Phan Hồ Điệp
Trong cơn sóng có phần lao đao của ngành giáo dục, mình bắt đầu thấy có nhiều ý kiến: Thôi, từ giờ không cần ép uổng gì con nữa. Kệ đi, học gì không quan trọng.
Đó cũng là một bước chuyển từ việc quá nặng thành tích, thi cử sang một cách nghĩ, cách nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn. Và sẽ có nhiều đứa trẻ hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên “vui thôi, đừng vui quá”. Mình nghĩ, một đứa trẻ có một chút áp lực không phải là xấu, cần như thế để trẻ trưởng thành.
Việc cha mẹ kì vọng vào con (tất nhiên không đẩy đến thành tham vọng) cũng không phải là xấu. Ai nuôi con chẳng nuôi nấng những ước mơ nho nhỏ trong lòng. Nếu không, ai sẽ dắt bạn qua những đêm dài thật dài, sâu thật sâu những ngày con nôn trớ, ốm sốt. Ngoài tình thương yêu ngút ngàn, chính bạn cũng cần có những động lực nữa chứ.
Trường Nam đang học mình thấy thời gian cũng sít sao từng chút một, đến mùa thi cũng “cày cuốc” tơi bời. Chỉ có điều các em được chơi thể thao nhiều (3 tiếng/ ngày). Các em được học những môn mình chọn. Và nhất là không bao giờ biết về điểm số của nhau. Nơi đó, các thầy cô không khen, không “tâng bốc” nếu học sinh nào đứng đầu lớp. Nơi đó kể cả những cuộc thi như kiểu học sinh giỏi cũng là do học sinh tự chọn để thi nếu cảm thấy mình có thể vượt qua.
Còn lại, kỉ luật cũng nghiêm quá trời. Học sinh nào cũng có thể bị cấm túc, bị đi dọn dẹp…
Mình thấy như thế nó “cuộc đời” hơn. Vì ai đảm bảo cho bạn rằng cuộc sống chỉ toàn những điều êm ái.
Rồi mai này đứa con của bạn cũng có lúc gặp thử thách, gặp thất bại. Nếu không có sự trang bị để đối mặt với áp lực, cũng thật là phiền toái.
Nên áp lực nếu có một chút cũng tốt. Và áp lực đừng chỉ đến từ việc học. Ngày hôm nay con chưa nấu được bữa cơm nhưng tuần sau con nấu được. Ngày hôm nay con chưa biết sửa xe nhưng tuần sau ít nhất con cũng biết tháo con ốc rồi lắp vào. Đừng chỉ chăm chăm nâng điểm số ở trường.
Mình thích “triết lý” giáo dục mà mình đã đọc được đại ý rằng: Hãy để mỗi đứa trẻ trong nhà là một công dân trong nhà chứ không phải “cái rốn” của vũ trụ. Em phải hiểu các nguyên tắc, biết ứng xử, hiếu thuận, kính trên nhường dưới, sáng tạo, quy củ, chan hòa với vật nuôi, cây cỏ, biết yêu thương và được yêu thương. Khi đến trường, em là một công dân của nhà trường chứ không phải là một người “thợ săn” để đoạt ngôi trong các kì thi.
Nên đừng buông trôi kiểu tặc lưỡi: Học gì thì học, sau này muốn như thế nào cũng được.
Mình nhớ có một lần Nam hỏi, mẹ nói mẹ muốn em hạnh phúc. Vậy hạnh phúc có liên quan đến tiền không mẹ?
Mình bảo, mẹ nghĩ là có. Tiền cũng là một phần của hạnh phúc, bao nhiêu phần trăm còn phụ thuộc vào thái độ sống của mình. Nhưng mẹ nghĩ, nhờ có tiền mình có nhiều cơ hội hơn.
Chỉ có điều đó phải là đồng tiền chân chính, làm ra từ trí tuệ của mình, sự lao động thực thụ của mình. Và như thế không có gì khác hơn là phải học. Học từ lao động, học từ cách cư xử, giao tiếp, học từ thiên nhiên để lắng nghe sự sinh tồn của vạn vật để không giẫm đạp lên các sinh mạng khác, học từ nhịp thở của mình để biết sức mình dẻo dai chừng nào… Tất cả những điều “học” đó cứ dần dần mà tích lũy. Như kiếm mỗi ngày thêm từng đồng tiền nhỏ. Giàu nhanh quá thì cũng đáng lo. Nghèo lâu quá cũng đáng nghĩ.
Nên nếu hỏi mình, vậy rốt cuộc nên có thái độ thế nào với việc học của con. Mình nghĩ:
Hãy hiểu con. Có đứa trẻ có khả năng/ có ngưỡng chịu áp lực cao mà có đứa trẻ thì không.
Hãy tự trả lời những câu hỏi như: Bạn có biết về sở thích của con? Bạn có biết nhóm chơi của con? Bạn có biết sở trường/ sở đoản của con? Bạn có dành ra thời gian hàng ngày để trao đổi với con? Bạn có biết những niềm vui nỗi buồn của con ở lớp? Bạn có biến những áp lực ( nhờ sự thúc ép, quyền uy) trở thành động lực ( mong muốn vượt qua thử thách) cho con không?
Nếu khi nào bạn tin chắc bạn trả lời Có một cách thành thực và thực thụ tất cả những câu trên thì yên tâm, bạn không chỉ có con mà bạn còn có một người bạn đúng nghĩa của từ này.
Và hãy yên tâm nhấn nút giá trị nào mà bạn thấy là điểm mạnh nhất, quan trọng nhất ở con.
“Như một đoàn tàu. Nếu bạn đầu tư cho đầu kéo thì các toa sau sẽ lần lượt vận hành. Nếu bạn “nhấn nút” nhầm hay lại tập trung vào các toa sau thì đoàn tàu sẽ rệu rã”.
Mình chỉ muốn nói thêm là bố mẹ em học sinh tự tử đã quá đau lòng đến chết đi sống lại rồi, báo chí đừng chia sẻ lá thư của em đó nữa, mọi người đừng trách móc họ nữa, có được không?
Trả lời