Nguyễn Thanh Tiến
Trích từ http://nttien.multiply.com/journal/item/3/3
Ngày nay, với việc giải mã bộ gien, con người có thể dễ dàng phân biệt người này với người khác, dân tộc này với dân tộc khác, bởi mỗi người, mỗi dân tộc đều có những gien đặc trưng riêng của mình mà không thể nào lẫn được với người khác, dân tộc khác. Là một người Việt Nam, tôi tự hỏi, thế gien nào là đặc thù của người Việt chúng ta?
Vì không có trình độ về sinh học nên tôi không thể phân tích gien để chỉ ra đâu là gen đặc trưng của người Việt. Tôi chọn một phương pháp khác, phương pháp sử dụng thuyết tiến hóa. Ta biết rằng tiến hóa là sự đấu tranh giữa tồn tại và không tồn tại, vì vậy để đi tìm gien đặc trưng của một dân tộc thì phải tìm ra gien nào có ảnh hưởng nhiều nhất đến cơ hội tồn tại của những con người trong dân tộc đấy.
Sau khi xem xét nhiều ứng cử viên, cuối cùng tôi khá chắc chắn khi cho rằng gien đặc trưng nhất của người Việt chúng ta đấy chính là "gien sợ". Có thể nói hiếm có một dân tộc nào mà việc biết sợ có ảnh hưởng đến sự sống còn như dân tộc Việt Nam.
Gien sợ có thể thấy ở đâu?
Có thể thấy "gien sợ" của chúng ta tồn tại ở khắp mọi nơi. Khi ở nhà, con cái phải biết sợ người lớn, và chỉ những đứa trẻ nào biết sợ người lớn thì được gọi là trẻ ngoan. Khi đến trường , học sinh phải biết sợ thầy cô giáo, và chỉ có những đứa trẻ biết sợ mới được gọi là trò ngoan. Lớn hơn nữa khi đi làm, nhân viên phải biết sợ cấp trên, và chỉ những người biết sợ mới là những nhân viên gương mẫu và con đường thăng quan tiến chức cũng dễ dàng hơn. Còn khi ra đường chúng ta phải biết sợ những kẻ liều mạng, những tên cướp hoặc xã hội đen, bởi chỉ có biết sợ, chúng ta mới tránh được những sự "hi sinh" không cần thiết. Hoặc đôi khi có việc phải dính tới pháp luật hay hành chính chúng ta còn phải biết sợ những người có chức có quyền bởi chỉ có sợ và làm theo "yêu cầu" của họ thì công việc của bạn mới trôi chảy và tránh được những rắc rồi không cần thiết
"Gien sợ" này không phải mới xuất hiện trong con người Việt Nam, mà có thể nói nó đã cùng dân tộc ta đi suốt chiều dài lịch sử. Bởi lịch sử của chúng ta: "1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây", tức là lịch sử của một dân tộc nô lệ, mà đã là nô lệ thì biết sợ chính là chân lý để tồn tại. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong lịch sử chúng ta đã nhiều lần "anh dũng" chiến thắng ngoại xâm, và chẳng phải "người Việt Nam dũng cảm kiên cường" hay sao. Để tranh luận về vấn đề này tôi xin trích một câu của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi đã đăng trên Tuần Việt Nam [1]:
Nước ta suốt nghìn năm, mỗi khi Trung Quốc xâm lăng thì ngoan cường tuyên bố "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", nhưng thắng họ rồi thì lại đều đặn triều cống, các Vua mỗi khi lên ngôi thì luôn xin "thiên triều" phong tước, tự coi mình là nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vâng, nếu dân tộc ta thực sự dũng cảm kiên cường, tại sao đã chiến thắng rồi lại phải quay lại quỳ gối xưng thần với giặc phương Bắc, hoặc thậm chí còn cho xây cả đền thờ tướng giặc [2], kẻ đã mang quân sang giết hại đồng bào ta, ngay tại kinh thành của mình. Vấn đề này có người đã giải thích rằng bởi nhân dân ta có sự khoan dung và lòng nhân từ cao cả. Hay tôi đã nhầm, gien đặc trưng của dân tộc ta không phải là "gien sợ" mà là "gien nhân từ". Nhưng không, rất nhiều lần tôi không thấy cái gien nhân từ đấy được thể hiện. Ví dụ như: những người theo chế độ miền nam cũ không được sử dụng sau khi đất nước thống nhất, hoặc tìm cả nước khó gặp được cái đài tưởng niệm nào dành cho những người thuộc phía miền nam hi sinh trong chiến tranh, xa hơn một chút, trong cuộc cải cách ruộng đất, nhiều người đã bị đối xử tàn nhẫn ( Hồ Chủ Tịch đã nhận lỗi). Thế đấy, nếu nhân từ là gien đặc trưng của người Việt thì nó không thể chỉ được dùng với những kẻ ngoại xâm, mà không có tác dụng với ngay chính những người là đồng bào ruột thịt với mình, những người cùng do mẹ Âu Cơ sinh ra. Tất cả chỉ giải thích bởi nỗi sợ, còn các lời giải thích "có cánh" khác nên kết ở một câu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", thế đấy vua đã quyết rồi thì tội gì không khen ngợi cho vua thì vui vẻ, mà nhân dân lại tự hào.
"Gien sợ" không chỉ tồn tại trong đời sống hàng ngày, trong lịch sử mà nó còn xuất hiện cả trong đời sống tinh thần người dân Việt. Điểm qua các câu truyện dân gian, ta thấy rất nhiều trong đó có chủ đề là châm biếm quan lại hay như ngày nay gọi là "nói xấu cán bộ", "nói xấu chế độ". Chuyện "Trạng Quỳnh" có thể coi là một thí dụ điển hình về thể loại này. Với Trạng Quỳnh người dân ta vui, bởi những kẻ bị nói xấu, bị chửi, bị chơi xỏ trong chuyện là những kẻ ngày đêm áp bức bóc lột họ, những kẻ mà thường ngày khi gặp họ phải dạ vâng, thậm chí quỳ gối vái lạy, những kẻ mà thường trực mang lại nỗi sợ hãi cho họ. Nhưng đáng buồn thay, ngay cả trong ước mơ dân ta vẫn sợ, vì thế dù để thể hiện khát khao chống lại sự áp bức bóc lột nhưng nó lại không thể đưa trí tưởng tượng nhân dân vượt ra ngoài cái khuôn khổ mà chính quyền áp đặt lên họ.[3]
Tại sao "gien sợ" lại xuất hiện nhiều đến vậy?
Ngày nay, còn rất ít nơi mà việc đào tạo "gien sợ" phổ biến và tốt như ở Việt Nam. Nó trải rộng từ trong gia đình, nhà trường cho đến toàn xã hội.
Đối với người Việt Nam, thì chuyện bố mẹ mắng con cái có thể coi là chuyện bình thường, thậm chí đôi khi bố mẹ cho rằng phải đánh thì chúng mới nên người được, thế nên chúng ta mới có câu "yêu cho roi cho vọt". Vì vậy ngay từ nhỏ, khi bắt đầu có nhận thức trẻ con đã được biết thế nào là "sợ" và tất nhiên những đứa nào chưa biết sợ sẽ được "dạy bảo" thường xuyên hơn cho đến khi biết sợ. Bởi cha mẹ nào cũng nhận thức rằng nếu không gắn được cái "gien sợ" cho con mình thì sau này chúng sẽ bị thua thiệt, sẽ hứng chịu nhiều rủi ro của cuộc sống.
Bên cạnh môi trường tiến hóa "gien sợ" ở gia đình, phần lớn trẻ con sẽ được "đạo tạo" một cách chính quy hơn ở một môi trường khác có tên là nhà trường. Ở đây loại gien này sẽ được phân loại bằng cái người ta thường gọi là điểm đạo đức. Tất nhiên những em nào biết sợ sẽ là học sinh ngoan ngoãn, còn ai không biết sợ, dám cãi lại ý kiến của thầy cô giáo sẽ nhận được hình thức kỷ luật tương xứng. Đôi khi việc phân loại "gien sợ" còn đi xa hơn một bước, đó là phân loại dựa trên gien sợ của phụ huynh học sinh: những vị phụ huynh nào không biết "sợ" giáo viên, đặc biệt là trong những dịp lễ tết ,thì con của họ cũng sẽ bị xếp vào nhóm không tốt.
Chính vì chúng ta có một môi trường giáo dục hoàn hảo như thế nên khi những đứa trẻ lớn lên chúng ta có cả một xã hội toàn những công dân ngoan hiền dễ bảo, mọi người đều biết tuyệt đối tuân theo chủ trường đường lối của cấp trên. Dù vậy thi thoảng vẫn "nảy nòi" ra những kẻ không biết sợ, thế nhưng những "kẻ" này nhanh chóng bị cộng đồng xa lánh cô lập, bị cho là "dở hơi" hoặc "có vấn đề", bởi cũng giống như câu chuyện "ở xứ mù thì người sáng mắt chính là kẻ dị tật". Trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa "dám" chống tiêu cực là một ví dụ như thế.
Còn nếu những kẻ "không biết sợ" mà cộng đồng cũng không xa lánh, không cô lập mà đôi khi còn có phần ủng hộ, thì những kẻ đấy được coi những kẻ đặc biệt nguy hiểm. Họ phải lập tức bị cách ly, bị bắt giam, thậm chí bị tiêu diệt để cho cái "gien không sợ" của họ không có cơ hội phát tán ra bên ngoài, hoặc cảnh báo cho những người có mầm mống "không sợ" phải biết đường mà đi "chữa bệnh". Có thể kể ra điển hình là các văn nghệ sĩ trong "Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm"[4], phần lớn họ được đưa đi cải tạo, treo bút và giam cầm.
Có thể nói chúng ta có một môi trường hoàn hảo để tiến hóa ra những con người biết sợ, nó hoàn hảo đến nỗi cả những kẻ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, trong văn học, nhưng lại mang trong mình cái gien không sợ như Chí Phèo hay Trạng Quỳnh thì kết cục cuối cùng vẫn phải là cái chết.
Những ảnh hưởng tiêu cực của "gien sợ"?
Với một người, việc biết sợ không có gì là sai cả, mà thậm chí còn có thể nói đấy là một hành động khôn ngoan mặc dù đôi khi có thể gọi là ích kỷ. Nhưng nếu lấy "dĩ hòa vi quý" là phương châm hành động của cả một dân tộc thì nó mang lại hậu quả vô cùng to lớn.
Hậu quả đầu tiên có thể thấy là vì chúng ta đào tạo ra những con người biết sợ, luôn làm theo những gì có sẵn (cho an toàn) nên chúng ta có một dân tộc thiếu sáng tạo, dập khuôn, máy móc.
Cũng chính vì "sợ" nên chúng ta đều đặt tiêu chí an toàn cho bản thân lên trên tiêu chí sự thật, đặt sự hài lòng của cấp trên làm thước đo của sự thành công thay vì chất lượng thực sự. Điều này đã dẫn đến bệnh thành tích lan tràn, cách làm ăn gian dối, sự thật bị che đậy, một xã hội bị khủng hoảng niềm tin bởi ai cũng "nói dzậy mà không phải dzậy".
Một hậu quả nữa dễ thấy đó là trộm cướp, xã hội đen ngày càng ngang nhiên hoạt động. Việc sử dụng vụ lực để giải quyết bất hòa ngày càng tăng. Đã nhiều lần báo chí đưa tin cảnh cướp giật hành hung giữa đường mà không ai dám can thiệp,hay là hình ảnh học sinh đánh nhau ngày càng thấy xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khi mà một vài tên cướp ngang ngược giữa đường mà chẳng có ai dám can thiệp, thì tất nhiên đối với những người có chức có quyền dù họ có làm sai thì phần lớn mọi người cũng chẳng dám lên tiếng. Thế nên tình trạng tham nhũng lan tràn, hình ảnh muốn được việc phải có tiền "bôi trơn" ngày càng phổ biến. Cùng với đó là nạn lợi dụng chức quyền, vi phạm pháp luật của quan chức đã trở thành chuyện thường ngày mà chẳng ai buồn chống lại.
Nhưng nguy hại nhất chính là nó đã kéo lùi sự tiến bộ của cả một dân tộc, biến dân tộc ta thành một dân tộc lạc hậu so với thế giới. Bởi chúng ta có một xã hội không phản biện, mọi người đềukhông dám lên tiếng nói về chính trị bởi chỉ cần dọa "sặc mùi chính trị" là ai cũng co hết cả lại (không hiểu cái mùi đấy là mùi gì? ). Chính vì không ai dám lên tiếng, không có phản biện nên chúng ta không tận dụng được "trí tuệ dân tộc" [5] trong việc phát triển, hiện đại hóa đất nước. Để cho dễ hiểu, có thể hình dung cả dân tộc như một đoàn người lạc trong rừng, để tìm được đường ra thì cách nhanh nhất là phải tận dụng được con mắt, bộ nhớ, trí tuệ của tất cả mọi người. Nhưng vì sợ hãi nên cả đoàn người chỉ biết cúi xuống nhìn mông người đằng trước để xác định hướng đi cho mình. Thành ra cả một đoàn người dài mà chỉ sử dụng mỗi con mắt, bộ não của một kẻ đứng đầu, nên đi lạc, đi lòng vòng có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Ghi chú:
[1] Bài: Trung Quốc trong mắt Nhật Bản, cách nhìn tạo ra số phận .
[2] Tướng giặc Sầm Nghi Đống
[3] Đoạn này có sử dụng ý tưởng trong bài "Trạng Quỳnh – Trạng Lợn, hai nét tâm lý người Việt cười" của Đỗ Lai Thúy.
[4] Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm
[5] Trí Tuệ dân tộc là trí tuệ đám đông của một dân tộc. Trong trí tuệ đám đông có hai đặc tính: một là trí tuệ đám đông của một nhóm người tư duy độc lập có thể vượt qua được trí tuệ của người giỏi nhất trong nhóm đó, hai là nhóm càng đông người thì trí tuệ đám đông của nhóm đó càng cao. Do vậy có thể suy ra trí tuệ cao nhất của một dân tộc đó là trí tuệ đám đông của tất cả thành viên thuộc dân tộc đó.
Khách says
Đọc bài viết ngẫm nghĩ thấy rất hay cô Hoa ạ, tự nhìn nhận bản thân mình cũng có Gien sợ. Ở nhà sợ vợ, đến trường sợ Xếp, ra đường sợ các chú CA…Và nhiều cái sợ khác! Rất sợ,Có những cái sợ rất mơ hồ và trừu tượng. Sợ nhất là… cái xấu lấn lướt và đè bẹp cái tốt.
Bài viết này nói rất đúng trong nhiều trường hợp, đọc thầy buồn hanh hao… :zzz
Khách says
Đọc bài viết của cô Hoa, con lại tự thấy xấu hổ thay cho bản thân mình. Cô Hoa chỉ đúng cái sai của người mình. Trong cái xã hội này đầy rấy bất công, ai cũng thấy mà chẳng ai dám lên tiếng. Mà như thế sự thay đổi của số ít liệu có ích chi?
Khách says
@ Phương Linh:
Mắt mũi làm sao thế? Bài này có phải của cô đâu cơ chứ. Ô hay cái con pé này mơ ngủ à? hi hi…
@ Quangmt69:
Bài hay quá nhỉ, hic.
Khách says
Em đọc bài này thấy thích thú vô cùng
Trong Hỏi xoáy đáp xoay , giáo sư Cù Trọng Xoay có nói 1 điều mà em thấy rất đúng. Đó là người nước ngoài nói TV thì mình hoan hô nhiệt liệt (rất hiếu khách) nhưng người Việt mà nói tiếng nước ngoài có đc tung hô như thế đâu.
Em còn nhớ hồi xưa có chương trình Hành trình văn hóa. Nếu vị khách là người Việt Nam được tặng mỗi cái túi quà có dầu gội đầu (gọi là kỷ niệm của chương trình) còn khách mà là nước ngoài thì bao h cũng đc tiếp đãi trịnh trọng hơn nhiều
Nói lan man ra chuyện khác là dạy trẻ con. Đứa bé mới sinh ra biết gì bóng tối và ma đâu mà người lớn toàn dọa ma, dọa quỷ, dọa mẹ mìn khi nó khóc or nó nũng.
Em cũng là một nạn nhân của gien sợ cô ạ. Lắm lúc học trên lớp cũng muốn có ý kiến lắm mà vì lý do an toàn cho bản thân mình là trên hết mà bỏ qua hết.
Khách says
Em thích bài này quá cô ơi, đặc biệt là câu: gien sợ mang lại hậu quả vô cùng to lớn thay vì (gây ra hậu quả to lớn)–> bác viết bài này phải sánh ngang Vũ Trọng Phụng. Cho vào giáo trình trong đợt cải cách sgk này cũng đc cô nhỉ? hi 😀
Khách says
Mot bai viet that hay va cung chanh long buon vi thay minh cung co gienso !
guest says
Sợ và tránh đối mặt là hai vấn đề khác nhau, bài viết đồng hóa cái sợ và cái tránh đối mặt rồi. Cấu tạo của con người là các hệ thần kinh dưới da để khi có va quẹt, khi có trầy xước biết đau và vì thế mà biết sợ, mà biết tránh va quẹt khi cần thiết, bảo vệ mạng sống. Lúc này, tránh va chạm, sợ là đúng quá ấy chứ. Còn tránh va chạm với cái xấu mới đáng lên án, tuy nhiên va chạm ntn, góp ý như thế nào để người khác nghe và đồng ý với mình để họ sửa đổi, chứ thích lên là nói, nói cái gì cũng được cho nó bõ cái cơn tức, cơn giận của mình thì kể đến mà làm gì.