngược chiều…
Hai khoá đầu có một số học viên đứng tuổi đã tốt nghiệp trước 75 lúc bấy giờ đã ra đời hành nghề. Họ có vốn liếng ngoại ngữ khá tốt nhất là họ giữ được cái tư duy bình thường của người đi học. Học là để hiểu biết, học là tạo điều kiện cho có trình độ chuyên môn để hành nghề. Họ rất mừng bắt gặp chương trình cao học Bỉ-Việt, dù phải ngồi chung lớp với học trò cũ của mình, tuổi đáng con cháu mình. Nhưng kỹ sư trẻ được đào tạo sau 75 lại khác. Họ học vì bằng cấp, học để có bằng quốc tế cho oai, giá trị hiểu biết căn bản thực là thứ yếu. Ngay đợt phỏng vấn đầu tiên một thí sinh được phỏng vấn đã dám đề nghị với tôi:
“Thầy ơi, thầy cho em vào học đi, rồi cấp bằng Bỉ cho em nghe. Em sẽ chi tiền nâng cấp cơ sở làm việc của thầy sang đẹp hơn nhiều!…”. Và sau này, càng ngày nạn sao chép luận văn thạc sỹ càng hoành hành! Tôi sẽ nói nhiều về việc này lần sau.
Giáo sư Lars-Erik Lingren, trường Đại Học Luleå về tham gia giảng dạy tại chương trình MCMC (Modelling and Computation of Mechanics of Continuum) tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã tâm sự với tôi sau này:
“Lạ thật, học trò Việt Nam có tật xin điểm. Vài em mời tôi đi ăn để sau đó xin thêm điểm. Không lo học đàng hoàng để đương nhiên có điểm tốt mà cứ cò kè năn nỉ xin điểm, không biết xấu hỗ là gì!”.
Như tôi đã nói trong bút ký 14, lúc ban đầu, ngay cả đại diện ban Giám hiệu nhà trường còn muốn chúng tôi “tự diễn biến” trở thành người ban phát bằng của Bỉ cho cán bộ giảng dạy của trường mình thì làm sao sinh viên có được một quan niệm đứng đắn về bằng cấp?
Sau những buổi liên hoan lúc thi xong, tôi thử hỏi trực tiếp những học trò giỏi:
“Tại sao như vậy, tại sao các em không học để biết lịch sử của nước mình, tại sao các em lười đọc sách báo đến vậy?. Câu trả lời chân thật làm tôi không thể không thông cảm:
– “Chán lắm thầy ơi, học sử chán lắm. Cái gì cũng hay, đánh đâu cũng thắng, lúc nào cũng sáng suốt, biết trước như vậy thì còn học làm gì cho mệt. Còn báo đài thì đâu cũng nói một chiều, tường thuật một kiểu làm sao hấp dẫn được chúng em”.
Đấy đó là cái giá phải trả, là kết quả của việc nhồi nhét tư tưởng phải đạo, lấy học đường làm địa bàn tuyên truyền ý thức hệ nhất thời.
Sự đứt đoạn của các giá trị tri thức, nguồn gốc của tình trạng “mất gốc” mà nhà sử học Dương Trung Quốc nói đến gần đây đã xảy ra từ lâu. Từ lâu đến nỗi thế hệ vàng của trí thức, thế hệ tuy do chính thực dân Pháp đào tạo, mà đã đóng góp vô vàn cho văn hoá, học thuật nước nhà một thời, đã không thấy xuất hiện trong giai đoạn lịch sử hiện đại để nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã phải thốt ra một câu nói bình dị mà nay thành châm ngôn của thời đại: “Cái nước mình nó như thế!”.
Tôi đã thấy ngay cái sai lầm này từ lâu, năm 1977 ngày tôi về Hà Nội một tháng thỉnh giảng. Thật vậy, có một thời gian dài tại Việt Nam quan điểm bao trùm là có một nền khoa học xã hội chủ nghĩa, một hệ giá trị tri thức xã hội chủ nghĩa cao hơn, đối lập với hệ giá trị tư sản. Và trí thức chân chính có trình độ phản biện, có tâm huyết với nền học thuật nước nhà một thời đã bị hoàn toàn vô hiệu hoá, đã không còn chỗ đứng.
Xin chép lại đây sự kiện mắt thấy tai nghe ngày ấy:
“Có buổi rảnh tôi đi thăm Thư viện trung ương Hà Nội. Ông giám đốc thư viện hướng dẫn tôi tham quan. Tôi chú trọng đến khu sách khoa học, kỹ thuật. Kệ sách nào cũng bắt đầu bằng những cuốn kinh điển của Mác, của Lênin, của Stalin, của Bác Hồ, của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, của đồng chí Trường Chinh, của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, của các nhà lãnh đạo rồi mới vào chuyên môn. Đồng chí giám đốc thư viện giải thích :
– Khoa học kỹ thuật của chúng tôi là khoa học kỹ thuật phát suất từ chân lý Mác – Lênin, khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, áp dụng qua điều kiện cụ thể Việt Nam soi sáng bởi tư tưởng và lý luận của các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước ! Không có chân lý Mác – Lênin thì không có khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, không có khoa học chân chính. Cái ưu việt của khoa học xã hội chủ nghĩa phát xuất từ quan điểm cơ bản ấy. Các nước xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và vượt qua các nước tư bản cũng nhờ nắm được nguyên lý ấy ! Vân vân …
Phải nói lời giải thích của đồng chí giám đốc làm tôi lạnh cả người hôm ấy! Có một cái gì rất là trầm trọng đã bị va chạm ở tôi đến mức cao độ. Tôi bắt đầu thấy sợ. Còn gì đáng ngại hơn sự trói buộc của tri thức, của khoa học, của kỹ thuật, của chuyên môn, trói chặt bằng những sợi dây vô hình nhưng cứng như thép, hồng như máu !”
Thế nhưng giới trẻ không thiếu người được mặc nhiên miễn dịch, không bị lây lan bỡi chứng bịnh “ta nó như thế”. Đó là những thành phần xuất sắc nhất mà tôi đã gặp. Tôi bảo:
“Thế các em đến với chương trình cao học Bỉ Việt làm gì? Nó đòi hỏi khá cao, giáo trình dài, thi cử lại khó mà phải biết sử dụng tiếng Anh…”.
Họ thường trả lời tôi như sau, Bắc cũng như Nam:
“Chúng em chọn lựa chương trình thạc sỹ Bỉ-Việt vì ở đây chính là học thực, chính là học để hiểu biết. Đây là chương trình có giáo trình mới mẽ hấp dẫn hiện đại mà nếu phấn đấu tốt, nếu hiểu được, đạt được nội dung thì có cơ may đi cao hơn, xa hơn một cách chắc chắn. Chúng em khỏi phải chạy chọt linh tinh”.
Thành ra tôi vẫn nghĩ là muộn còn hơn không bao giờ. Mọi thay đổi theo hướng khử trừ các lỗi hệ thống, thay đổi triệt để tư duy để vượt qua cái bóng của chính mình sẽ được toàn dân đặc biệt các bạn trẻ hưởng ứng tích cực, trước tiên là thành phần tinh hoa, trí thức.
Sau 30 tháng tư năm 1975, nếu không có những sai lầm đáng tiếc, xuất phát từ quan điểm hẹp hòi thế giới lưởng cực, từ cái nhìn phiến diện và lệch lạc về quan điểm ta địch, nếu để bộ phận tinh hoa của dân tộc Việt còn lại ở Miền Nam được tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước, thì có lẽ nền giáo dục, trình độ khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ khác nhiều so với hôm nay. Cứ nhìn Hàn Quốc ngày nay ta sẽ nghiệm ra bài học đắng cay này.
Sau đây, tôi xin giới thiệu một bức thư của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, một trong hai giảng viên ít ỏi còn ở lại sau 30/4/1975. Thư vừa gởi cho tôi hôm qua. PGS Tống, là nhân chứng sống về sự đứt đoạn nhân sự ở trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh sau ngày tiếp quản của chính quyền mới, nay đã nghỉ hưu.
Liège ngày 28/4/2011
Theo blog Nguyễn Tây Ninh
Thu Hằng says
Chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
trangtran says
cô ơi, cuối bài có “sau đây xin giới thiệu một bức thư của …”. sao lại ko có ạ?