trích từ website của trường ĐHSP Hà Nội http://www.hnue.edu.vn/portal/page/portal/dhsphn/ttc/88984?pers_id=428640&item_id=430292&p_details=1 |
||||||
|
||||||
Nếu có ai đó hỏi tôi rằng bạn là sinh viên trường nào? Tôi có thể tự hào rằng tôi là sinh viên trường ĐHSP Hà Nội, một trường chủ lực đào tạo mỗi năm hàng nghìn giáo viên cho cả nước. Hơn nữa, được học tập trong một khoa có bề dầy thành tích hơn 55 năm như khoa Ngữ văn thì không có gì vinh dự bằng. Thế hệ chúng tôi, tuy không được thọ giáo “những ông trùm văn hoá của đất nước” như GS Trần Văn Giàu, GS Đặng Thai Mai, GS Đào Duy Anh, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Cao Xuân Huy, GS Trần Đức Thảo … nhưng chúng tôi vẫn tự hào là thế hệ học trò thứ ba hay thứ tư của các cụ, được lĩnh hội những tinh hoa của một nền giáo dục hiện đại XHCN do các thế hệ trước để lại.
Suốt thời gian học vừa qua, Ban Chủ nhiệm khoa đã nhiều lần mời các giáo sư đã nghỉ hưu đến khoa Ngữ văn để giao lưu gặp gỡ và nói chuyện với các thế hệ học trò, đó là một sự may mắn đối với chúng tôi. Bởi chúng tôi là thế hệ sau, đã từng biết đến nhiều công trình nghiên cứu của các thầy mà chưa một lần được gặp mặt. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, các thầy cũng ở vào lứa tuổi của chúng tôi bây giờ: GS Nguyễn Khắc Phi, GS Nguyễn Đăng Mạnh, GS Phùng Văn Tửu, GS Đặng Thanh Lê, PGS Đặng Anh Đào… Được gặp gỡ và nghe các thầy nói chuyện, chúng tôi “ngộ” ra nhiều điều về đạo đời và đạo nghề, về phương pháp tư duy và nghiên cứu khoa học. Các thầy thực sự là một bầu trời trí tuệ mà chúng tôi có lẽ khó mà vươn tới được.
Lần đầu tiên chúng tôi được học trên giảng đường với những con người của “thế hệ thứ hai” đó (tôi tạm gọi thế bởi các thầy là thế hệ ưu tú đầu tiên của trường ĐHSP Văn khoa, trưởng thành dưới “đế chế” của các vị “sư biểu”) là những tiết giảng bài của GS. NGND Nguyễn Đình Chú.
Tôi còn nhớ như in hôm đó là buổi chiều 25/9/2007. Từng làn gió đã mang tới cái khô và lạnh cho mùa thu Hà Nội. Chờ đón không khí của mùa thu, chúng tôi còn nhận được một tin vui từ lớp trưởng: Ban Chủ nhiệm khoa đã mời GS Nguyễn Đình Chú tới giảng cho chúng tôi về môn Văn học Việt Nam hiện đại. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khích vì cả lớp đều đã từng học bộ sách giáo khoa Văn 10 và 11 do thầy chủ biên, đã đọc những cuốn sách: Thơ văn Phan Bội Châu, Chuyện làng văn Việt Nam và thế giới… hay những bài viết của thầy về văn học Việt Nam trung đại và hiện đại trên các báo, tạp chí chuyên ngành… nhưng đều chưa có cơ hội để nghe trực tiếp thầy giảng về những điều đó. Mỗi chúng tôi đều mơ ước được một lần gặp thầy. Nay ước mơ đó đã thành hiện thực.
Chúng tôi đứng tăm tắp ở giảng đường B để hồi hộp chờ đón người thầy nổi tiếng trong giới học giả. Một người hơi thấp nhưng có vầng trán cao và đặc biệt đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính trắng lướt nhanh một lượt chào mọi người. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy một cặp mắt sáng như thế, đứng cuối lớp nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt kia có thể nhìn thấu tâm can mọi người để làm sáng thêm nhiệt huyết của tuổi trẻ đối với nghề giáo. Đó là GS. NGND Nguyễn Đình Chú, một giáo sư đầu ngành nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại – thần tượng của chúng tôi.
Sau một tiết mục văn nghệ để chào mừng người thầy lạ mà quen này, chúng tôi bắt đầu giờ học bằng những ánh mắt chăm chú hướng theo từng cử chỉ của thầy. Những lời tâm huyết trong suốt nửa thế kỷ dạy học, vị giáo sư đã làm tan đi cái không khí nghiêm trang và nặng nề như một buổi học chính trị mà thay vào đó là không khí chân thành và ấm tình thầy trò. Thầy tâm sự: “Đề-các thế kỷ XVIII từng nói: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Mọi người chúng ta ai sinh ra cũng phải suy nghĩ. Hình như cái đầu thầy sinh ra là để nghĩ, thầy rất thích nghĩ. Thầy thường nghĩ về những gì người ta chưa khai thác tới…” Thầy vừa nói vừa đi lại chậm rãi trước mấy hàng ghế đầu tiên trên lớp học, giọng xứ Nghệ trầm ấm, khoé miệng hơi mỉm cười, ánh mắt như nghi ngờ tất cả, như chiếu vào từng mái đầu tuổi trẻ để dò hỏi xem sinh viên có hiểu những gì thầy nói không. Thế rồi thầy nói lên những ý kiến của thầy về Thơ Đường, về Hoài Thanh và phong trào Thơ Mới… (những điều đó, do khuôn khổ của bài viết tôi chưa thể nói ra ở đây) quả thật, những điều đó hết sức mới mẻ. Chưa bao giờ chúng tôi gặp một tư duy sắc như thế. Nói theo một nhà văn thì thầy “tìm thấy một nét vân ở giữa đồng xu mà nhiều đời nay người ta đã chuyền tay nhau nhẵn thín”. Nghe thầy nói, chúng tôi cảm nhận được một áp lực của tri thức mà chúng tôi phải căng hết tất cả các dây thần kinh nhạy cảm nhất mới có thể chịu được. Thầy thực sự là một Đức Cha giảng đạo cho “các tín đồ của trí tuệ giáo”.
“… Theo tiếng Pháp, sinh viên được gọi là étudiant, lấy nguyên nghĩa gốc là étude nghĩa là tự học, tự nghiên cứu. Vì thế, trong giờ học đầu tiên này, thầy sẽ hướng dẫn các em phương pháp tư duy độc lập và phương pháp nghiên cứu khoa học”. Thầy nói tới những kinh nghiệm xương máu của thầy trong quá trình tự học, tự nghiên cứu suốt mấy chục năm qua. Thầy dạy chúng tôi phải biết cách tìm riêng cho mình một khái niệm công cụ để xử lý một vấn đề, để luận giải một vấn đề theo chính kiến của riêng mình trên một tầm nhìn mới.
Bạn bè tôi, chẳng biết họ nghĩ gì nhưng với riêng tôi, lời thầy nói cứ văng vẳng bên tai, ám ảnh tôi suốt nhiều ngày sau đó. Tôi cứ tự hỏi mình: “Ai đã giúp thầy tạo nên những hiểu biết ấy để suốt nửa thế kỷ qua, thầy truyền đạt lại cho bao thế hệ học trò?”
Mở lại những trang sử vẻ vang của Nhà trường, tìm trong những tài liệu sẵn có, tôi mới từng bước lý giải những câu hỏi trong lòng mình. Hơn nửa thế kỷ trước, khi là sinh viên Văn khoa như chúng tôi bây giờ, anh sinh viên Nguyễn Đình Chú đã được học với nhiều vị “sư biểu” của nền giáo học Việt Nam thời bấy giờ. Ở thế hệ “một đi không trở lại” đó, Nguyễn Đình Chú học được “đức độ của GS Đặng Thai Mai, uyên bác của GS Cao Xuân Huy, trí tuệ của GS Trần Đức Thảo…”, đặc biệt anh là học trò yêu của GS Trần Đức Thảo. Ra trường, anh sinh viên họ Nguyễn Đình được giữ lại làm trợ giảng bộ môn Lịch sử tư tưởng cho vị triết gia duy nhất của Việt Nam. Nguyễn Đình Chú là người gần gũi nhất với GS Trần Đức Thảo, thậm chí được ở cùng nhà tập thể với giáo sư tại Hàng Chuối – Hà Nội. Anh được biết nhiều điều về cá tính sống, quan điểm học thuật và quan điểm xã hội của người thầy nổi tiếng.
Cơn bão văn nghệ Việt Nam cuối thập niên 50 của thế kỷ XX đã cuốn theo bao tài năng, bao thế hệ con người: từ Hội nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội nhạc sỹ… đến những con người đang gắn bó với tấm bảng đen và viên phấn trắng ở trường ĐHSP Văn khoa: người về nghỉ, người chuyển công tác, người đi dịch sách… Những biến cố đó giúp người học trò của GS Trần Đức Thảo có thêm những động lực để tiếp tục bước đi trong nghề dạy học và nghiên cứu khoa học.
Thầy Nguyễn Đình Chú tâm sự: “GS Trần Đức Thảo để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi, nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất kỳ ai muốn dấn thân vào khoa học” (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh GS – Triết gia Trần Đức Thảo). Tư duy tích hợp Văn – Sử, Văn – Triết, Văn – Sử – Triết đã giúp thầy có một cái nhìn biện chứng về khoa học văn học. Và ngày nay, chúng ta có một GS. NGND Nguyễn Đình Chú.
Nhớ lại những tiết học đầu tiên với GS Nguyễn Đình Chú, những sinh viên chúng tôi được thầy truyền cho niềm say mê học hỏi và nghiên cứu, để chúng tôi có thể tiếp tục bay lượn trên bầu trời tri thức mênh mông của nhân loại. “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”, những vị sư biểu của giáo dục Việt Nam giúp chúng ta có những Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh,… Rồi đến các Thầy đào tạo ra những con người đang dạy chúng tôi bây giờ – mỗi giảng viên là một nhân cách lớn, mỗi người là một chân trời tri thức. Thiết nghĩ chúng ta phải học tập làm sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước. Vì thế, rất mong các thầy cô và bè bạn gần xa có thể đóng góp những kinh nghiệm học tập và nghiên cứu để chúng ta tạm xây dựng phương pháp học tập và nghiên cứu ở trường đại họcgiúp tất cả các sinh viên học hành sao cho xứng đáng với lịch sử vẻ vang của Nhà trường, với các thầy “quên đời” cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Phúc Sơn, K55C Ngữ Văn
|
||||||
|
||||||
|
||||||
|
Trả lời