• Skip to primary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar
  • Skip to secondary sidebar

Phương Hoa

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ

Lời giới thiệu của “bố cu Nam” cho cuốn sách “Cuộc chiến với tuổi dậy thì”

01.06.2015

Lượt xem: 434

PGS. TS Đỗ Xuân Thảo

 

Tôi có may mắn được làm bạn với tác giả trên FB. Tôi thích thú trước những status thẳng thắn, mạnh mẽ, dí dỏm, hài hước mà cũng không kém phần sâu sắc, ý nghĩa của chị. Lân la, tôi tìm đọc cả blog. Tôi bị cuốn hút bởi những bài viết“đọc hay đến nỗi không kịp thở” ở blog này. Phần lớn trong số đó là những bài viết về nhân vật dễ thương có tên là Cống- con trai của chị. Cuốn “Nhật kí mẹ” từ việc lưu giữ số hóa giờ lại được Nhà xuất bản Phụ nữ chuyển thể thành sách “Cuộc chiến với tuổi dậy thì”, thật không còn gì tuyệt vời hơn!

Có lẽ ít ai viết về con lại bằng một giọng văn “tưng tửng” như thế. Cả cuốn sách, chia theo bốn phần gắn liền với các giai đoạn lớn lên của Cống đều viết bằng giọng văn ấy. Nó khiến người đọc dễ đồng cảm, dễ tìm thấy hình ảnh của con mình trong đó. Cái tính ngang bướng, nóng nảy, dễ bực dọc chẳng phải đứa trẻ nào bước vào tuổi dậy thì đều có thể mắc phải đấy thôi. Với anh chàng Cống này còn “dữ dội” hơn cả thế. Thì xem cái cách anh ấy thể hiện trong một “học kì quân đội” mà bố mẹ gửi vào thì biết. Những tin nhắn ban đầu mới “khiếp” làm sao. Cứ như thể trái đất sẽ sụp đổ đến nơi. Nhưng mà anh ấy chỉ làm cho người đọc thấy phì cười, đôi chỗ không kìm được còn ôm bụng cười ha hả. Ẩn sau cái vẻ thô ráp, xù xì ấy là một sự hồn nhiên, ngây thơ đến lạ. Đọc những câu chuyện ngắn mẹ đã cất công ghi chép lại về anh ấy từ nhỏ cho đến lớn thì thấy rõ là anh ấy vừa tồ tẹt lại vừa chín chắn lại cũng rất “đa tình”.

Mẹ của Cống thì lạ lắm. Đóng vai “ác” toàn tập trong nhà nên mẹ nghĩ ra nhiều“chiêu trò” để có thể “chiến đấu” với Cống trong “cuộc chiến” tuổi dậy thì cam go. Chắc hiếm bà mẹ nào lại quyết liệt tìm hiểu xem con mình có tật “tắt mắt” hay không bằng việc nhờ hẳn công an đến nhà giả làm công tác điều tra, đến nỗi “ông con” đang đi vệ sinh phải chạy ù té hốt hoảng: Thế nhỡ họ theo dõi con cả con đi vệ sinh thì sao? Cống rồi sẽ lớn, những điều ấy rồi trở thành kỉ niệm vui dọc đường khôn lớn nhưng chắc chắn Cống sẽ biết mình phải sống trung thực đến tận cùng. Bà mẹ này cũng tỉ mỉ đến từng chi tiết khi chọn người để mời làm gia sư cho con. Tôn trọng một phương pháp học khoa học không giáo điều, không nặng về lý thuyết, bà mẹ tìm được những gia sư “rất lạ, rất độc”. Để những người gia sư ấy đều thành bạn của Cống. Thì đã nói Cống luôn phải có những phương thuốc đặc trị riêng đấy thôi!

Bên những “chiêu trò” vừa buồn cười vừa thấm thía ấy, cứ đọc nhẩn nha sẽ thấy, Cống được sống trong đầy ắp tình yêu thương. Có thể chẳng có lời nào trong cả cuốn sách nói rõ về điều ấy nhưng nó cứ ẩn khuất sau từng câu chữ. Cứ xem đoạn Cống chia tay với chị Ti cũng đủ để trái tim người đọc rưng rưng đến chừng nào. Người ta nói, trong gia đình, cha mẹ có nhiệm vụ lớn lao là dạy cho con mình biết yêu. Để biết yêu, các con cần có một chuẩn mực tình yêu được xây đắp từ tình yêu của cha mẹ với con cái. Một bé trai nếu không biết tới tình mẫu tử trong thời thơ ấu, lúc lớn lên thường có cảm giác bất lực và vô nghĩa trước cuộc đời. Đọc những dòng nhật kí mẹ trong “Cuộc chiến tuổi dậy thì”, tôi chắc chắn Cống sẽ là chàng trai biết yêu.

Gọi là “cuộc chiến” mà nhẹ nhàng. Gọi là “cuộc chiến” mà vui vẻ, hóm hỉnh đầy ắp tiếng cười. Âu đó cũng là một nét đặc trưng trong tính cách của chị Nguyễn Thị Phương Hoa, người bạn mà gia đình tôi trân quý. Tôi mong tinh thần ấy, phẩm chất ấy, những kĩ năng làm bạn cùng con cần thiết ấy sẽ được truyền đến cho các bà mẹ. Từ đó chúng ta sẽ có được những đứa con lớn lên lành lẽ, lương thiện, sống đàng hoàng, biết yêu đời, yêu người, biết tìm kiếm, tận hưởng hạnh phúc trong cuộc đời còn nhiều gian khó này.

Đọc một cuốn sách hay cũng giống như được tác giả ươm một niềm vui sống vào trái tim của mình. Tôi đã nhận được hạt mầm yêu thương của niềm vui sống ấy từ khi đọc xong cuốn “Cuộc chiến tuổi dậy thì”. Tôi hy vọng, hạt mầm ấy, sẽ tiếp tục được ươm thật nhiều, thật nhiều cho các bậc cha mẹ khác. Và rồi chúng ta sẽ được đón nhận những bông hoa đầy hương sắc vào mỗi buổi mai tinh khôi.


Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Hà Nội, Xuân 2015

PGS.TS Đỗ Xuân Thảo

 

Chuyên mục: Bài viết từ độc giả

Reader Interactions

Comments

  1. Nguyen Hong My says

    01.06.2015 at 16:18

    😛 Hay!

    Trả lời
  2. Chau Nguyen says

    03.06.2015 at 15:54

    Em bị sốt xình xịch rồi cô ơi :3

    Trả lời

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa
Giám đốc Nhịp Cầu Đức CTC

Bài viết mới

  • Đại nhạc hội Giáng sinh 2020 kỉ niệm 5 năm thành lập Nhịp Cầu Đức CTC
  • Kĩ năng sống (2)
  • Kĩ năng sống (1)
  • Chuẩn bị hành trang du học
  • Để con không vô cảm

Phản hồi gần đây

  • Dương Duy Thảo trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • Guest trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • nguyễn thu hiền trong Bài phát biểu tại lễ khai mạc triễn lãm về bảo vệ môi trường tại Viện Goethe HN
  • BacGiang trong Thông gia nhà mình
  • Guest trong Thông gia nhà mình

Our Visistor

008545
Views Today : 28
Views Yesterday : 27
Views Last 7 days : 168
Views Last 30 days : 696
Views This Month : 468
Views This Year : 1634
Total views : 15269

Secondary Sidebar

Bài viết

  • Bài viết của tôi
  • Bài viết từ độc giả
  • Bài viết ưa thích
  • Viết cho con trai

Đào tạo

  • Tư vấn du học Đức
  • Các khóa bồi dưỡng
  • Sau đại học
  • Đại học
  • Đơn vị đã tham gia giảng dạy

Nghiên cứu

  • Bài tham gia hội thảo
  • Bài đăng trên tạp chí
  • Sách đã xuất bản
  • Đề tài nghiên cứu

Liên kết

  • Facebook Phương Hoa
  • Nhịp cầu Đức CTC
  • PTE Online

Copyright © 2023 · Phương Hoa