Alan Phan
Sự vật không thay đổi; chỉ có chúng ta thay đổi (Things do not change; we change – Henry David Thoreau)
Tôi thường cười mỉm khi ai nói với tôi câu quen thuộc rằng “cái xứ mình” hay “dân tộc mình” nó khác. Tôi ngây thơ với định kiến là con người nơi đâu cũng vậy; dù phức tạp và đa dạng với nhiều cá tính đặc thù, vẫn mang mẫu số chung về tư duy và hành xử. Tốt hay xấu, giỏi hay dở, mạnh hay yếu, nghèo hay giàu, con người vẫn chứa đựng đâu đó bản năng tham lam, đố kỵ; cùng rộng lượng nhân ái; có niềm tin vào mình, vào thần thánh vào ma quỷ; có suy nghĩ hợp lý, ham học hỏi với chút ngu xuẩn ngang bướng; khi tranh chấp quyết liệt, khi buông xuôi bỏ mặc… dù rằng mỗi người có mức độ khác nhau về sự tiếp nhận và phản hồi. Tôi nghĩ khoa tâm lý học rồi sẽ thành công đến 90% trong việc phân giải khoa học những hiện tượng nhân sinh, từ người bình thường đến kẻ tâm thần.
Hơn nửa thế kỷ trước, chắc hai Tổng Thống Mỹ Kennedy, Johnson và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara cũng chia sẻ tư duy này. Theo một lăng kính rất “hợp lý” của giới hàn lâm và tư duy “common sense” của dân Mỹ, họ tin rằng nếu họ tiếp tục áp lực quân sự tại Việt Nam qua một thời gian, đoàn quân Bắc Việt sẽ phải “cry uncle” và bỏ cuộc vì những tổn thất đáng kể.
Dĩ nhiên, họ đã sai. Tôi cũng mắc sai lầm tương tự 8 năm trước, khi tôi có chút thì giờ, chạy về Việt Nam, lăng xăng vừa đầu tư vừa đóng góp… Tôi nghĩ là cùng một gốc Việt, tôi có thể hiểu rõ đồng bào mình tận tường hơn và mình sẽ làm việc hữu hiệu hơn ..so với các anh chị Tây ba lô khác. Sau cùng, tôi học ra một điều là…tôi chẳng biết cái mẹ gì cả.
Như tôi đã kể một vài lần, đoạn phim ấn tượng tôi nhất trong loạt “The Twilight Zone” (Vùng Chạng Vạng) là chuyện một cô hoa hậu Hoàn Vũ bị rơi vào một thế giới song song, trong đó, mọi người có lối sống và suy nghĩ như tại thế giới của cô. Tuy nhiên, thể hình họ rất quái dị (một mắt, không mũi, chân tay như côn trùng…). Họ nhìn cô và ai cũng thét lên là “tội nghiệp, sao cô bị xui thế nào mà Trời bắt phải xấu xa như một ác quỷ”. Đầy lòng nhân ái, họ đóng góp tiền bạc vào một quỹ từ thiện và trả tiền cho cô giải phẫu thẩm mỹ…để giống họ. Sau một thời gian, cô cũng quen đi với “lối định hướng của ban tuyên vận” và hào hứng leo lên bàn mổ…Dĩ nhiên, Hollywood cho cô thức tỉnh kịp thời…chứ không thì tôi và bao nhiêu khán giả sẽ bị một ám ảnh tâm thần lâu dài.
Tuần này, mùa đông đến với California. Những trận mưa kéo dài, lúc to lúc nhỏ, rả rich như một người tình chỉ muốn nằm dài trên nệm ấm. Tôi nhìn từ cửa sổ văn phòng, ngoài kia, một vùng sương nước trắng xoá, thê lương và lạnh lẽo như tâm hồn người lạc lối. Vặn một đài TV dịa phương, nghe tin thời tiết, các phóng viên liên tục ca cảnh về những đường phố ngập bùn trên núi (chưa tới 1 cm), về vài tai nạn trên freeway vì trơn ướt (chết 1 người), về trận bão thật lớn (khoảng 3 cm) bắt đầu cho mùa mưa…Một phóng sự có một nhóm 7 hay 8 người cứu hoả chèo thuyền qua kênh thoát nước để cứu 2 con chó đang đi lạc bên kia bờ… Sau nhiều năm ở Việt Nam, tôi bị “brainwashed” (tẩy não) như cô hoa hậu (dù chưa “xấu” như cô). Tôi nhìn các anh chị Mỹ này và thấy họ điên khùng, nhảm nhí và chắc bị tâm thần.
Không biết họ sẽ “khủng hoảng” thế nào khi phải lõm bõm lội trong mưa lớn và triều cường của các khu ổ chuột ở Saigon hay Hà Nội; hay khi 2 con chó được người cứu vì chúng là món rựa mận tuyệt vời cho bữa Thanksgiving dinner. Họ sẽ phản ứng thế nào khi trong tay nhộn nhịp vài chục gói hàng hiệu trị giá cả chục ngàn đô la ngày Black Friday thì bị các trẻ em, bà già chèo kéo mời mua vé số. Chắc họ sẽ omg (oh, my God) khi bị cảnh sát còng tay vì trang Facebook của họ vừa share một bài “phản động”?
Thế giới tôi đang sống nơi đây quả là một thế giới song song của khoa học giả tưởng, khi nhìn lại Việt Nam. Dĩ nhiên sẽ có những tranh cãi về việc nơi đâu là thực tại và nơi đâu là ác mộng? Những sinh vật hai chân Mỹ hay Việt này, ai mới là ác quỷ và ai mới là thiên thần? Ai là chủ và ai là đầy tớ trong xã hội của họ?
Anh Mỹ bạn hàng xóm của tôi, làm cho một ngân hàng đầu tư, lương và bonus gần triệu đô la mỗi năm (đoán thôi); nhưng suốt ngày phải cơm hàng cháo chợ tại các phi trường và thành phố lạ, ngày nào được ở California làm thì tối khuya mới lái xe về tới nhà, căng thẳng vì áp lực trong công việc và thiếu ngủ. Cuối tuần, được ở nhà thì phải chăm 2 đứa con nhỏ và 2 con chó để vợ có thì giờ đi mua sắm. Anh mệt mỏi tâm sự nhiều khi muốn “quit” nhưng không biết cách nào.
Trong khi đó, một người cháu trẻ hơn ở Việt Nam, làm công chức, lương khoảng 5 triệu đồng tiền Hồ, không quyền hành nên không có bổng lộc phong bì…Anh cũng có vợ với 2 con; nhưng lại sống thảnh thơi, ngày ngày lướt Net chơi game, cà phê và quán nhậu, cuối tuần thì đi phượt hay coi bóng đá với bạn bè; và ngày nào bận rộn lắm thì phải “kéo cầy khổ sở” đến cả 4 tiếng đồng hồ, anh than thở. Anh sống như vậy cả chục năm nay từ ngày ra trường, lạc quan về tương lai (vì sếp hứa sẽ cho thăng chức sau khi vào Đảng) và coi mình hạnh phúc …nhất nhì thế giới.
Một người học xong Tiến Sĩ ở xã hội Mỹ phải nghiền ngẫm cả ngàn tập tài liệu khô khan, và phải tìm ra một đúc kết gì mới cho kho kiến thức nhân loại. Không biết trong số ba chục ngàn Tiến Sĩ ở Việt Nam, bao nhiêu người may mắn không phải làm gì (vì là quan hay COCC tại chức) nhưng vẫn hãnh diện in chữ TS vào danh thiếp thật rực rỡ? Quả tình, các quan Tiến Sĩ này hạnh phúc …nhất nhì thế giới.
Theo các bác trí thức lề trái, truyền thống tre làng và mặc cảm yên thân vì thua kém tạo nên cả chục triệu con cừu Việt ngoan ngoãn, ngây thơ; ngày ngày làm lụng ăn cỏ cho béo mập, để các ông bà “đầy tớ” xén lông lấy tiền mua bơ sữa, siêu xe từ các đế quốc. Trong khi đó, mấy ngày này, chỉ cần cảnh sát bắn chết một anh da đen khi thi hành công vụ là hàng trăm cuộc bạo loạn khắp nước Mỹ nổi lên phản kháng. Đôi khi “ổn định chính trị” qua cảnh sát trị có phải là hạnh phúc …nhất nhì thế giới?
Khí hậu hiền hoà, thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá Khổng Mạnh tạo nên những phụ nữ Việt yêu kiều…hy sinh cuộc đời để gia đình (ngay cả chồng cũ) bán thân mình cho các chú nông dân nước láng giềng lấy tiền nhậu nhẹt và mua Iphone. Người con gái Mỹ thì nhiều cá tính nên tự do buông thả, kiểm soát chặt chẽ chồng trong sinh hoạt trong gia đình…rồi nếu ly hôn, lại được quyền nuôi con, được cấp dưỡng và chia sớt gia tài của chồng cũ để theo đuổi… những cuộc tình khác. Ai thực sự hạnh phúc hay nhiều “văn hoá” hơn ai?
Chỉ chút khác biệt từ một trận mưa đã cho thấy hai thế giới song song của hai thực tại, hai dân tộc, hai xã hội. Theo định nghĩa, hai con đường song song không bao giờ giao điểm. Nhưng đã rất nhiều người từ hai bên cố gắng xây lên những cây cầu bắt ngang, mong nối liền “vòng tay lớn”. Nhiều bạn trẻ khao khát mong chờ một thế giới ảo của “hoà hợp, hội nhập và tiến bộ” nơi họ có thể sống như giấc mơ trên sách vở. Tôi cũng “guilty” vì vô tình tin rằng tư duy và hành xử của con người sẽ thay đổi cho “hợp lý”, “hợp tình”. Tôi cũng tin là “thế giới phẳng của ông Friedman” bao gồm Việt Nam. Nhưng có lẽ tôi đã sai lầm.
Một người Việt xa quê đã lâu sẽ khá ấn tượng khi quay về lại nhìn những toà nhà thương mại, cao ốc văn phòng tại các thành phố lớn. Chỉ khi sống qua một thời gian, họ mới thấm thía câu nói léo,”vũ như cẩn”. Tư duy ổ chuột và văn hoá vỉa hè vẫn …tự nhiên như suốt trăm năm qua. Đôi khi tôi hơi ngượng miệng khi bàn về một nền kinh tế sáng tạo kiểu Silicon Valley dù chỉ với một số người rất ít oi của đất nước.
Tuy vậy, đa số người Việt hay người Mỹ an bình và hạnh phúc với lựa chọn của họ, dựa trên thói quen hay nhận thức. Hai cơ chế chính trị và những nhóm cầm quyền trong 100 năm qua đã tạo nên hai xã hội ngược chiều và mọi thay đổi có thể mất cả 100 năm để hoàn thiện. Trừ khi một con thiên nga đen xuất hiện trên bầu trời. Và trừ khi tuổi trẻ Việt Nam “muốn”.
Thế nhưng những kích thích, những mồi lửa của Việt Nam đã và đang lụi tàn khô héo…sau bao mùa mưa của lịch sử và tôi không chắc là thế hệ trẻ khi nắm quyền sẽ muốn bất cứ một thay đổi gì làm hại đến quyền lợi riêng tư của phe ta.
Cái xứ mình và dân mình… nó khác vậy đó. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chúng ta kiên định …sẽ không bao giờ thay đổi…
3 December 2014
Trả lời