Nguyễn Đình Chú
Tương lai văn nghệ Việt Nam không chừng là công trình tâm huyết nhất của nhà văn Trương Tửu (lúc này chưa là giáo sư đại học) đối với nền văn nghệ nước nhà, nhưng oái oăm thay, tác phẩm này đã phần nào gây tai nạn nghề nghiệp cho tác giả.
Sách viết xong vào tháng bảy năm 1945, trước ngày Cách mạng tháng Tám xảy ra. Nhưng lại in ra vào ngày 10 tháng 9 năm 1945, sau ngày Độc lập 2/9 tám ngày. Do đó, trên Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam, Thanh Bình chính là nhà văn Đặng Thai Mai (lúc này cũng chưa là giáo sư đại học) đã có bài “Phê bình tập sách Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu” đăng ba số liền: số 2 ra ngày 1.12.1945, số 3 ra ngày 16.12.1945 và số 6 ra ngày 16.2.1946. Bài phê bình khá “ráo riết” (chữ dùng của Thanh Bình) nhưng chưa gây khó khăn gì cho tác giả. Bởi sau đó, nhà văn Trương Tửu vẫn nhập thân vào thời đại mới, vẫn bỏ nhà bỏ cửa, cùng gia đình đi kháng chiến và được cách mạng trọng dụng, cùng với người đã phê bình mình trước đó − nhà văn Đặng Thai Mai − là đồng bí thư Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV, và cùng được phong giáo sư đại học. Nhà văn Trương Tửu còn là giám đốc các lớp văn hoá kháng chiến ở Thanh Hoá, uỷ viên ban chấp hành trung ương Hội văn nghệ Việt Nam (1948-56). Hầu như mọi người chẳng ai biết, và có biết cũng chẳng nghĩ gì về chuyện “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của giáo sư Trương Tửu từng bị giáo sư Đặng Thai Mai phê bình trước đó nữa.
Nhưng đến năm 1958, trong phong trào chống Nhân văn – Giai phẩm, khi nhà văn-giáo sư Trương Tửu bị qui kết nặng nề thì “Tương lai văn nghệ Việt Nam” cũng bị gán cho cái tội “reo rắc chất men bất phục tùng và phản kháng chính thể dân chủ nhân dân”. (1) Chuyện này xin để hậu thế phẩm bình. Ở đây, chỉ xin nói đôi điều về cuộc phê bình (chứ chưa phải là phê phán) của Thanh Bình ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 mới xảy ra mà thôi. Bởi đây là cuộc đụng chạm giữa hai người thầy của tôi: giáo sư Đặng Thai Mai và giáo sư Trương Tửu, – mà tôi không thể không quan tâm xem sự thật nó là gì.
***
Như nhiều người đã biết, trong vài chục năm gần lại đây, không ít công trình của nhà văn-giáo sư Trương Tửu đã được in lại trong các bộ sách lớn như Tổng tập Văn học Việt Nam, Tuyển tập phê bình Văn học Việt Nam 1900-1945, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Khoa học Văn chương, Nguyễn Du – về tác gia và tác phẩm, Hồ Xuân Hương – về tác gia và tác phẩm, Nguyễn Công Trứ – về tác gia và tác phẩm… Gần đây nhất, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của giáo sư (2008), năm 2007, Tuyển tập nghiên cứu phê bình của Trương Tửu dày trên 1.000 trang cũng đã ra mắt bạn đọc. Tuy thế, nếu tôi không lầm thì vẫn chưa đâu in lại “Tương lai văn nghệ Việt Nam” mà ngay với tôi, tuy biết chuyện rắc rối của “Tương lai văn nghệ Việt Nam” thì từ lâu vẫn chưa được tiếp xúc – mãi sau này, bạn tôi, anh Văn Tâm, trước lúc qua đời một thời gian đã tặng tôi cuốn“Tương lai văn nghệ Việt Nam” và có ý đề nghị tôi, lúc nào có điều kiện thì nói đôi điều về cuốn sách để người đời biết nó là gì và nó bị phê bình ngay khi mới ra mắt bạn đọc là thế nào. Thú thật, trước sự mong muốn của bạn Văn Tâm, tôi đã không tránh khỏi chút e ngại vì lẽ này lẽ khác. Nhưng hôm nay thì tôi rất an tâm vì chính vị sư phụ của tôi với bút danh Thanh Bình thuở ấy đã không chỉ cho phép mà dường như còn khuyến khích tôi làm việc này khi đã kết luận bài phê bình của mình rằng:
“Mấy lời trên đây chỉ là gom góp cùng ông Trương Tửu một ít ý kiến về vấn đề văn nghệ mà thôi. Kỳ thực vấn đề còn để cho chúng ta những chỗ thảo luận rất rộng rãi”. (Tiên phong, số 6, ngày 16/2/1946, tr. 22).(2)
Sách “Tương lai văn nghệ Việt Nam” được công bố theo kiểu “sách in dưới dạng báo” mà giới làm sách trước 1945 quen làm (để được hưởng giá mua giấy hạ hơn so với giá mua giấy in sách kiểu chính quy). Đó là số 56 của tạp chí “Văn mới, cơ quan kiến thiết Tân Văn Hóa”, ra ngày 10/9/1945, khổ sách 13x19cm, gồm 105 trang, sau lời “Tựa” của tác giả, là các nội dung “Phần thứ nhất” và “Phần thứ hai”.
Phần thứ nhất: “Quan niệm Tân văn nghệ” gồm 4 chương và kết luận:
Chương I: Yếu tố cách mạng
Chương II: Yếu tố xã hội chủ nghĩa
Chương III: Yếu tố quần chúng
Chương IV: Yếu tố khoa học
Phần thứ hai: “Kiến thiết tân văn nghệ”, gồm 3 chương và kết luận:
Chương I: Những tiền đề của sự kiến thiết
Chương II: Những khả năng của văn nghệ Việt Nam
Chương III: Một chương trình hành động.
Nội dung sách rất phong phú. Ở đây, chỉ lược thuật lại một số ý chính để bạn đọc có thể hình dung chút ít quyển sách là gì.
Ở lời Tựa, mở đầu, tác giả viết:
“Giờ phút này, đứng trước trạng thái biến động mãnh liệt của toàn thể nền văn minh thế giới, chứng kiến sự sụp đổ tan tành của hầu hết những giá trị tinh thần mà bấy lâu nay phần đông nhân loại vẫn tôn thờ, chúng ta – văn sĩ và nghệ sĩ – không khỏi hoang mang lo lắng, băn khoăn suy nghĩ đến vị trí, đến trách nhiệm của chúng ta trong hiện tại và tương lai. Chúng ta thấm thía thấy rằng bao nhiêu quan niệm nhân sinh, bao nhiêu lý tưởng nghệ thuật mà chúng ta hằng vươn tới và phụng sự đều đã bị nghiền nát dưới guồng máy tiến hoá cấp tiến của lịch sử đang cuốn hút cả xã hội loài người đến một ngày mai mới lạ. Cái “ngày mai” mong đợi này, chúng ta cũng chưa biết rõ ra sao, nó sẽ xếp đặt lại cuộc sống của nhân dân theo những quy tắc gì. Nhưng chúng ta vẫn tha thiết hoài bão rằng nó sẽ không còn là sự tiếp tục theo đường thẳng của cái “hôm nay” đen tối và chật hẹp; chúng ta vẫn thầm nguyện rằng cái ngày mai đó sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều điều kiện để chúng ta được yêu cuộc sống, yêu đồng loại, yên nghệ thuật, chân thành hơn, rộng rãi hơn như chưa bao giờ chúng ta được yêu từ thuở nào đến thuở này”.
… “Những dòng dưới đây, tác giả viết ra không dám có tham vọng vạch một lối đi cho bất kỳ văn sĩ nghệ sĩ nào. Đây chỉ là lời bàn bạc chân thành của một người trong cuộc đem trình bày với các bạn đồng hành trên con đường văn nghệ, để cố tìm lấy một ngả mà theo cho tới đích, giữa cái ngã tư rối ren của lịch sử hiện thời…
… Mong rằng những thiển kiến của chúng tôi sẽ kích thích được những cao kiến khác ở các bạn Văn sĩ, Nghệ sĩ và ở tất cả những bạn của Văn nghệ. Một ngày gần đây chúng ta sẽ gom góp những sáng kiến của từng cá nhân, hợp nhau lại thảo luận thân mật và sốt sắng, cố tìm thấy một con đường chân chính mà bước tới để kiến thiết một Tân Văn nghệ cho Đất nước”. (Lời nói đầu, tr. V-X)
Ngay ở đầu phần thứ nhất tác giả đã khẳng định:
… “Tân văn nghệ phải là một nền văn nghệ cách mạng. Tân Văn nghệ phải là một văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Tân văn nghệ phải là một văn nghệ đại chúng. Tân Văn nghệ phải là một văn nghệ khoa học”.(tr. 15)
Ở chương I thuộc phần thứ nhất, về “yếu tố cách mạng”, tác giả đã có những ý tưởng như sau:
… “Ta không còn ngần ngại gì mà không quả quyết rằng xã hội hiện thời đã lâm vào một tình trạng cách mạng cực kỳ là gắt gao”. (tr. 18-19).
… “Kẻ đi đầu, cương quyết nhất, sáng suốt nhất, gan dạ nhất của toán quân thập tự khổng lồ ấy là giai cấp thợ thuyền kỹ nghệ…[…] cho nên nó xứng đáng đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc tranh đấu cách mạng. Nó còn xứng đáng hơn nữa vì nó đã đào tạo được trong hàng ngũ nó cả một đội tiên phong chiến sĩ tổ chức thành chính đảng có qui tắc rất chặt chẽ và nhất là có một lý thuyết cách mạng rất khoa học để làm kim chỉ nam cho mọi hành động”…. (tr. 21)
Từ nhận thức về cách mạng như thế, tác giả đã viết:
“Từ xưa đến nay, tinh tuý của Văn nghệ bao giờ chẳng là tinh thần cách mạng? Văn nghệ là gì nếu chẳng phải là sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại?
Nhưng chúng ta đến với cách mạng theo một lối riêng – lối của chúng ta. Không giống các nhà hành động, không giống các nhà tri thức, không giống các người cần lao, chúng ta đến với cách mạng bằng tình cảm, bằng mỹ cảm. Nhà hành động đến đấy bằng cái ý muốn kiến thiết lại một trạng thái sinh hoạt vô tổ chức; nhà trí thức đến đấy vì khám phá ra quy luật khách quan của lẽ tiến bộ; người cần lao đến đấy bằng cái nhu cầu bảo vệ quyền sống. Chúng ta đến đấy vì trái tim: ta không chịu nổi sự bất công đầy rẫy, sự đau thương vô lý và sự cuồng dại không bờ bến hàng ngày diễn ra trước mặt chúng ta; vì cái khiếu thượng mỹ của chúng ta lúc nào cũng bị thương tổn, bị khiêu khích, bị hành hạ bởi những hình thức xấu xa, mất thăng bằng, mất hoà điệu của cuộc sinh hoạt xã hội. Chúng ta chống hiện tại vì nó xúc phạm đến thế giới tình cảm và mỹ cảm – nghĩa là xúc phạm đến văn nghệ. Chúng ta chống hiện tại vì muốn khôi phục cho tình cảm và mỹ cảm quyền phát triển tự do và điều hoà mà chế độ tư bản đang toả chiết, rầy đạp. Nói tóm lại, chúng ta gia nhập hàng ngũ cách mạng là để giải phóng Văn nghệ. Văn nghệ chỉ có thể tự giải phóng được bằng cách giải phóng cho con người ra khỏi sự đè nén cay nghiệt của hiện tại. Trong lúc này, một nền Văn Nghệ xứng với tên của nó phải xô đẩy người đương thời đến một thái độ “chống hiện tại”, “phá đổ hiejn tại”. Về điểm này, các nhà lý luận văn nghệ và các văn sĩ nghệ sĩ chân chính đều đồng ý kiến. Nhà xã hội học F. Engels khuyên các văn nghệ sĩ nên sáng tác những tác phẩm có đủ hiệu lực “bắt người đồng thời phải hoài nghi sự kiên cố của trật tự hiện tại”. Nhà văn hào André Gide yêu cầu các văn sĩ và nghệ sĩ “gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tòng và phản kháng” (tr. 24-25)
Về yếu tố “xã hội chủ nghĩa” tác giả có đoạn viết:
“Hiện nay lực lượng sản xuất của xã hội tư bản đã phát triển dẫn đến trình độ muốn phá vỡ chế độ tư hữu hiện tại và đang đòi hỏi khẩn cấp một chế độ tập sản (của chung) […] Cái hình thức tương lai của xã hội tư bản phải là hình thức tập sản chủ nghĩa[…] Cái sự trạng chế độ tập sản đang ở chế độ tư hữu nứt ra của xã hội hiện tại, ta gọi nó là yếu tố xã hội chủ nghĩa của thời đại. Muốn đi thuận với trào lưu tiến hoá, cái ảo kiến của văn sĩ và nghệ sĩ chúng ta phải đồng màu sắc, đồng tính chất với hình thức sinh hoạt tương lai ấy (hình thức tập sản) […] Chúng ta phải nhập thân với quá trình dịch hoá của xã hội và hoà cái năng lực sáng tạo cá nhân của chúng ta vào cái năng lực sáng tạo nội tại của Đại toàn thể, của Lịch sử. Tất cả chế độ hiện tại đang bước từng bước dài đến chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta, văn sĩ và nghệ sĩ cũng phải theo con đường lịch sử ấy”. (tr. 40-41, 42)
Về “yếu tố quần chúng” tác giả có đoạn viết:
“…. trên con đường kiến thiết ngày mai, chỉ có quần chúng vô sản kỹ nghệ là biểu thị được trung thành nhịp điệu của lẽ tiến hoá. Nó có trách nhiệm lớn nhất trong cuộc chống đối với hiện tại. Nhiệm vụ lịch sử của nó là đi đầu, dơ cao lá cờ xã hội chủ nghĩa, cuốn hút quần chúng nông dân và các quần chúng lao khố khác vào phong trào đấu tranh để sáng tạo ra một nhân loại mới” .(tr. 51-52)
“Lẽ sống của chúng ta – của văn nghệ – là đi vào đại chúng, sát cánh với đại chúng trong cuộc chiến đấu xã hội và nâng cao ý thức xã hội chủ nghĩa trong tâm hồn đại chúng”. (tr. 52)
Những tác phẩm mà chúng ta sẽ sáng tạo ra phải nhúng trong Lửa máu của Đại chúng”. (tr. 57)
Về “yếu tố khoa học”, tác giả cũng có đoạn viết:
“Thế kỷ của chúng ta không chỉ là thế kỷ của cách mạng, của xã hội chủ nghĩa, của đại chúng mà còn là thế kỷ của khoa học nữa” (tr. 58) “Muốn đi chung một con đường với giai cấp vô sản và quảng đại quần chúng, muốn bước cùng một nhịp với luật tiến hoá của thế kỷ, văn sĩ và nghệ sĩ chúng ta cần phải nỗ lực tự đào luyện lấy một tinh thần khoa học bền vững và sâu sắc” (tr. 66)
Ở phần thứ hai: Kiến thiết Tân Văn Nghệ, với 3 chương, tác giả đã nêu lên: Những “tiền đề của sự kiến thiết” là:
– Thứ nhất: sự hình thành Nhóm Tân Văn nghệ
– Thứ hai: sự độc lập hoàn toàn của xứ sở.
– Thứ ba: Tự do chính trị tối thiểu của dân chúng (tự do hội họp, tự do lập hội đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí).
“Một chương trình hành động” gồm 3 thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất làm các việc:
a) Phát huy quan niệm Tân Văn nghệ.
b) Cổ động cho phong trào Tân Văn nghệ.
c) Sáng lập Đoàn kiến thiết Tân Văn nghệ.
Thời kỳ thứ hai thực hành công việc theo bốn hướng:
a) Nghiên cứu và phổ thông Tân Văn nghệ quốc tế.
b) Phê bình văn học và văn nghệ theo quan điểm Tân Văn nghệ.
c) Lập một hội tuyên truyền Tân Văn nghệ.
d) Liên lạc mật thiết với các cơ quan quần chúng.
Thời kỳ thứ ba, làm các việc:
a) Tổ chức một hội nghị toàn quốc Tân Văn nghệ.
b) Liên lạc với các cơ quan Tân Văn nghệ ở các nước khác.
c) Tham gia vào hoạt động Tân Văn nghệ quốc tế.
Riêng ở mục (d) thuộc nội dung hoạt động của thời kỳ thứ hai “Liên lạc mật thiết với các cơ quan quần chúng”, tác giả đã có đoạn viết: “Đoàn hành động sẽ không theo mệnh lệnh của một Đảng phái nào, chỉ theo sự quyết định của đa số đoàn viên. Nhưng Đoàn cũng sẽ không từ chối một cách tuyệt đối sự hợp tác thực tiễn với những đảng nào, xét ra là đại diện cho quần chúng và đấu tranh dưới lá cờ xã hội chủ nghĩa”
***
Với nội dung của “Tương lai văn nghệ Việt Nam” (mà ở đây tạm tóm tắt sơ qua như trên), Thanh Bình đã phê bình như thế nào?
Trước hết là một nhận xét bao quát:
“Đáng tiếc là ông Trương Tửu chưa hề lĩnh hội vấn đề văn nghệ một cách đầy đủ và đến nơi đến chốn để đem lại cho chúng ta một chương trình thiết thực. Tập luận án của ông Trương Tửu thực quá mông lung về phần lý luận; và khi bàn đến chương trình hành động lại có ý kiến quá tỉ mỉ, quá “máy móc” và sao nhãng hẳn những điểm rất cần thiết cho sự xây dựng một nền văn nghệ mới”.(Tiên phong, số 2, ngày 1/12/1945, tr. 7) (3)
Từ nhận xét chung đó, Thanh Bình phản bác quan niệm của Trương Tửu về khái niệm Văn nghệ là gồm văn sĩ và nghệ sĩ. Trong khi, theo Thanh Bình “Văn nghệ chỉ là một mặt của văn học. Nó cũng chỉ là một ngành của văn hoá. Văn nghệ – nghĩa là văn học xét theo quan điểm nghệ thuật”.
Thanh Bình nhận xét:
“Trong phần lý luận văn nghệ, ông Trương Tửu không hề chỉ rõ những vấn đề cơ bản của văn nghệ, như là điều kiện quyết định, lịch sử diễn tiến của tư trào văn nghệ, không hề đả động đến ý nghĩa nghệ thuật và xã hội của các văn phái xưa nay. Ấy là một khuyết điểm lớn của tập sách. Văn nghệ chỉ là một trạng thái của ý thức hệ. Nếu không định rõ đặc tính của văn nghệ thì làm thế nào mà chỉ định phương hướng cho sự cố gắng của nhà văn nghệ trong lĩnh vực văn học, trong lĩnh vực nghệ thuật? Cái mới chỉ là một sự trạng tương đối với cái cũ. Nếu không chỉ rõ đặc sắc cái cũ thì làm sao mà thấy rõ được các đặc sắc của cái mới? (Tiên phong số 2, ngày 1/12/1945, tr. 8) (4)
“Sở dĩ người đọc có cái cảm giác thất vọng sau khi đọc ông Trương Tửu, một lẽ chính là vì bốn chương đầu này chỉ là mấy bài luận đầy những lời phiếm, những công thức trống rỗng, không thiết gì với văn nghệ. Nhưng ngay trong phạm vi đại quan, người ta vẫn thấy những chỗ nông nổi của một lối lập luận không có lập trường vững chắc. Thích nghĩa hai chữ “văn nghệ” là gì, nếu không phải là sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại”. Câu giới thuyết đó không phải riêng gì cho văn nghệ, nhưng nó cũng chỉ đúng được một phần thôi”. (Tiên phong số 2, tr. 8-9)
… “nói đến sự mâu thuẫn giữa tinh thần nghệ thuật với thực tế, với hiện tại thì sự phản kháng đó bao giờ cũng phải tiến triển theo trình độ sinh hoạt của tập đoàn và trong văn nghệ, phản kháng tức là kiến thiết, là sinh hoạt. Trong một xã hội đầy những mâu thuẫn thì văn nghệ phản kháng vẫn không thể không chú ý đến sự hay sự dở của những văn nghệ truyền thống và công trình kiến thiết của các giai tầng thống trị ngày xưa. Trong một xã hội không còn mâu thuẫn nữa thì tính cách phản kháng với hiện thực cũng sẽ phải biến đi, phải khác đi. Cho nên một khuyết điểm nữa trong quan điểm của ông Trương Tửu là ông ấy chưa hề định nghĩa hai chữ “thực tại”
… “Ông Trương Tửu không nói gì đến vấn đề dân tộc có lẽ là vì ông thấy đã có người nói đến rồi chăng? Nhưng nếu không có tính cách dân tộc thì cái đại chúng đó là đại chúng nào? cuộc cách mạng và chủ nghĩa xã hội của ông lấy gì làm căn bản”. (Tiên phong số 2, tr. 9)(5)
Với phần thứ hai của sách, về ý kiến của Trương Tửu về “quyền tự do chính trị tối thiểu”, Thanh Bình đã nói lại như sau:
“ Tự do – tự do cá nhân, tự do nghệ sĩ, tự do tuyệt đối, hay lắm, đẹp lắm. Nhưng nước nhà chưa tự do thì nhà nghệ sĩ tự do thế nào? Nói cho cùng, nếu như nước nhà được độc lập, được “giải phóng hoàn toàn” và có một chính thể “dân chủ chân chính” thì nhà nghệ sĩ nào không được tự do?… Một điều chắc chắn là chữ tự do nếu lại hiểu lầm thì là một điều nguy; chữ tự do, nếu để cho một lũ đĩ bút mực lợi dụng để phản cách mạng thì lại càng nguy nữa” (Tiên phong số 3, ngày 16/12/1945, tr. 8) (6)
“Vấn đề chính trong câu chuyện tổ chức Tân Văn nghệ phải lĩnh hội theo một quan niệm khác hẳn (…) Ông Trương Tửu muốn rằng: Đoàn Tân văn nghệ của ông sẽ không theo mệnh lệnh của một đảng nào hết mà chỉ theo sự nghị quyết của đa số đoàn viên. Nhưng cái đoàn đó sao lại nhất định không có thể có công tác nào ở trong đảng? Nếu như công việc của đảng cần đến đoàn, nếu như tiền đồ cách mạng của dân tộc, của đại chúng cần đến sự cộng tác thì thế nào? Sao sự hợp tác lại “chỉ có thể xảy ra một cách hãn hữu” thôi? (…) Ông Trương Tửu cũng biết rằng: Gooc-ky (M. Gorki) và trăm nghìn vạn nhà văn sĩ, nghệ sĩ khác ở Nga ngày nay đều là đào luyện trong hàng ngũ đại chúng, trong kỷ luật của đảng cách mạng ra. Nghệ thuật ở Tàu trong khoảng mười năm sau đây cũng vậy”. (Tiên phong số 3, ngày 16/12/1945, tr. 9, 10) (7)
Trước những lời phê bình “Tương lai văn nghệ Việt Nam” như trên, hôm nay, trong điều kiện tư tưởng, học thuật đã có phần được cởi mở hơn, chúng ta nghĩ gì?
Riêng tôi, là học trò của hai thầy, xin có mấy ý kiến sơ qua như sau:
1. Thứ nhất: Nếu “Tương lai văn nghệ Việt Nam” lại không phải là Việt Nam, mà của một nước nào đó thì chắc chẳng có gì là rắc rối. Nhưng ở đây là của người Việt Nam, viết về tương lai văn nghệ Việt Nam trên đất nước Việt với hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam thời đó thì việc nó bị phê bình, kể cả phê phán, cũng là điều dễ hiểu. Vả chăng, tuy nó viết xong vào tháng bảy 1945 nhưng lại in phát hành vào ngày 10-9-1945 thì có chuyện cũng là điều dễ hiểu, bởi nó thuộc quy luật tiếp nhận tác phẩm rất phức tạp liên quan đến mối quan hệ giữa tác phẩm với cuộc sống mỗi thời mỗi khác và người tiếp mỗi người mỗi khác.
2. Thứ hai: Việc phê bình “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của Thanh Bình là xuất phát từ yêu cầu khẳng định quyền lãnh đạo toàn diện trong đó có văn nghệ của đảng cộng sản Đông Dương mặc dù lúc này Đảng chưa ra công khai nhưng ai cũng biết là có Đảng đã ra đời từ năm 1930 và đã chớp được thời cơ làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công và vừa tuyên bố độc lập cho Tổ quốc Việt Nam trước khi “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của Trương Tửu ra mắt người đọc 8 ngày. Thanh Bình đã làm cuộc phê bình này với động cơ chính trị như thế. Trên tạp chí Tiên phong cũng còn có các vị khác cùng làm nhiệm vụ đó là Nguyễn Hữu Đang, Hồng Lĩnh, Nguyễn Đình Thi, nhưng đúng là không ai có cái tư thế học giả như Thanh Bình. Đọc lại bài phê bình của tác giả thấy rõ điều đó. Với tư thế này, quả thấy Thanh Bình đã nói đúng một số hạn chế của “Tương lai văn nghệ Việt Nam” ví như: Việc nêu ra 4 yếu tố không hẳn là sai nhưng vẫn thiếu một cái gì cần riêng cho văn nghệ. Bởi 4 yếu tố đó là chung cho văn hoá chứ đâu chỉ cho văn nghệ. Đã thế lại thiếu yếu tố dân tộc, vốn là một phẩm chất quan trọng hàng đầu của văn nghệ Việt Nam. Ví như: đã cực đoan trong khi đeo đuổi khát vọng xây dựng Tân Văn nghệ mà chưa bình tĩnh xem xét một cách đến nơi đến chốn vấn đề cũ mới trong lĩnh vực văn nghệ, nghệ thuật vốn là phức tạp, có quy luật riêng không giống với nhiều lĩnh vực khác đặc biệt là chính trị. Nói cho công bằng thì khuynh hướng cực đoan, thiên về sự phủ nhận cái cũ, chỉ lo khẳng định cái mới cũng đã bộc lộ khá rõ thời đó trong “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương, được in lại ở tạp chí Tiên phong số 1 ngày 10/11/1945 sau “Tương lai văn nghệ Việt Nam” đúng 2 tháng. Đề cương này chẳng đã viết:
“Tranh đấu về học thuật, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nit-sơ (Nietzsche)… làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng…. làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”.(Tiên phong số 1, ngày 10/11/1945, tr. 21) (8)
Kể cả ở bài “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá Việt Nam mới lúc này” của Tr. Ch. (Trường Chinh) viết ngày 23/9/1944, cũng được in lại ở Tạp chí Tiên phong số 2 (1/12/1945) cũng có khuynh hướng đó khi viết:
“Văn nghệ hợp pháp hầu hết bội phản tinh thần dân tộc độc lập. Hình thức văn nghệ hết theo lối Tống Nho câu nệ, cổ kính lại học đòi lối Pháp một cách lố lăng.(…) Những sản phẩm văn hoá của thời phong kiến Việt Nam để lại, phần nhiều đầy tính cách duy tâm, thần bí, phản khoa học (…) văn hoá hợp pháp Việt Nam hiện nay mang ba nhược điểm, ba căn bệnh lớn: phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng (…) Bổn phận các nhà văn hoá cấp tiến Việt Nam, bất cứ ở giai cấp nào, là phải kịp lập một mặt trận chống ba căn bệnh của văn hoá Việt Nam hiện tại”.(Tiên phong số 2, ngày 1/12/1945, tr. 3). (9)
Đúng là hiện tượng cực đoan, thiên về phủ nhận quá khứ chẳng riêng gì ở một Trương Tửu trong “Tương lai văn nghệ Việt Nam”. Có lẽ ở đây, Đặng Thai Mai mới là người không rơi vào hạn chế đó khi bàn về vấn đề cũ mới trong việc xây dựng nền văn nghệ mới.
Riêng đối với quan niệm của Trương Tửu chung quanh các vấn đề văn nghệ là chất men phản kháng, vấn đề tự do, vấn đề Đoàn văn nghệ “hành động không theo mệnh lệnh của một đảng phái nào, chỉ theo sự quyết định của đa số đoàn viên”… thì những lời phê bình của Thanh Bình là đáp án đương nhiên đúng trong phạm vi công luận từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay ở Việt Nam ta, và cho đến nay dường như vẫn đơn giản chỉ có một đáp án ấy. Nhưng đối với thế giới và không chừng đối với cả tương lai thì chắc không đơn giản như thế. Những lời phê bình của Thanh Bình đối với Trương Tửu chung quanh các vấn đề này hồi ấy xem ra không lấy gì làm nặng nề như về sau, trong một không khí khác, và khi những người phê phán Trương Tửu là các ông Văn Tân, Hoài Thanh, đặc biệt là.
3. Cuối cùng, có chuyện này không thể không nói vì với tôi có phần ngạc nhiên là té ra bài phê bình “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của giáo sư Đặng Thai Mai đối với giáo sư Trương Tửu lại không chỉ là phê bình mà còn có chỗ là một sự biểu dương nồng thắm một khi đã có những dòng chữ trong phần ba như sau:
“Tôi rất vui lòng nhận thấy trong tập sách T.L.V.N.V.N. những lời nói chan chứa nhiệt tình đối với văn học và nghệ thuật, những cảm tình tha thiết đối với một giai tầng dân chúng, và sự tin tưởng đối với tương lai văn hoá dân tộc. Ông Trương Tửu đã từng sống những giờ băn khoăn, những đêm “mắt cay, cay cả đến tâm hồn”(tr. 104). Ông đã bất mãn với thực tế với hiện tại văn nghệ, vì ông thấy rằng mối “cảm thông đã đứt đoạn giữa đại chúng và nghệ sĩ” (tựa, tr. VIII) (…) Nhưng ông Trương Tửu không hề thất vọng. Ông đã “mang nặng trong tâm hồn cái nguyện vọng tốt đẹp của một nhà văn hoá đối với tiền đồ văn hoá. Hơn nữa, ông cũng “muốn tích cực tham gia” vào công cuộc gây dựng nền văn hoá mới”(…) Thiên kết luận của tập sách là một “ tiếng gọi bạn” chan chứa nhiệt tình. Nếu như tôi đã phê bình khá ráo riết tập sách ông Trương Tửu về phần lý luận và cả phần thực hành nữa thì ở đây, tôi cũng rất vui lòng và thành thực nhận rằng: trong tâm hồn nhà lý luận Trương Tửu, một thi sĩ vẫn luôn luôn nhí nhóm và lắm lúc thổ lộ được những câu trữ tình khá lâm ly (…) ngòi bút ông Trương Tửu vẫn còn nhiều hứa hẹn với tương lai…”.(Tiên phong số 6, ngay 16/2/1946, tr. 19-20). (10)
***
Để kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn nói lời cảm phục bậc sư phụ của mình là đã để lại cho đời một mẫu mực trong văn hoá tranh luận. Văn hoá tranh luận là phải như thế đấy. Phải làm cho ra nhẽ nhưng là trên cái nền tảng tôn trọng nhau. Còn phần đúng sai trong văn chương học thuật thì ai dám nói tiếng nói của tôi là tiếng nói cuối cùng? Mong rằng hiện tượng phê bình theo kiểu mà mấy ai đó đã làm với nhà văn-giáo sư Trương Tửu thời kỳ chống Nhân văn – Giai phẩm chỉ là hiện tượng thần kinh không bình thường trong nhất thời mà thôi. Chỉ tiếc là hôm nay, các vị đã không còn trên dương thế này để tự điều chỉnh mình vì các vị đâu phải là người nghèo nhân cách và trí tuệ?
Riêng với giáo sư Trương Tửu, ở thế giới bên kia, thầy sẽ nghĩ gì khi có bài viết này của người học trò năm xưa của thầy mang tên Nguyễn Đình Chú. Và bạn Văn Tâm nữa. Ở thế giới bên kia bạn có nghe tôi đang nói về “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của người thầy chúng ta mà trước lúc qua đời bạn muốn tôi có tiếng nói?
Yên Hoà thư trai
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh của nhà văn – giáo sư Trương Tửu (2008)
(1) Bùi Huy Phồn: Trương Tửu, một tên phản cách mạng đội lốt mác xít // Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5/1958 .
(2) Trích theo sách: Sưu tập trọn bộ “Tiên phong” 1945-1946 / Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm / Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, tập I, 1996, tr. 258.
(3) Trích theo sách: Sưu tập trọn bộ “Tiên phong” 1945-1946 / Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm / Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, tập I, 1996, tr. 65.
(4) Sách trên, tr. 66.
(5) Sách trên, tr. 67.
(6) Sách trên, tr. 110.
(7) Sách trên, tr. 111-112.
(8) Sách trên, tr. 35.
(9) Sách trên, tr. 60, 61.
(10) Sách trên, tr. 255-256.
Trả lời