Ở Việt Nam rất hay gặp phải những người như thế này.
1. Ở trung tâm California 88 Láng Hạ có nhân viên bán hàng cứ luôn xoắn lấy các cô/bác khách hàng nịnh bợ sơn sớt U U con con để gạ nâng cấp thẻ hoặc giới thiệu người thân đến mua thẻ tập. Xoắn xuýt gạ vài lần không được thì chỉ ngay hôm sau thôi đi qua trước mặt nó cũng ngó lơ như không quen biết, chứ đừng nói là chào lấy một câu.
2. Có lần, cũng tại trung tâm Cali, khi nghe thấy mình vừa đạp xe vừa gọi điện thoại nói chuyện xin việc giúp cho con một gia đình thân quen, một mợ lạ hoắc đạp xe cạnh mình vội chồm sang bắt chuyện một chị hai em thơn thớt. Sau khi buông những lời thớ lợ xong cô ta không quên kèm lời nhờ vả „bác xin cho con nhà em với nhá, cháu vừa tốt nghiệp trường….“. Nghe cô ta xoắn hết cả lên nên mình cũng nể và bảo để chị hỏi giúp xem sao. Hôm sau mình thông báo là công ty ấy chỉ nhận ứng viên đã có kinh nghiệm nghề chứ không nhận sinh viên mới ra trường. Và thế là từ đó có lướt trước mặt mình cô ta cũng coi như không biết mình là ai nữa.
3. Vì nể cô giáo chủ nhiệm cũ từ năm lớp 3 của Cống mà mình xin việc cho một con bé cháu họ hàng xa lắc xa lơ với cô (bắn ca nông đại bác súng lục súng trường cũng không đến) khi nghe cô năn nỉ „gia cảnh nhà nó tội lắm chị ạ. Bố bộ đội về hưu giờ làm bảo vệ, mẹ làm ruộng, có những 4 đứa con, nó là con đầu…“. Xin xong việc (không tốn xu nào nhé) mình bảo nó kiếm túi hoa quả rồi 2 cô cháu đến thắp hương cho bố chồng cô giám đốc nhân sự công ty mới mất trước đó mấy hôm, nhân tiện cảm ơn luôn. Hẹn 6h chiều, trời hè nóng như thiêu nhưng mình vội vã vượt trận tiền giao thông để về nhà cho kịp hẹn. Không kịp nấu cơm, ngồi chồm hỗm chờ, chờ mãi, chờ mãi, sau 1 tiếng đồng hồ thì nhận được tin nhắn của con bé xin phép đến muộn nửa tiếng. Sau giờ hẹn đúng 1 tiếng rưỡi mới thấy con bé dẫn xác tới. Mình điên quá bèn bảo „nếu cô không nhầm thì hình như cô đang là ân nhân của cháu, thế nhưng chưa ai đối xử với cô như cháu. Cháu tiếc gì một cuộc điện thoại mà không gọi báo cô biết để cô mồ hôi mồ kê nhễ nhại ngồi chờ cháu cả tiếng rưỡi đồng hồ giữa trời oi bức như thế này. Thôi, nhiệm vụ của cô đối với cháu coi như đã xong, giờ thì cháu tự đi cám ơn nhé. Tuy nhiên, trước khi cháu đi cô muốn kể cho cháu chuyện này. Nếu cô không có phước lớn thì chắc giờ gia đình đã phải làm cơm cúng 100 ngày cô rồi vì cách đây khoảng 100 ngày cô bị ngã xe máy. Cả chiếc xe phân khối lớn nằm đè lên người. Ngay sau khi người đi đường nhấc xe và dìu cô vào bên lề đường, chân đang còn đau buốt (sau phải bó cố định), cháu có biết việc đầu tiên cô làm là gì không? Cô rút điện thoại di động ra và gọi cho trưởng phòng đào tạo của một trường đại học, nơi vẫn mời cô tham gia đào tạo sau đại học, xin lỗi là vừa bị tai nạn giao thông nên không thể đến dự lễ khai giảng và phát bằng sau đại học cho các học viên. Cháu biết đấy, đến dự khai giảng có hàng trăm con người, trong đó có vài chục giảng viên và khách mời, cô có đến hay không chắc cũng chả mấy quan trọng, khéo còn chả ai biết, thế nhưng cô là người đàng hoàng, có văn hóa, họ đã mời mà cô không đến được nên cô đã gọi điện báo tin, xin lỗi“. Chả biết cái con bé ấy nghe xong câu chuyện mình kể có thủng ra chút nào không nữa vì sau đó mình cũng chẳng còn giữ liên hệ.
Và còn biết bao nhiêu câu chuyện như thế nữa. Không đếm hết được.
4. Các câu chuyện trên được kể ra chỉ với mục đích mào đầu cho câu chuyện không vui vừa xảy ra cuối tuần vừa rồi. Trung tâm mình khai giảng mấy lớp tiếng Đức. Nhiều phụ huynh đăng kí cho con theo học. Sát ngày khai giảng cô quản lý đã chu đáo nhắn tin cho từng phụ huynh thông báo lịch khai giảng, giờ giấc học, đa phần các phụ huynh đã confirm chắc chắn là sẽ sẽ đưa con đến học. Thậm chí có những phụ huynh còn nằng nặc xin thêm cho cháu chắt hoặc con nhà bạn bè. Vì nể tình phụ huynh nồng nhiệt quá mà cô quản lý đành phải cho tên các con vào danh sách, và cũng là phòng xa nếu có „rơi rụng“ dần thì vẫn còn đủ cơ số học sinh để có thể duy trì lớp. Phụ huynh đã confirm chắc như đinh đóng cột vậy mà hôm khai giảng đã xảy ra tình trạng thế này: một lớp đăng kí 20 học sinh thì chỉ có 8 con đến học, một lớp khác đăng kí 15 học sinh thì có 9 con đến học. Mình thực sự không hiểu phụ huynh nghĩ gì khi hành xử như vậy. Toàn người lớn và có học hẳn hoi. Nếu đã không muốn cho con đến học thì đừng có confirm nữa, hoặc đã trót confirm rồi nhưng sau lại đổi ý hoặc bận hoặc vướng lịch nọ kia thì tiếc gì một tin nhắn hay một cuộc điện thoại báo lại cho trung tâm biết. Lối hành xử như vậy thực sự là thiếu tự trọng, vô trách nhiệm, ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân, thiếu tôn trọng người khác. Phụ huynh không ít người cứ gào lên „con mình thế nọ, con mình thế kia“ nhưng như mình quan sát thấy thì nhiều khi các problem nằm ở chính các vị phụ huynh chứ không phải ở con cái họ. Cha mẹ mà hành xử kiểu ấy chắc khó hi vọng hình thành được ở con tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm với những hành vi, thái độ của mình.
Mình vẫn hay nói với các phụ huynh khi gửi con đến chỗ mình là các con không chỉ được học tiếng Đức mà còn được rèn giũa, „thay máu“ để ra đời khỏi bị xem như „mèo hoang chó dại“ hay „động vật hoang dã“. Thế nhưng có lẽ (không ít) người cần được „thay máu“, „tẩy não“ (sorry vì dùng „từ mạnh“) trước hết lại chính là…. phụ huynh.
Không phải ngẫu nhiên mà mình từ chối tiếp các cuộc điện thoại của những phụ huynh gọi từ máy bàn cơ quan. Chỉ đơn giản vì cha mẹ có hành xử đàng hoàng thì mới hi vọng con cái hành xử đàng hoàng. Đừng đổ lỗi cho nhà trường hay xã hội. Gia đình chính là trường học đầu tiên và lớn nhất của con trẻ và cha mẹ chính là những thầy cô quan trọng nhất trong đời chúng.
Bích Thảo says
Đồng cảm với Cô về bài viết. Con đang tìm hiểu thông tin du học Đức thì biết đến trang của Cô. Nếu con ở Hà Nội thì thuận tiện biết mấy. Cảm ơn Cô nhiều.