Hè này, nghe đài báo quảng cáo rầm rầm học kì quân đội và vào chùa học tu cho bọn trẻ, ba mẹ thấy hay và có ích quá nên động viên Cống tham gia.
Khuyên lên Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên học thiền cho tĩnh tâm thì Cống bảo:
– Mẹ muốn con vào chùa đi tu để rồi về nhà ngồi thù lù một góc như thằng tự kỉ chứ gì? …
Mấy hôm sau mẹ còn chỉ cho Cống xem ảnh báo mạng chụp các bạn thanh thiếu niên nước mắt lưng tròng khi nghe sư thầy giảng giải về tình mẫu tử, lòng nhân, sự yêu thương. Nhìn qua, Cống cười khà khà và bảo luôn:
– Ối giời ơi, mẹ tin làm gì, họ dùng photoshop đấy! (láo quá đi mất)
Biết Cống mê lính tráng, mẹ lại quay ra dỗ Cống tham gia học kì quân đội: nào là vào được phân thành các tiểu đội, trung đội, đại đội như trong quân đội để sinh hoạt,được tham gia các trò chơi đồng đội, rồì học đội ngũ, học chiến thuật, học bắn súng, … thích lắm. Nghe xong Cống bảo luôn:
– OK, nghe cũng hay đấy. Con sẽ đi. Nhưng mẹ nhớ là khi về nhà thì không còn có tiểu đội trung đội nữa đâu đấy nhá.
Sau khi làu bàu và “mặc cả” tí tẹo (ở doanh trại cũng phải được xem World Cup), Cống cũng đồng ý tham gia học kì quân đội.
Rồi cũng đến ngày ba mẹ phấn khởi tiễn Cống “lên đường nhập ngũ” từ sáng sớm tinh mơ.
Cống đi và dặn ba mẹ không phải lên thăm.
Thế nhưng niềm vui của ba mẹ chưa kịp ngấm thì chỉ mới đến gần trưa đã bị Cống “khủng bố” bằng một loạt tin nhắn:
– “me 0i uc che lam roi ko chiu dc nua dau co cach thoat ra ko?
– “k0 thjc, ch0 c0n ve uc che lam tr0j thi n0ng’ nam nhu cut”
– “me ba0? Ba len d0n dj k0 hoc kj quan doi j het. Nghj?
– Nha tam thj nhu chuong trau, ban thju k0 chiu dc.
Ba mẹ gọi điện dỗ dành và phân tích cho Cống thế nào cũng không được. Cống còn dọa nếu không lên đón thì sẽ tự bắt taxi về nhà. Ba “thần kinh yếu” thì hoảng khi nghe Cống đòi về chứ mẹ thì rắn lắm. Mẹ gọi cho anh Nam tình nguyện viên hỏi han tình hình Cống thì được biết rất nhiều “chiến sĩ” cũng đòi “đào ngũ” như Cống, nhưng anh cũng động viên mẹ cứ yên tâm, sang ngày thứ 2 các em sẽ quen ngay. Anh Kiên ở ban tổ chức còn gọi cho mẹ và bảo: “Nếu gia đình quyết tâm cho cháu về thì ngày mai có xe lên chúng tôi sẽ gửi cháu về”. Mẹ nghe thế bảo luôn: “Nhờ các anh dỗ dành và động viên cháu ở lại, tuyệt đối không cho về, cứ để cháu nó trên đấy rèn luyện cho quen đi….”.
Sang ngày thứ 2, khi ba gọi điện Cống không đòi về nữa nhưng giọng vẫn càu nhàu và than nóng, than bẩn. Cống còn bảo “mẹ quá đáng lắm” (vì đã gửi Cống “đi đày” như thế này, hic).
Ảnh chụp "Nhật kí trong tù" (lời của Cống) viết hai ngày đầu tiên tham gia HK quân đội
Ngày nào ba mẹ cũng gọi điện và nhắn tin động viên Cống với giọng rất chi là ngọt ngào:
– Mẹ chúc con trai yêu quí ngủ ngon! Mẹ yêu con rất nhiều. Cố gắng lên con trai nhé!
– Chúc mừng chiến thắng giòn giã của nước Đức, nơi con trai mẹ được sinh ra. Ba mẹ yêu con nhiều nhất trên đời.
– Mẹ nhớ con trai của mẹ quá, hu hu. Ở Hà Nội vừa có mưa rất to, chỗ con ở có mưa ko? Thứ 7 con thik ăn gì ngoài món vịt om sấu? Mẹ gửi con trai 10000000… nụ hôn.
Có lần gọi điện hỏi “Ở trên đó con có vui không?” thì được Cống đáp luôn “Ôi giời, vui gì mà vui, sắp thành lợn quay hết cả rồi.”. Nghe mà vừa buồn cười, vừa tức lại vừa thương, nhưng mẹ nghĩ: “Tốt, cứ đi một lần cho biết “sểnh nhà” thì ra cái gì nhá”, hi hi…..
Rồi cũng đến ngày các phụ huynh được phép lên thăm con trai. Ba mẹ dậy từ sớm, sắp xếp nước uống, đồ ăn cho Cống và các bạn vào thùng lạnh rồi vội vã lên đường (cùng Dì Hiền Lương). Cứ tưởng Cống “anh hùng hảo hớn” không muốn cho ba mẹ lên thăm như “tuyên bố” hôm đầu, thế nhưng đang đi trên đường (lúc chưa đến 9h) đã nhận được tin nhắn của Cống: "Ba mẹ sắp lên đến nơi chưa? Bố mẹ chúng nó lên hết cả rồi". À thì ra ông Cống vẫn ngóng ba mẹ đấy chứ, hic.
Đến nơi, chưa kịp vui vì được gặp Cống và chia “quà hậu phương” cho các bạn của Cống thì ba mẹ đã tá hỏa lên khi nghe Cống tuyên bố: con 5 ngày nay chưa đi ị đâu đấy, hố xí bẩn không chịu được.
Ba hốt hoảng kêu:
– Giời ơi, con ơi là con, 5 ngày không đi ị thì phân nó sẽ ngấm vào người sinh bệnh đấy. Có người còn chết vì không đi ị đấy.
Cống bảo luôn:
– Thà bị mổ bụng còn hơn là đi ị ở đây. Ba xuống mà xem, kinh không chịu được.
Ba xót con trai quá nên nhao ngay xuống toilet công cộng dọn dẹp sạch sẽ thơm tho rồi “mời con xuống ị cho ba nhờ” mà con vẫn cương quyết không ị cho, hic (giời ạ, lúc về mới hay cả đợt học kì quân đội 10 ngày con toàn uống nước, chỉ ăn 3 bữa cơm và không ị lần nào. Khiếp quá đi mất!). Hiểu “tâm trạng” của các “đồng đội” của con, ba mẹ còn mời các “đồng đội” của con xuống ị nhanh nhanh tranh thủ lúc toilet đang còn sạch vì ba vừa dọn xong. Mấy bạn hô luôn: “May quá, hôm qua bọn cháu tranh thủ ị ở K9 rồi, ở đó sạch lắm bác ạ”.
Các con ở giường tầng, Cống ở tầng trên, bạn Hải Anh ở tầng dưới. Hải Anh quả là một chú bé tuyệt vời. Hải Anh năm tới vào lớp 10 nhưng bé tí tẹo (có lẽ là bé nhất đoàn, chỉ khoảng 1m40) nhưng thái độ cực kì đường hoàng, chững chạc. Hải Anh tâm sự với mẹ “Cháu không cho bố mẹ cháu lên thăm vì cháu muốn được rèn luyện thật sự như trong quân đội. Sau này cháu thích đi bộ đội chứ không làm kĩ sư máy tính như bố hay giáo viên như mẹ. Hè năm sau cháu sẽ lại tham gia học kì quân đội”. Trong lúc Cống và các “chiến sĩ” khác rền rĩ kêu la, thậm chí còn định “đào ngũ” nên nghe thấy Hải Anh nói thế mẹ cảm phục Hải Anh quá đi thôi.
Tham gia học kì quân đội toàn những cậu ấm, cô chiêu. Ngồi tám chuyện một lúc với mấy vị phụ huynh được nghe toàn chuyện “kinh hoàng” . Có chị kể:
– Lúc đầu em cũng không định lên thăm cháu đâu, nhưng thằng cu nhà em gọi điện thoại về giục mẹ mang thêm quần áo lên ngay cho con chứ hết đồ để thay rồi. Khi đi đã mang nhiều quần áo thế mà không hiểu sao vẫn còn kêu thiếu, lên đến nơi mới biết hóa ra ông con thay quần xịp ra là quẳng đi luôn, quần áo bẩn thì vo viên cho vào ba lô. Đến nẫu ruột với ông con!
Vừa nghe đến đó, một “chiến sĩ con” đứng gần đó góp luôn:
– Cháu cũng thay quần xịp ra là vứt luôn. Mà khối thằng cũng vứt luôn như cháu.
Mẹ nghe thế thấy mừng quýnh vì Cống của mẹ từ bé được rèn thói quen tự giặt quần áo rất chi là thiện nghệ nên đi ba cái chuyến thế này thì việc giặt quần áo đối với Cống không nhằm nhò gì cả, hi hi…
Có gia đình còn nuông chiều con đến mức cho mang điện thoại di động đắt tiền, quần áo hàng hiệu, sau đó bị mất cắp, tổng thiệt hại đến gần hai chục triệu (do mất đến 2 cái điện thoại di động đắt tiền). Nghe kể thế cũng đủ thấy cha mẹ cháu bé “thông minh” đến nhường nào.
Đồ ăn thức uống để lại cho Cống góp tham gia party với các bạn trong tiểu đội cũng bị đứa nào lấy mất. Khi mẹ gọi điện hỏi Cống tối qua party có vui không con, Cống bực quá bảo “Làm gì còn đồ nữa mà party, không hiểu thằng mất dạy nào nó ăn trộm hết rồi còn đâu”.
Trong chuyến đi này, chắc chắn Cống đã tự trải nghiệm được rất nhiều điều, hay có nhiều mà dở cũng không ít. Thế mới là cuộc sống con trai ạ.
Sau mười ngày, Cống trở về nhà với ba mẹ. Vừa về đến nhà, Cống ôm hôn ba mẹ và hét toáng lên:
– Ôi sướng quá, thế là đã được về nhà mình rồi! Con thèm nằm điều hòa quá ba mẹ ơi.
Vừa hô xong thì con chui tọt vào toilet giải quyết “vấn nạn tồn đọng” của 10 ngày qua, sau đó tắm rửa sạch sẽ và chui tọt vào phòng điều hòa nằm khoan khoái.
Hi vọng con trai đã nghiệm ra một điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng trước đây có lẽ con chưa thấu hết: KHÔNG GÌ BẰNG ĐƯỢC SỐNG TRONG NGÔI NHÀ CỦA MÌNH VỚI TÌNH THƯƠNG YÊU CỦA BA MẸ.
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
{webgallery} {/webgallery} |
Khách says
Chết cười với Cống và mẹ Cống thôi. He he 😆 😆
Ấn tượng và … cảm động nhất với pha dọn dẹp toalet của ba Cống ạ.
Mà em đang thử tưởng tượng xem mẹ Cống cũng xếp hàng giữa giời nắng, cũng phải đi vệ sinh trong cái toalet bẩn thỉu đó như Cống thì sẽ thế nào nhỉ??? Ặc ặc …
Khách says
Chúc mừng chiến sĩ Cống! 😀
Khách says
Đúng roài, mình cũng đồng ý vc ý kiến của Mai Xuân là cho mẹ Cống đi 1/2 HK kỳ quân đội thôi …để xem sao????
Khách says
😆 Cô ơi, sống động quá!
Con xin phép share bài này trên Facebook với các bạn các em và các phụ huynh, cô nhé 😛
Khách says
@ Bảo Châu:
he he… cứ share thoải mái đi nhá.
Khách says
Ối trời ơi!Cống đích thực là bị ba mẹ cho di đầy rồi! Khổ thân!.Nói thế thôi chứ, qua khoa học nay trông Cống chững chạc và rắn rỏi hơn nhiều. Theo bác thì cả Cống, ba và mẹ đều là chiến sĩ quyết thắng!
Khách says
KHÔNG GÌ BẰNG ĐƯỢC SỐNG TRONG NGÔI NHÀ CỦA MÌNH VỚI TÌNH THƯƠNG YÊU CỦA BA MẸ. 😆
Khách says
Một cách nhìn mới về “Thế giới trẻ con đầy cá tính và vui nhộn,hồn nhiên” và rất “hiện đại”.Nhân vật Cống có phải con trai cô không ạ?xin phép cô giới thiệu bài này cho mọi người chia sẻ nhé.Cảm ơn
Khách says
@ Huu Quang:
Cong la con trai cua minh day, hic.. lao toet lam day. Cac bai o web nay anh cu xai thoai mai nhe, hi hi…
Khách says
Chúc mừng chiến sĩ Cống nhé.
Chắc chắn sau học kỳ Quân đội này em sẽ trưởng thành lên rất nhiều.
Khách says
Còn gì trong “Nhật ký trong tù” của Cống không cô? Chia sẻ cho mọi người đi cô ơi.
Em thật ấn tượng với bài viết của cô và Nhật ký của Cống đấy!
Hoan hô chiến sĩ Cống và ba của Cống! 😆
Khách says
@ Phương Nhung:
Lão Cống viết Nhật kí trong tù được đúng 2 hôm thì ngừng, tiếc quá.
Khách says
Ôi thế là đã học xong rồi ạ. Nhanh quá, chuyện của Cống buồn cười quá cơ. Hi hi. Nhật ký trong tù thật là đáng yêu 😛
Khách says
Hihi, đọc bài này của cô em càng yêu trẻ con hơn cô ạ, mỗi tội là không biết cách ứng xử với chúng nó thế nào. Em có đứa em họ, h mới có 3 tuổi, nhiều lúc nó bướng bực lắm mà chẳng biết làm sao… 🙂
Khách says
Á á, bài viết quá hay cô ơi. Cô phải gửi đăng báo bài này mới đúng. Công nhận là cháu ấn tượng với màn dọn toilet của ba Cống 😮
minhhoa says
Bi gio thi chay ca nuoc mat nua!