Vừa nhận được vài dòng mail của một đồng nghiệp, đúng hơn một người bạn, tình cờ quen biết nhau cũng chưa lâu lắm nhưng đã có thể gọi là thân thiết, gần gũi về tinh thần, kèm một bài viết cũ của bạn với nhan đề "Hành trình không đơn độc". Xin được post lên đây để chia sẻ với các bạn trẻ.
"Lang thang vào web của Hoa, lúc nào cũng thấy thú vị. Đọc "Một bức thư Hà Nội", "Nỗi buồn thế hệ" … thấy buồn quá.
Những ai còn biết "băn khoăn" (băn khoăn là lẽ phải của tâm hồn) chắc cũng đều trải qua những lúc, những thời kỳ như cô bé sinh viên của Hoa.
Nhưng buồn cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Và chẳng quan giáo dục nào sợ hay nể gì nỗi buồn đó cả. Nên tốt nhất là tìm cách tránh đi, không để nó gặm nhấm con tim khối óc của mình. Tìm cách mà vượt qua.
Chi gửi cho Hoa 1 bài viết của Chi, hồi trước đăng trên website chungta.com – một website rất thú vị và bổ ích cho những người còn biết "băn khoăn", những chắc ko muốn mọi người cứ tiếp tục băn khoăn với nhiều câu hỏi khó hoặc không thể trả lời nên nó đã bị đóng cửa rồi :).
Hy vọng bài viết này có thể chia sẻ với bạn ấy nhận thức của Chi về cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, như lẽ tất nhiên của cuộc sống, có thể giúp cho cô bé đỡ băn khoăn trăn trở với các câu hỏi "vì sao lại thế", để tìm kiếm, và đi theo con đường mà mình lựa chọn, kể cả chập nhận những thay đổi. Dù sao đi nữa thì trong thời buổi kinnh tế thị trường rất đa dạng, bên cạnh những đồ rởm thì những giá trị thật cũng ko thể phủ nhận được. Hãy làm việc gì mà ở đó mình có thể tạo ra giá trị. Nhìn web của Hoa mình cũng thấy vui lây…".
——————-
Hành trình không đơn độc
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Hanh_trinh_khong_don_doc/
Phan Thuỷ Chi, Khoa Quản Lý Đào tạo Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân
phan.chi@neufie.edu.vn
11:28′ AM – Thứ bảy, 26/05/2007
Nhân đọc bài về Hạnh phúc, tôi thấy rất nhiều điều được chia sẻ và cũng muốn qua quý báo được chia sẻ với mọi người một bài viết về chủ đề này.
Là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi cũng có nhiều suy nghĩ trăn trở về giáo dục nói chung và thực trạng nền giáo dục nước ta nói riêng. Một hiện tượng như thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận trong thi cử là hiện tượng mà tôi quan tâm theo dõi.
Tôi rất chia sẻ bài viết của bạn Kỳ Duyên trên báo Vietnamnet “Đơn độc và không đơn độc” khi đã rất thận trọng nhắc đến những vấn đề mà thầy Khoa và những người như thầy đã và có thể sẽ gặp phải trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Vì thế tôi muốn bày tỏ thêm một số suy nghĩ xung quanh cuộc đấu tranh cam go giữa thiện và ác, tích cực và tiêu cực mà ranh giới rất mong manh và dường như không rõ ràng này.
Tôi chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta đã đọc Nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Tất cả chúng ta ai cũng đều xúc động trước tâm hồn cao đẹp của chị, cuộc sống anh hùng của chị, và ai cũng cảm thương nuối tiếc cho sự ra đi quá sớm của chị. Với tôi, ngoài những điều đó ra, điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều còn là những băn khoăn trăn trở của chị không phải về kẻ thù mà về chính những người của mình. Phải nói là, ở thời của chị, ranh giới giữa cái tốt và cái xấu dường như rất rõ ràng, mục tiêu của cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả đất nước đều rất rõ ràng: tất cả vì sự nghiệp giải phóng đất nước, chỉ có hoà bình cho Tổ quốc thân yêu thì mới có được hạnh phúc, dù riêng hay chung. Và cả nước đã hướng về một mục tiêu cháy bỏng đó, đã làm nên sức mạnh phi thường của dân tộc và nhờ đó đã làm nên những điều kỳ diệu trong lịch sử, không phải chỉ cho riêng đất nước ta mà cho nhân loại nói chung. Trong thời điểm đó, có lẽ tội danh lớn nhất, đáng xấu hổ nhất là tội “đào ngũ”, là tội cố tình đứng bên ngoài hoặc làm cản trở những gì có thể đóng góp vào cuộc chiến đấu cho hoà bình của đất nước. Tưởng như trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta sẽ chỉ gặp những điều thánh thiện, những sự hy sinh cao đẹp, sẽ không thể có những “vẩn đục” của sự nhỏ nhen ích kỷ. Vậy mà đọc nhật ký Nguyễn Văn Thạc, và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, chúng ta vẫn thấy những điều khó chịu đó. Và, tôi đã rút ra được một kết luận cho chính mình là: Dù hoàn cảnh có khác nhau, chiến tranh hay hoà bình, no đủ hay đói khổ, bản chất của cuộc sống muôn đời vẫn vậy, vẫn luôn là sự đấu tranh giữa cái THIỆN và cái ÁC, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa lòng vị tha hướng thiện và sự hẹp hòi đố kị…, là cuộc đấu tranh giữa những giá trị đích thực của cuộc sống (giải phóng con người và làm cho con người phát triển) với những điều có thể hoa mỹ nhưng giả tạo, giả dối (gieo mầm cho sự tha hoá của con người).
Ai đó có thể phán xét anh Khoa rằng, anh làm như vậy là “giết” tương lai của bao nhiêu em sẽ ‘trượt” phổ thông lần này, anh làm như vậy là không ‘nể mặt” bạn bè chiến hữu, anh làm như vậy là đánh mất tương lai của mình và có nghĩa là tương lai của vợ anh, con anh… những điều mà bao nhiêu người có lương tâm dù cảm thấy bức xúc nhưng đã phải chùn bước khi muốn đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.
Đọc nhật ký chị Trâm, điều đọng lại trong tôi là chị đã có một cuộc sống HẠNH PHÚC. Vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc sống, sự ác liệt của chiến tranh, sự nhỏ nhen đố kị bất công nào đó, chị vẫn là con người HẠNH PHÚC. Chị hạnh phúc vì chị được sống và làm việc hết mình, được thấy mình có ý nghĩa, được mang lại niềm vui cho những người khác và được yêu thương quý trọng hết mực. Chị lại có được một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng, điều mà chị đã cống hiến hết sức mình để theo đuổi và thực hiện niềm tin đó, và cũng chính vì thế mà không gì có thể khuất phục được chị: bom đạn, sự thiếu thốn, gian khổ của cuộc chiến hay cả những sự hep hòi, đố kị của những người được coi là đồng đội… Vượt lên tất cả, chị vẫn cảm nhận được cuộc sống với tất cả những gì quý giá nhất, từ một bản nhạc, một tiếng chim, một buổi sớm ban mai tĩnh lặng trong trẻo hiếm hoi, tình cảm đồng đội, cảm xúc yêu thương … Và điều này làm cho chị được ngưỡng mộ, được khâm phục, kể cả từ những người bên kia chiến tuyến, để rồi chị được đưa trở về sống mãi trong lòng chúng ta. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy? Phải chăng những GIÁ TRỊ đích thực của cuộc sống mà chị tin tưởng, theo đuổi đã giữ cho chị có được sức mạnh phi thường, niềm tin và tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng con người, mà trong thời của chị, đó chính là sự nghiệp giải phóng đất nước.
Trong thời bình, nhất là đối với chúng ta hiện nay, cuộc đấu tranh giữa cái THIỆN và cái ÁC còn trở nên phức tạp hơn nhiều bởi chúng đan xen giằng dịt và đôi lúc có những khoảng cách rất mong manh, không có chiến tuyến của cuộc chiến tranh để phân định rạch ròi. Bản thân tôi cũng đã tự hỏi mình, cái gì là GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của cuộc sống? Có giá trị hay không khi người thầy “cấy điểm” cho các học sinh của mình “cứu” được em qua kỳ thi, cứ cho là xuất phát từ lòng “nhân đạo” thực sự, từ sự mong muốn giúp đỡ em một cách vô tư?
Chưa kể là chính điều này tạo nên ở các em những sự ỷ lại mà dần dần sẽ làm thui chột bản thân các em đi, đây hoàn toàn có thể là sự bắt đầu cho một quá trình “tha hoá” rất đỗi từ từ và êm ái, mà cuối cùng là sự xuống cấp về chất lượng đào tạo và đạo đức người thầy nghiêm trọng trong ngành giáo dục của ta. Và rất nhiều điều tương tự như thế thực tế đã xảy ra trong cuộc sống bận rộn và bề bộn các mối quan hệ của chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta dù không gian khổ như thời chiến tranh, nhưng cũng không kém phần khó khăn, ở sự mơ hồ không ranh giới rõ ràng giữa cái thiện và cái ác. Thời chiến tranh ấy, những người trong một phút mềm yếu không đấu tranh được với bản thân, trở thành kẻ đào ngũ sẽ phải day dứt suốt đời vì sự hèn nhát của mình. Vậy giờ đây, nếu chúng ta nhìn thấy những điều đang làm băng hoại cuộc sống mà không đấu tranh thì cũng khác gì với những kẻ đào ngũ thời đó. Mong rằng chúng ta hãy sòng phẳng hơn với chính bản thân mình và hãy dũng cảm hơn để đừng trở thành những kẻ “đào ngũ”, trốn tránh cuộc đấu tranh cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, cho tưong lai của con em chúng ta, của đất nước chúng ta.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ ở đây là, từ những gì tôi đã học được, đã quan sát được và đã trải nghiệm, tôi tin tưởng rằng những người hiểu được và giữ được cho mình những Giá trị Đích thực của cuộc sống cũng là những người biết sống Hạnh phúc. Có thể người đó không giàu có, không được coi là thành đạt, không có quyền cao chức trọng…. , nhưng bao giờ họ cũng biết sống Hạnh phúc, biết cảm nhận được Hạnh phúc, bởi ở họ có được niềm tin bền vững vào cuộc sống và vào bản thân mình.
Và chẳng phải cảm nhận về HẠNH PHÚC mới chính là GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của cuộc sống mà tất cả chúng ta đều hướng tới đó sao?
Thầy Khoa sẽ không đơn độc khi chỉ cần mỗi người trong chúng ta có một quyết định với bản thân mình: hãy đừng tiếp tục làm kẻ “đào ngũ” trong cuộc đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, tốt đẹp hơn với đúng nghĩa của nó. Để sao cho năng lực, tâm huyết của thầy Khoa cũng như của nhiều người khác nữa sẽ có “đất” để được tiếp tục phát triển và sử dụng đúng đắn, đem lại lợi ích cho xã hội, nhà trường, gia đình, cũng như chính bản thân cá nhân mỗi người.
Theo phan.chi@neufie.edu.vn
Số lượt đọc: 1807 – Cập nhật lần cuối: 26/05/2007 11:31:12 AM
Trả lời