Cát bụi là anh.
Cát bụi là tôi.
Cát bụi là ta nên cát bụi tuyệt vời….
(trích “Nhạc Trịnh” trong “Mạnh hơn tuyệt vọng”- Anh Ngọc)
Đã từ lâu, không hiểu sao tôi có thói quen rất chẳng giống ai.
Mỗi khi có dịp đặt chân tới một miền đất lạ, một xứ sở lạ, tôi không chỉ có thói quen tò mò, háo hức nhìn ngắm cuộc sống của những người dân xứ sở đó mà còn muốn được tận mắt nhìn thấy họ khi trở về với cát bụi sẽ như thế nào.
Những bức ảnh này tôi chụp tại một nghĩa trang ở Đan Mạch.
Với văn hóa phương Đông, tôi đã rất ngỡ ngàng khi thấy những tấm bia mộ khiêm nhường nằm phẳng lì trên mặt đất.
Bỗng nhiên lại thấy luẩn quẩn trong đầu mấy câu thơ:
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong sương gió heo may…
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu
Những so le người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng……
(“Ở nghĩa trangVăn Điển” – Trần Đăng Khoa)
Ừ, chết rồi, tất thảy ai cũng như ai.
Làm gì còn ranh giới giữa sang hèn, giàu nghèo, tốt xấu,…
Cụ Nam Cao ngày xưa cũng đã bảo khi sống thì có Cụ lớn chứ lúc chết đi rồi thì làm gì còn Cụ lớn mả.
Và sững sờ hơn nữa khi người bạn Đan Mạch giải thích cho tôi hai chữ trên một tấm bia mộ: Morfar và Far.
Có nghĩa là: Bà nội và Cha.
Trên tấm bia vỏn vẹn chỉ có hai chữ đó.
Bà nội tên gì? Cha tên gì?
Không có.
Họ gì?
Cũng không nốt.
Người bạn Đan Mạch kể, ở bên này gia đình thường tôn trọng và làm theo ý nguyện của người thân trước khi từ giã cõi đời.
Nhớ lời kể của một cụ bà người Đức 94 tuổi tôi quen (*). Ở tuổi đó nhưng cụ còn đi du lịch nước ngoài, thăm thú bạn bè, đi mua sắm, nấu ăn, đi bơi, đọc sách, báo, bàn chuyện thế sự,… Cụ bảo cụ rất trân quí từng ngày còn được sống trên cõi đời này. Với cụ, điều quan trọng nhất chính là chất lượng cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống tinh thần. Tuy thế, cụ cũng đã chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình với một ước nguyện duy nhất: con cái tuyệt đối không xây mộ, không làm bia và cũng không đề tên tuổi. Chỉ đơn giản, chôn xuống đất, lấp lại. Thế là xong! Chết tức là chấm hết, bia mộ hay tên tuổi nào có để làm gì.
Và tôi cũng chợt nhớ lại những ngày đông giá rét cách đây 8 năm. Đó là dịp bốc mộ cha chồng tôi, người tôi rất đỗi kính yêu và nể trọng. Ngày ấy, chồng tôi nhất quyết không cho tôi cùng về quê với lý do tôi phải ở nhà chăm nom lũ trẻ đang mùa thi cử cuối kì. Tôi cố thuyết phục thế nào cũng không được. Sau mấy ngày về quê lo việc cho cha, chồng tôi trở về nhà và bảo vợ: "ba phải cương quyết thế để cho mẹ không đi chứ về nhìn cảnh bốc mộ lúc nửa đêm thê lương lắm, đến ba làm nghề y, mổ xẻ tai nạn giao thông suốt ngày mà khi chứng kiến còn cảm thấy không chịu nổi nữa là mẹ. Cứ yêu thương, tử tế với nhau lúc sống là được. Chết là hết, bày vẽ nhiêu khê làm gì cho mệt". Thật khó tin. Chắc hiếm có một ông chồng nào, nhất lại là xuất thân xứ Nghệ, có suy nghĩ như chồng tôi. Kể với bạn bè, đồng nghiệp, đa phần không ai tin, có đôi người tin thì cũng không quên kèm theo lời xuýt xoa “người đâu mà thoáng thế, lại còn dân khu tư nữa chứ!”.
Ngẫm lại, tôi thấy chồng mình có lý.
N.Thị Phương Hoa
——————————————————
(*) xem “bà già Đức, bà già Việt Nam, hai phương trời một chất lượng sống”.
Khách says
Cũng phải cô nhỉ. Quan trọng là lúc sống, chứ chết đi rồi, ai cũng như ai cả. Em là đứa sống thoải mái và cũng ko tin lắm vào cuốc sống sau khi chết hoặc kiếp sau (có thể có nhưng có ai dám chắc đâu). Bài này em rất tâm đắc cách sống của bà cụ 94 tuổi người Đức, sống hết mình và trân trọng hiện tại, đó là cách sống tuyệt vời nhất 😀 😛
Khách says
Cũng không hẳn vậy. Thế thì làm sao con cháu biết cội nguồn của mình được. Lúc sống quan tâm đến nhau đã đành, khi mất rồi được hương khói cũng ấm lòng chứ, không chỉ cho người mất mà cho cả mình. Mình thấy họ ấm mình cũng nguôi ngoai mà.
Khách says
@ Quốc Trịnh:
cũng tùy quan điểm thui.
Khách says
Nghĩa trang Đan Mạch trông hay thật! Người ta ko để bia mộ dựng mà đặt nằm ngang dưới đất nên có vẻ gì đấy rất thanh thản, lại tạo cho không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Nhìn từ xa chắc ko nghĩ là graveyard, mà là 1 public garden nào đấy 😀
Khách says
@Hồng Nhung:
Không chỉ ở Đan Mạch mà ở các nước phương Tây có không ít các nghĩa địa kiểu này.
Khách says
Theo em cứ hỏa thiêu hết đi cho gọn chỗ, xây mộ to cho lắm vào rồi hương linh cứ bám víu vào đấy mà không siêu thoát nổi thì tội lắm! Xây mộ to thì chỉ đẹp mặt người sống thôi!
Khách says
Hoa biet khong , minh muon khi minh thanh tro bui, tro bui ay se hoa tan vao thien nhien troi dat, va linh hon bay bong giua khong trung den nhung vung troi minh thich. Minh luon nghi va lam nhu nghi rang khi song nguoi ta hay tot voi nhau nhat khi co the. Hay co yeu thuong nhau bang tat ca trai tim, dung de den khi mat di moi mam cao co day. Nhieu nguoi lam dieu do cung chi vi nhung loi ich ca nhan.
Dinh viet tiep nhung co viec phai dung . Hen Hoa sau nhe
Khách says
Em thích bài này lắm cô ạ. Cả nhà em cũng hay nửa đùa nửa thật với nhau là sau này có chết đi cũng không thích chôn cất cúng giỗ phức tạp, có muốn nhớ tới nhau thì hỏa táng rồi đem đi làm nhẫn kim cương còn hay hơn nhiều. =)
Như thế ý nghĩa & đẹp đẽ hơn biết bao nhiêu (chưa kể đến việc giữ gìn bảo vệ môi trường).