Tuti là đứa trẻ có cá tính và đặc biệt có ý chí, nghị lực, làm cái gì cũng chỉn chu, thậm chí là quá cầu toàn.
Giờ nghĩ lại mẹ vẫn phục lăn Tuti.
Cuối lớp 5 (giữa 02.1998), khi về nước Tuti còn chưa sõi tiếng Việt. Giao tiếp thì tàm tạm chứ viết lách thì tậm tịt.
Đi xin học cho Tuti không trường nào nhận.
Trường lạ thì từ chối thẳng thừng, trường có người quen giới thiệu thì cũng từ chối khéo.
Họ sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường (năm 1998 vẫn còn kì thi tốt nghiệp tiểu học).
Duy nhất chỉ có cô Loan hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B “đủ can đảm” nhận Tuti vào học.
Ba mẹ lo toát mồ hôi hột sợ Ti không đỗ tốt nghiệp. Về nước dở dang thế này khéo mà lại làm khổ con.
Toán thì không sợ, nhưng quả là nhọc nhằn cái sự học tiếng Việt và Văn của con.
Lắm bài Văn của con “được” các cô giáo mang ra phòng giáo viên kể để cười cho xả “Xì-trét”. Từ ngữ con viết loạn xạ, “rửa ráy” thì thành “rửa dái”, “hiệu trưởng” thành “huy trưởng”,…. Cứ thế, các bài làm của con thành “chuyên mục giải trí” của các cô và các bạn trong giờ nghỉ.
May mà ông ngoại “tốc lực” nhồi cho cháu mấy đường cơ bản để nắm được chương trình lớp 5 của Việt Nam.
Đen đủi hơn, khi thi tốt nghiệp, Ti còn “bị” xếp vào thí sinh dự thính (giờ ba mẹ cũng chẳng hiểu vì sao), ngồi một mình một phòng biệt lập. Ba mẹ sợ con có tâm lý hoảng sợ khi phải ngồi ở phòng thi lạ làm bài một mình.
Nhưng không, Ti của ba mẹ can đảm lắm.
Và rồi con cũng qua được “cửa ải” tốt nghiệp tiểu học.
Suốt cả hè lớp 5 rồi vào lớp 6 (chuyên Pháp trường Lê Quí Đôn) Ti cặm cụi học để theo kịp các bạn. Mẹ muốn giới thiệu Ti học thêm mấy nơi, hỏi đến đâu Ti cũng lắc đầu kêu “Đắt quá mẹ ạ, mẹ để Ti tự học thôi”. Giời ạ, chỉ có 10 nghìn/buổi mà Ti kêu đắt và kiên quyết tự học. Có lần, mẹ dọn phòng cho Ti thấy cuốn sổ từ vựng trên bàn. Tò mò mở ra xem, mẹ choáng quá vì thấy Ti cẩn thận chia 2 cột, cột trái ghi những từ mới tiếng Việt và cột phải giải thích bằng tiếng Đức. Có những từ thấy Ti đánh dấu hỏi vì không hiểu, như “lãng du”, “lãng đãng”, “mơ màng”, “tấm tắc”,….
Thương con học hành vất vả ba mẹ đã tính chuyện gửi con ra nước ngoài học, nhưng con kiên quyết bảo: “Ba Mẹ không phải lo, mọi người học được thì Ti cũng học được”. Ba mẹ nghe thấy thế thì nể Ti quá rồi.
Trong một cuốn sổ khác của Ti còn thấy ghi:
“TẠI SAO MỌI NGƯỜI LÀM ĐƯỢC MÀ MÌNH KHÔNG LÀM ĐƯỢC?”.
Và ba mẹ cứ lặng lẽ theo dõi từng ngày của Ti.
Vào năm học lớp 7 thì con quyết định “làm báo”. Mẹ tưởng Ti nói cho vui mà hóa ra Ti làm thật. Loay hoay thế nào mà Ti cho ra đời báo “Cầu Vồng Nhỏ”, lấy địa chỉ nhà ông bà ngoại làm địa chỉ tòa soạn. Báo của Ti cũng đủ các chuyên mục: Văn, Thơ, Âm nhạc, Nhìn ra thế giời, Dành cho bạn yêu tiếng Anh, Dành cho bạn yêu tiếng Pháp, Văn hóa ứng xử, Trắc nghiệm tâm lý, Giúp đỡ bè bạn (học tập), Tìm hiểu thế giới động vật, Vui cười, Đố vui, Mách nhỏ dùm bạn (mẹo vặt gia đình), Góc nội trợ, Bác sĩ với sức khỏe của bạn. Trang bìa sau của mỗi số báo bao giờ cũng là 1 truyện tranh nước ngoài con tự dịch và chèn lời thoại vào.
Cả ông bà, ba, mẹ, cậu Đông đều hào hứng hỗ trợ Ti (cậu giúp đắc lực khoản scan và photocopy màu). Ti rất khôn khi tận dụng “cây nhà lá vườn” là ba Chính vào chuyên mục “Bác sĩ và sức khỏe của bạn”.
Khi Ti làm báo các bạn ở lớp biết. Cũng có một số bạn nhiệt tình hưởng ứng, thậm chí gửi bài tham gia, còn lại thì ì èo “con này chắc dở hơi” hoặc “chơi trội”, thích nổi tiếng đây,….
Ti cứ lặng lẽ làm. Tính Ti là thế mà. Chẳng thế mà ba mẹ vẫn đùa gọi Ti là “cỗ xe tăng Đức”.
Ngoài giờ học, Ti cặm cụi viết, sưu tầm, dịch (cả tiếng Đức, Anh, Pháp), mi trang, tỉa tót cho từng trang báo. Ti làm say sưa và hào hứng lắm. Cả nhà mình cùng quay theo guồng làm báo của Ti để báo ra kịp kì hạn.
Cuối cùng thì “Cầu Vồng Nhỏ” số 1 cũng ra đời. Cũng không nhớ Cầu Vồng nhỏ số 1 ra được bao nhiêu bản.
Ti mang đến trường để bán. Ti nhờ mẹ bán. Mẹ lại mang nhờ người quen đến bán cho học sinh một số trường phổ thông. Mẹ cũng mang đến giới thiệu với các anh chị sinh viên của mẹ. Không ngờ một số anh chị sinh viên lại ủng hộ quá nhiệt tình bằng cách gửi bài vở đăng báo.
Buồn cười nhất là nhà ông bà bỗng nhiên nhận được khá nhiều thư từ và bài vở gửi về. Thế là bài vở cho các số báo sau lại hòm hòm rồi.
Cái hay nữa là sau đó rất nhiều bạn ở lớp, ở trường Ti (cả cô giáo chủ nhiệm), các bạn và anh chị hàng xóm đã hào hứng tham gia gửi bài và mua báo. Cầu Vồng Nhỏ của Ti đã thực sự thu hút sự quan tâm của các bạn trong lớp.
Rồi tiếp đó là Cầu Vồng Nhỏ số 2, số 3.
Ti còn định gom số tiền bán báo lại (và “kêu gọi” thêm các nguồn hỗ trợ bên ngoài khác) làm quĩ tặng thưởng cho một cuộc thi sáng tác bài cho báo.
Mẹ thấy Ti làm báo hay thật nhưng vất vả quá sợ ảnh hưởng đến việc học nên bàn với Ti và quyết định “ngừng phát hành” ở số 3.
Thật là một kỉ niệm đẹp đẽ trong tuổi thơ của con.
Còn một chi tiết thú vị nữa là khi Ti đi du học, Ti đã đổi hết cả tiền bán báo và tiền làm gia sư ra Euro mang đi, hi hi….
Ti kinh thật!
Choáng!
——————————————————
CẦU VỒNG NHỎ số 1 (download)
CẦU VỒNG NHỎ số 2 (download)
CẦU VỒNG NHỎ số 3 (download)