Trích sách "Cuộc chiến với tuổi dậy thì"
Ti may mắn được hưởng trọn cấp tiểu học ở Đức. Có những hôm trời bão tuyết, điện mất, tàu điện không chạy, Ti vẫn một mình phăm phăm lội bộ dăm bảy bến tàu điện đến trường. Miệng gần như đóng băng, chỉ có thể mấp máy môi, không nói được thành câu xin cô vào lớp. Có lần sốt cao vẫn kiên quyết đòi đi học, dỗ thế nào Ti cũng không chịu ở nhà.
Chẳng bù cho Cống, trong đời chưa kịp nghe tiếng trống trường đầu tiên đã kịp … chán học. Ba tuần đầu tiên (khi chưa khai giảng), mỗi sáng phải đưa Cống đến lớp là cả một cực hình với cả nhà. Cống cứ khóc lóc ầm ĩ, kiên quyết không chịu ra khỏi nhà và chỉ gào lên đúng một câu duy nhất: “Không đi học lớp Một đâu, chỉ đi học mẫu giáo thôi”. Cả nhà đã dùng đủ cách, từ nịnh nọt, dỗ dành, giải thích, cho đến dọa nạt, mắng mỏ,… nhưng đều vô ích. Cuống quá mẹ còn đi xem bói, thậm chí còn gọi điện về quê nội hỏi han xem mồ mả tổ tiên ông bà có bị “động” gì không. Cả nhà cũng đã tích cực chuẩn bị tâm lý cho Cống vào lớp Một rồi mà còn như thế. Hết cách, mẹ đành ngồi ngẫm nghĩ xem khúc mắc nằm ở đâu thì chợt nghĩ về điệp khúc ông con gào thét mỗi sáng “Không đi học lớpMột đâu, chỉ đi học mẫu giáo thôi” và sực tỉnh “Thôi xong, chắc chắn do việc học ở trường rồi”. Thứ nhất, cu cậu choáng với giờ giấc học tập nghiêm túc trên lớp (không còn được nô đùa, chạy nhảy thoải mái như thời mẫu giáo). Thứ hai, tuy là lớp Một nhưng ở Ta giáo viên không ai bảo ai đều “ngầm mặc định” các con đã đọc thông viết thạo, trong khi con mình không học trước ở nhà nên đến lớp bị ám ảnh tâm lý nặng nề là mình “học dốt”, thua kém các bạn. Đấy là chưa kể mới lớp Một mà nội dung học đã khô khan, nhàm chán và giáo điều. Dạy học chủ yếu là nhồi nhét kiến thức. Thế thì hoảng là đúng rồi. Đứa con gái nhà hàng xóm được bố mẹ “chạy” cho vào lớp chọn ở một trường điểm. Chưa khai giảng nhưng ngày nào đi học về con bé cũng “trình” bố mẹ một tờ giấy A4 kín bưng những chữ, và cuối trang giấy có ghi: "Đề nghị phụ huynh kèm con đọc trơn tru từ năm đến bảy lần”. Mình thấy đây là một nghịch lý, bởi nếu đã đọc thông viết thạo rồi còn sinh ra lớp Một để làm gì?
Con bé nhà hàng xóm cũng mếu máo nói nó không thích đi học.
Phải cứu con thôi, và thế là mẹ phi đến trường xin gặp riêng cô giáo chủ nhiệm.
Mở đầu bằng “màn tâm lý chiến”
Lúc đầu chỉ là mấy đòn “tâm lý chiến”. Biết ông con mê lính tráng, súng ống, mấy hôm đầu đi học về rất ngưỡng mộ bạn lớp trưởng vì được chỉ huy cả lớp như trong quân đội, mẹ bèn xin cô cho con một “chân” lớp trưởng (hiến kế cho cô chọn mấy bạn luân phiên nhau trong tuần làm lớp trưởng để khỏi mang tiếng “tranh chức” của bạn khác). Đây quả là đòn “tâm lý chiến” đắc dụng. Ông con đi học về khoái ra mặt, mấy tối đầu, tối nào cũng bắt ba mẹ và chị xếp hàng một cho ông ấy tập hô “Nghiêm, nghỉ, các bạn chào cô!”. Cả nhà buồn cười lắm mà không ai dám cười, ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của “cấp trên”. Được thể, mẹ mới bắt đầu nỉ non “Này nhé, con biết không, làm lớp trưởng không chỉ là biết hô to, dõng dạc mà còn phải gương mẫu, ngoan, học giỏi thì các bạn mới tín nhiệm, nói các bạn mới nghe nha con”, ông ấy nghe thấy thế thì gật đầu cái rụp, xem chừng hiểu vấn đề.
Biến lớp học thành “ngôi nhà thứ 2”
Tiếp đến, mẹ xin phép cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng trang hoàng lại lớp học. Hai cô vui vẻ đồng ý, tuy nhiên, cô hiệu trưởng cũng không quên dặn “em làm gì thì làm nhưng nhớ đừng có ‘mẫu giáo quá’ nhé”. Và thế là bắt đầu một chiến dịch chuẩn bị. Việc đầu tiên là mẹ đến cơ quan “tịch thu” hết cái đống khung treo bằng khen và giấy khen vứt lăn lóc trong văn phòng bộ môn (chỉ xin khung, còn “ruột” trả lại cho các “khổ chủ”) mang đến lớp rồi chọn các bức tranh đẹp của các con trong giờ Họa cho vào khung treo lên tường. Các con sẽ được luân phiên treo tranh của mình trên lớp. Thật là nhất cử lưỡng tiện khi sử dụng tranh của các con để trang trí cho lớp học. Việc thứ hai là cùng với một phụ huynh trong lớp – họa sĩ của NXB Kim Đồng – thiết kế một ngôi nhà thật đẹp với bốn muơi chín cái cửa sổ, mỗi cửa sổ là một gương mặt trong lớp (ngày ấy nhà chưa có máy ảnh kĩ thuật số, phải xin từng phụ huynh trong lớp ảnh của từng con rồi ngồi scan từng chiếc một), bốn mươi tám cháu và cô chủ nhiệm. Chỉ dòng chữ đề trên bức tranh (ngay lối vào của ngôi nhà) cũng làm mẹ loay hoay mãi. Lúc đầu là “Lớp 1C ngôi nhà thân yêu của chúng em”. Tuy nhiên, cảm thấy ngôn ngữ chưa ổn nên mẹ đã thay chữ “chúng em” thành “chúng mình”, “Lớp 1C, ngôi nhà thân yêu của chúng mình”. Chỉ thay có một chữ mà hàm ý đã khác hoàn toàn, “chúng em” là nói với người ngoài, “chúng mình” là nói với nhau. Đơn giản là mẹ muốn lớp 1C trở thành ngôi nhà thân yêu của các con và các con sẽ là người một nhà. Hôm mẹ vác bức tranh ép gỗ khổ A0 vào treo ở lớp cả lớp xúm xít vào xem tranh, đứa nào đứa nấy vừa cười, vừa rối rít chỉ trỏ “tớ đây, cậu đâu?”, “cậu đây, tớ đâu?”, “ê, đồ răng sún nhá” (có ảnh mấy bạn cười khoe răng sún),… Không ngờ là chưa khai giảng mà con nào con nấy đọc vanh vách dòng chữ “Lớp 1C ngôi nhà thân yêu của chúng mình”. Mẹ cúi xuống hỏi bọn trẻ “Các con giờ là người một nhà rồi nhé, vậy các con có biết là người một nhà thì phải như thế nào không?” Lũ nhóc tranh nhau trả lời, nào là phải “yêu thương nhau”, “không được đánh nhau”, “cho bạn mượn vở”,… và “ăn hộ bạn cơm bán trú” nữa… Trẻ con đúng là thiên thần, hồn nhiên và hết sức đáng yêu.
Mẹ còn tỉ mỉ cắt những bông hoa các màu, quy ước mỗi màu hoa cho một điểm tốt. Bạn nào được điểm tốt sẽ được lên đính một bông hoa trên tấm “Bảng hoa điểm tốt” treo trước lớp, phía bên phải. Cuối tuần cô sẽ tổng kết những bạn nào được nhiều điểm tốt và trao cho phần quà nho nhỏ đựợc mẹ chuẩn bị trước.
Bạn bè chị Ti cũng được huy động gấp những con hạc đủ các màu sắc, kích cỡ để treo trên trần lớp học.
Tường treo tranh, trần nhà treo chim, cây cảnh treo xung quanh, lớp học đã trở nên vui mắt, thân thiện hơn rất nhiều.
Giúp cô thay đổi cách dạy
Thật may là cô Kim Anh chủ nhiệm lớp Cống là một cô giáo tuyệt vời, yêu trẻ và rất tâm huyết với nghề. Cô còn nhận kèm thêm học sinh trường quốc tế để học hỏi về phương pháp giảng dạy. Cô rất vui vẻ đồng ý khi mẹ đề nghị được hợp tác với cô. Những giờ giảng khuôn mẫu, máy móc đã được biến thành những bài giảng thú vị, sinh động và hấp dẫn theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Những bài toán cộng trừ khô khan được thiết kế trên những hình vẽ trong sách tô màu mẹ mang từ Đức về cho Cống, các con vừa làm toán, vừa được tô màu cho tranh, đứa nào đứa nấy rất thích. Các con số xơ cứng được thay bằng những hình vẽ sinh động. Giờ tiếng Việt cũng được thực hành bằng những trò chơi thú vị như đoán ô chữ, xếp hàng, đóng kịch,… Ngay cả những giờ học môn Đạo đức cũng trở nên hấp dẫn, thú vị, không còn khuôn sáo và máy móc.
Gặp rắc rối
Chưa kịp mừng thì bắt đầu gặp rắc rối với nhà trường. Trong trường bắt đầu có tiếng ì xèo rằng lớp 1C chơi trội. Rồi cô chủ nhiệm liên tục bị mời lên gặp Ban Giám hiệu (còn bị dọa cắt thi đua) vì để phụ huynh trang trí lớp “mẫu giáo quá” (vị hiệu phó trường ấy còn nói kháy lớp học như “ban thờ mẫu” vì lũ hạc treo trên trần nhà). Cô chủ nhiệm ngại rắc rối nhưng lại nể mẹ nên không dám nói. Mọi chuyện tưởng êm, nhưng mấy ngày sau, nhân có đoàn thanh tra từ trên phòng giáo dục sắp xuống nên trường lại càng làm căng, bắt gỡ. Bác chi hội trưởng phụ huynh tìm gặp mẹ nói rất hiểu tấm lòng của mẹ dành cho các con và bác ấy cũng thấy rất bất bình với thái độ của vị hiệu phó nhưng vì cô giáo chủ nhiệm nên xin phép được gỡ lũ hạc giấy xuống Mẹ nghe thấy thế thì lên Ban Giám hiệu hỏi thẳng:
– Thế nào là “chơi trội”? Xin các vị bỏ ngay cho cái tư tưởng dàn hàng ngang mà tiến xưa cũ ấy đi. Không có người đi trước thì lấy đâu ra những người đi sau? (có mấy lớp ngay sau đó cũng đã “bắt chước” trang trí lại lớp học, làm bảng hoa điểm tốt và treo ảnh của cả lớp lên tường như lớp của con).
– Thế nào là “mẫu giáo quá”? Xin hỏi, khoảng cách giữa mẫu giáo và lớp Một là bao xa? Thường thì tháng trước là mẫu giáo, tháng sau đã lên lớp Một (cùng lắm là được một tháng nghỉ hè). Xin thưa, con gái tôi học lớp Chín, trường chuyên hẳn hoi, mà cô giáo vẫn huy động học trò gấp chim hạc để treo khắp nơi trong lớp dịp có đoàn cấp trên đến thăm. Ở nước ngoài, đến cấp phổ thông trung học lớp học còn được trang hoàng hơn thế nữa, học trò lớp Một còn ôm em bông đến lớp, có sao đâu. Thêm nữa, các vị thử hình dung, buổi trưa các con ngủ ở lớp, ngửa mặt lên nhìn cái trần nhà trống huếch trống hoác cảm giác có khác khi nhìn những đàn chim giấy bay bay, đung đưa nhè nhẹ theo gió, đưa các con vào giấc ngủ êm đềm?
– Cuối cùng, tôi xin phép được chịu hoàn toàn trách nhiệm trước nhà trường và đoàn thanh tra về những gì tôi đã làm cho lớp con tôi. Tên tôi là…, công tác tại…, số điện thoại… Nếu trường gặp bất cứ rắc rối gì với cấp trên tôi sẽ xin được trực tiếp đối chất với họ, không phải tay đôi mà trên báo chí, truyền thông.
Thấy mẹ làm căng thế nên trường thôi không nhắc nhở gì đến việc tháo dỡ nữa. Kết quả không ngờ là khi phái đoàn cấp trên về trường họ đã tấm tắc khen sao lớp học trang trí đẹp thế. “Báo hại” là lớp 1C năm ấy thường xuyên phải “sơ tán” để cho các lớp khác trong trường, thậm chí trường khác mượn khi có giờ thao giảng hay thi giáo viên dạy giỏi. Không ít lần còn thấy lớp của con được xuất hiện trên kênh truyền hình Hà Nội
Thành công nhất là sau đó ông con phấn khởi đến lớp mỗi ngày. Đi học mặt mũi tươi hơn hớn chứ không còn khóc lóc, gào thét như trước nữa. Có hôm trời mưa to, mẹ đùa: “Hôm nay mẹ cho con nghỉ ở nhà nhé”, ông con liền trả lời: “Không, con thích đi học cơ”. Vậy là mẹ đã cùng con vượt qua một cách ngoạn mục “cửa ải” đầu tiên của nhà trường. Cống đặc biệt yêu quý cô giáo lớp Một (và cả các cô giáo các năm sau đó).
Cho đến nhiều năm sau, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Cống đều giục ba mẹ đưa đến thăm các cô…
Lê Hoàng Anh says
Đọc mà con thích quá cô ơi, ngày trước ngủ bán trú ở trường nhìn lên trần nhà xám 1 màu đúng là tạo cảm giác chán không thể tả. Con vẫn may mắn vì ngày trước đi học chả cần học thêm chuẩn bị cho lớp 1 nên thoải mái hơn hẳn các bé bây giờ. Thậm chí con nổi tiếng ở trường mẫu giáo vì ngày nào cũng chạy khóc quanh trường không muốn học mà vào lớp 1 cái là nghiêm chỉnh hơn hẳn ngược hoàn toàn với em Cống haha cô làm con nhớ quãng thời gian ý quá đi mất. Con đợi sách của cô cô nhé 😡
chả hiểu sao mà cmt bằng điện thoại cứ bị lỗi font cô ạ 🙁
Ngọc Trang says
Đúng là một công trình của cô!
Dan Hoang says
Vậy là Hoa đã thành công cùng con vượt qua một cách ngoạn mục cái ” cửa ải “cổng trường cấp 1. Hoa đúng là người đầu tiên giúp Gv tiểu học xây dựng được mô hình cho học sinh lớp 1 được “học mà chơi, chơi mà học”. Ở Đức người ta còn có truyền thống từ nhà trường đến gia đình ( cả nước )tổ chức ngày đầu tiên đến trường ( ngày khai giảng lớp 1- Schuleanfang ) rất long trọng, tạo hứng thú cho bé háo hức đến trường. ….Mọi thứ ở ta học rất nhanh mà đoạn này k thấy học nhỉ????…..
Có một điều là từ bấy đến giờ đã mười mấy năm qua đi, năm nay Cống đã chuẩn bị đi du học ( hay là đi rôi? ) thế mà cái lớp 1 C với cách dạy mới lại không đc nhân rộng ra nhỉ, trẻ con bây giờ từ lớp 1 vẫn cứ bị tra tấn với cách dạy nhồi nhét khủng khiếp…. Ai đã đánh cắp tuổi thơ của các em ?????
Đinh Hải Yến says
Tuyệt vời bạn Hoa ơi. Nói được, làm được, và làm cực hay, cực độc, cực sáng tạo. Tính nhân văn của giáo dục bắt đầu bằng những việc nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa như thế, phải không bạn?
Tran Phoenix says
Một bà mẹ tuyệt vời, một nhà giáo dục tuyệt vời cô ạ
Tuyet Dang says
Tui nghiệm thấy phần lớn mọi nhà có 2 đứa con ,nếu đứa này là xuất chúng thì ắt đứa kia là chúng xuất. Ti thế thì Cống vậy là chuẩn. Mụ sướng thế còn giề?
Guest says
Ui hay quá U ơi.
Guest says
Hay quá chị ơi!
Guest says
Nhân rộng mô hình thôi chị!
Guest says
Thật chẳng có nhiều người nghĩ và làm được như cô. Chuẩn ko cần chỉnh theo cách suy nghĩ mới đầy sáng tạo. Khổ cái lại ở trong 1 đất nước ko ưa và ko khuyến khích sáng tạo. Thật ngưỡng mộ quá – 1 bài học hay cho nhiều người
Guest says
[quote name=”Tuyet Dang”]Tui nghiệm thấy phần lớn mọi nhà có 2 đứa con ,nếu đứa này là xuất chúng thì ắt đứa kia là chúng xuất. Ti thế thì Cống vậy là chuẩn. Mụ sướng thế còn giề?[/quote]
Ô hay, tôi tưởng con gái mụ mới là đứa…sướng, he he
nthiphuonghoa says
[quote name=”Ngọc Trang”]Đúng là một công trình của cô![/quote]
[quote name=”Ngọc Trang”]Đúng là một công trình của cô![/quote]
Vỡ não nhá con, hu hu…
nthiphuonghoa says
[quote name=”Tran Phoenix”]Một bà mẹ tuyệt vời, một nhà giáo dục tuyệt vời cô ạ[/quote]
Tuyệt gì chứ, thất bại toàn tập thì có, nó giờ ngang hơn CUA nhá.
Yến Phạm Hải says
Khâm phục tấm lòng vì con của chị.
nthiphuonghoa says
[quote name=”Yến Phạm Hải”]Khâm phục tấm lòng vì con của chị.[/quote]
[quote name=”Yến Phạm Hải”]Khâm phục tấm lòng vì con của chị.[/quote]
Chẳng còn cách nào khác nên phải thế thôi em ơi, hi hi….
Phan Thủy Chi says
Ngưỡng mộ quá Hoa ơi. Điều quan trọng là “xán tay” vào làm. Mà quan trọng hơn nữa còn phải biết “chiến” nữa chứ. Nếu ko thì ko được làm và ko làm được đâu.
Làm sao để vừa lãng mạn bay bổng, lại vữa “chiến” được – tư do linh hoạt ra vào “miền lý tưởng” và “miền thực dụng” 🙂
Em Thư says
Đúng là Cô Hoa có khác, em khâm phục Cô thật đấy. giá mà các trường học ở VN đều làm đc như vậy thì các em HS sẽ không phải sợ đi học, học mà chơi, chơi mà học thì sẽ không bị áp lực,nhàm chán!
Guest says
Đọc đi đọc lại vẫn thích. Thích xong lại tiếc, lại tức chị à…
Guest says
Hay quá! Đọc chưa hết đã thấy khoái, sướng điên cả người lên rồi Cô ạ. 😉
Đinh Linh says
Cô ơi, đọc bài của cô mà con cứ vỗ đùi đen đét. Thật là đã quá. Cô thương con không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể. Con khâm phục cô quá ạ. Hé hé. Nhân cái chuyện các bạn lớp 1 học trước, con cũng đang kèm cho một bạn năm nay lên lớp 2. Bạn ấy rất thông minh nhưng vì các bạn cùng lớp học trước hết chương trình rồi còn bạn ấy thì không, đâm ra bạn ấy lại thành dốt nhất lớp. Con đã phải cố gắng rất nhiều để cho bạn ấy lấy lại được tự tin cô ạ. Ôi sao mà con khó chịu với cái kiểu giáo dục ở nước mình thế chứ.
Ngọc Mai says
Ngày xưa con còn không chịu đi học mẫu giáo vì bị bạn bè bắt nạt mà cô giáo không làm gì được, xong mỗi lần bố mẹ bắt đi học con chui vào gầm giường ôm chân giường, thế là các cụ đầu hàng luôn, cho con ở nhà “giáo dục tại gia” đến hết 5 tuổi :)) May mà vào lớp 1 lúc đấy trường con trường điểm nhưng thầy hiệu trưởng theo tư tưởng Tây, giáo viên cũng toàn tân tiến, nên những năm cấp 1 của con rất vui và thoải mái 😀 Làm giáo dục ở cái xứ này đúng là khó, muốn cách tân muốn sáng tạo cho hợp với trẻ nhỏ thì chưa kịp làm gì đã bị mấy ông đầu to hách dịch kháy nọ kháy kia cấm A cấm B…
Ngoc Anh says
Cô ơi thế này thì cứ muốn làm học trò của cô mãi thôi ạ.
Đỗ Xuân Ánh says
Hay qua cô ạ. GD VN thay đổi được chỉ khi có những người thầy như cô.
Nguyễn Dũng says
Gữi”mô hình” này lên BGD,ĐT,cô ơi!