Không ít bạn trẻ còn đang loay hoay, lúng túng trước việc chọn ngành nghề, lối đi cho tương lai của mình. Xin giới thiệu với các bạn nội dung trích từ 2 bức thư trao đổi giữa hai người, một người trẻ đang là giảng viên ĐH (vừa là đồng nghiệp, vừa là sinh viên cũ của mình) và một người không còn trẻ lắm nữa (một cô em gái rất thân thiết của mình, một người rất thông minh, và cực kì thú vị)
Nhan đề do mình đặt.
——————
Trích bức thư của giảng viên trẻ:
……..
Cháu đã dạy luyện thi Đại học môn Tiếng Anh được 4 năm, có khá nhiều học sinh và các em đều rất tin tưởng, muốn nghe lời khuyên của cháu. Mỗi khi các em hỏi nên chọn trường gì, nghề gì, cháu đều trả lời tựu chung mấy ý như sau:
– Không có trường nào là trường "học ra sẽ giàu". May ra có trường RMIT… vì khi vào trường đã giàu sẵn. Giàu hay không phụ thuộc vào tay nghề của em và thị trường. (trả lời những em cho rằng chỉ có đỗ Ngoại thương mới ABC DEF…)
– Không có nghề gì học ra là nghèo hay giàu. Kể cả em là một người thợ hàn, nhưng nếu tay nghề em đỉnh cao, em lấy gấp 30 lần người thường thì em vẫn có không hết việc, vì những ca khó chỉ có em làm được (chuyện thật 1 ông thợ hàn/thợ sửa giày ở HN).
– Nên chọn theo đam mê của em. Em hãy nghĩ xem em thực sự thích làm nghề gì. Đừng để kết cục là 4 năm em học cái em ghét, rồi ra trường chạy chọt xin việc để CẢ ĐỜI làm cái em ghét. Một cuộc sống như thế quá kinh khủng, chưa kể khi em ghét thì em sẽ không có đam mê, nghị lực để giỏi, thành một người thợ tay nghề cao.
– Bố mẹ họ hàng gây sức ép bắt em học ngành XYZ vì có người nhà dễ xin việc. Nếu em không thích, đừng, hãy mạnh dạn đấu tranh. Vì cái "người quen" đó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Và đừng để khi em học đại học xong, bố mẹ em gần 50, 60 tuổi lại đến lạy lục nhăn nhở đưa phong bì cho người khác vì em.
Phần lớn các em đều bị thuyết phục. Có những em đã mạnh dạn chọn những ngành như Tâm lý học, báo chí, vv. Nhưng giờ cháu nghĩ lại và thấy lo sợ. Vì thực sự xã hội ở đây quá đảo điên. Các giá trị đảo lộn. Người ta đánh giá nhau đâu phải qua tri thức, đạo đức, mà qua xe máy, điện thoại, bố mẹ, … Liệu những lời khuyên đó của cháu là tốt hay là làm hại các em đó, cô nhỉ? Liệu rằng các em ấy cứ học cái ngành "dễ xin việc, có người quen", "nhàn, ổn định" thì có tốt hơn là dò dẫm đi theo đam mê và tự nỗ lực đi trên 2 chân của mình? Nếu thực sự những gì cháu khuyên các em ấy là không phù hợp với xã hội này, thì cháu sẽ rất hối hận, cô ạ.
Cô cho cháu xin lời khuyên với ạ. Cháu cảm ơn cô rất nhiều ạ! Cháu chúc cô chú và em luôn vui và khỏe.
——————-
Trích bức thư trả lời:
…………………..
Nhận được thư của cháu cô rất vui, rất cảm động. Đơn giản là vì cô thấy trong cuộc sống bộn bề, dường như ai cũng hối hả bận bịu chìm đắm trong nỗi khổ, hay mải mê chìm đắm trong nỗi sung sướng của riêng mình. Ít khi có tấm lòng để mà chia sẻ với ai khác.
Vì vậy cô kính phục và trân trọng cháu, cũng như tất cả những ai thỉnh thoảng dành thời gian để dừng lại, để viết và gửi cho mọi người được hiểu về cảm xúc,về những dòng suy nghĩ của mình. Vì đối với cô, những con người như thế rất mạnh mẽ, rất dũng cảm, tấm lòng nhân hậu vị tha.
Cô cảm ơn cháu đã hỏi thăm. Cô chú và em P vẫn mạnh khỏe. Em P học hành tốt, thú vị, ngoài việc lo học em có nhiều thời gian, nhiều cơ hội để đi ngó nghiêng, xem xét, văn hóa, lối sống của xã hội bên này. Cô rất mừng cho em về điều đó. Vì khi còn trẻ, tâm hồn con người ta còn chưa xơ cứng, chưa cam chịu, chưa chấp nhận thỏa hiệp, vẫn còn hừng hực khí thế để tiếp nhận những điều mới mẻ, còn mong muốn khám phá, loay hoay tìm chỗ đứng phù hợp cho bản thân mình.
Hôm thứ 7 cô và em Phương vừa xuống Hội chợ sách ở Leipzig, đi từ 6h15 đến 22h đêm mới về, mệt bở hơi tai. Lê la cả ngày ở đó chỉ để xem tây đọc cái gì mà đọc lắm thế. Hội chợ đông nghịt, già trẻ gái trai xanh đỏ tím vàng đủ cả. Đối với cô đó là một hiện tượng. Vì cô vừa bước ra từ một đám đông, từ một cộng đồng đầu đen kịt như kiến mà ở đó mà việc đọc sách là cái gì đó rất hiếm thấy, xa lạ với nhiều người, xa lạ với nhiều tầng lớp.
Cô mới ngộ ra được một điều về khái niệm hạnh phúc. Con người ta, (hay chỉ riêng cô?) trạng thái hạnh phúc là cái gì đó không đứng yên cố định. Ý cô muốn nói là trạng thái hạnh phúc rất biến động. Thay đổi theo năm tháng. Có thể lúc này, giờ này cô thấy hạnh phúc, nhưng ngay cùng lúc đó, hoặc sau đó/trước đó không phải như vậy. Không phải là mình đồng bóng, hay phù du mà vì cuộc đời vốn là như vậy. Lý thuyết Yin Yang đấy? Và vì thế trạng thái hạnh phúc có lẽ không cần, không nên là mục đích theo đuổi tìm kiếm. (bởi vì nó lung linh khó nắm bắt, khó đong đo, dễ biến mất bất cứ lúc nào). Cái chúng ta cần tìm là những công việc cụ thể mình làm hàng ngày, và những dòng suy nghĩ hàng ngày mình nên có!
Ví dụ như hiện tại lúc này đang cô đang rất vui vì cô dẹp mọi thứ để ngồi ung dung tự tại viết thư về thăm cháu, và cô đang được sống ở đây. Ở đây ăn sạch, ở sạch, an toàn, tự do. Không có ai dòm ngó, không có ai " xắn quần lội vào đời tư" của mình. Cũng chẳng có đài phường, hay dân vận, hay hội phụ nữ đến khuyên cô nên đẻ thêm một đứa, cho em P có chị có em, hay để giữ chồng cô không đi ngoại tình tìm đứa con nối dõi tông đường..
Nhưng cùng thời điểm này khi nghĩ đến bố cô đang ốm, cô không được ở bên cạnh chăm sóc hay lo toan được cho ông, cô lại thấy cô không hạnh phúc. Hoặc khi cô nghĩ đến rất nhiều bạn trẻ đang bơ vơ, có khi lạc lối, tự làm tổn thương bản thân và người khác, cô lại thấy không thể nào mà vui mà hạnh phúc được…
Cháu đọc sách, tặng sách, học tiếng Đức đều là những công việc đã đang và sẽ làm cho cháu yên tâm hạnh phúc. Cô hoàn toàn tin vào điều đó. Không có nhiều thứ khác hay hơn, hợp lý hơn những công việc này để có thể kiếm tìm trạng thái hạnh phúc bền vững đâu cháu ạ. Đối với cô đọc sách là việc đi du lịch tại gia rất an toàn và rất rẻ. Là công cụ mua trải nghiệm thông minh nhất. Cô vẫn học tiếng Đức hàng ngày, vì ngôn ngữ đối với cô quan trọng và cũng vì cô yêu quí người đức, trân trọng những gì họ đã và đang tạo nên, nên cô rất muốn hiểu được họ, (dù đến chết có khi cũng mới chỉ hiểu được một tý).
Cháu viết thư không phiền nhiễu gì cô cả. Cô xin lỗi nếu không kịp viết reply ngay. Cô nghĩ ở tuổi này cô không còn băn khoăn hay sợ mình bị thiên hạ chê dở hơi đâu. Cũng vì thế cô vẫn bảo cô thích tuổi 40 hơn tuổi 20. Hồi trẻ mình hay lo, hay sợ thiên hạ đánh giá, suy nghĩ phán xét về mình. Bây giờ nhìn lại cô tự thấy hồi đó đúng là mình dở hơi. Cháu hãy nên nghĩ, nên làm những điều bản thân cháu cho là đúng. Và cứ thế mà tiến bước. Đến khi nào tự cháu thấy là mình dở hơi, mình sai thì cháu điều chỉnh. Còn nếu tự thấy mình ổn, tự thấy chả có gì là sai, thì cứ tiếp tục. Có ai đó đã nói "quần chúng là con số không". Ngẫm nghĩ thì cô thấy đúng là như thế.
Còn về những điều các bạn sinh viên hỏi cháu. Thì tại lúc đó cháu thấy nên nói gì, khuyên gì thì cháu cứ nói. Miễn là chân thành và thật lòng. Chả có trách nhiệm phải đảm bảo gì cả. Các bạn trẻ nhiều khi họ chỉ hỏi thế thôi mà họ không quan tâm thực sự câu trả lời đâu. Đơn giản là vì tự họ đã biết rồi. Họ biết đặt câu hỏi là quí lắm. Ai biết hỏi thì người đó sẽ tìm được câu trả lời.
Cô nghĩ rằng khái niệm Đúng và Sai rất trừu tượng. Không thể khái quát hóa hoặc áp dụng cho nhiều người, cho nhiều hoàn cảnh được. Tốt hơn hết là các bạn sinh viên nên nỗ lực tìm kiếm, tự tìm câu trả lời. Đại đa số, trong đó có cả cô, có khi cần cả cuộc đời, lang thang đi từ đầu chặng đường đến tận lúc chết vẫn chưa biết, chưa chắc 100%, đã tìm ra được mình thích gì.
Bởi vì mình có thích một thứ đâu, đang hái hoa thì bắt bướm, đang có chồng là kỹ sư thì thích họa sỹ, có giời mà hiểu được tại sao. Lúc nào mình chả thích tỷ. Mà cuộc đời thì dài lê thê, làm sao và với lý do gì phải cố định với một ý thích cả đời được. Quan trọng là đừng buông tay bỏ cuộc là được. Còn những ai bảo có đam mê mà không dám theo đuổi, sợ nọ sợ kia v.v thì theo cô đó chưa thể gọi là đam mê được. Bởi vì khi có đam mê thì cháu đã chả thiết cái gì khác nữa đâu..
Về các giá trị đạo đức, bậc thang giá trị cuộc sống đối với cô là phạm trù khó, nhọc nhằn. Và vì thế cô không còn hy vọng có thể giải thích cái điều khó này được cho ai. Điều cô muốn làm là hàng ngày mình sống, mình làm, mình suy nghĩ thật cụ thể, thật rõ ràng. Như thế mình sẽ thông suốt, sẽ tự tin, sẽ vui, sẽ phấn khởi có nhiều năng lượng. Và cô hy vọng qua đó có thể làm gương, có thể ảnh hưởng đến một ai đó. Và người này họ tự thích thay đổi hoặc tự đón nhận cách sống đó, dòng suy nghĩ đó.
Cô nghĩ cháu không nên băn khoăn do dự. Hãy nói và làm những điều cháu cho là hợp lý. Còn sai hay đúng, méo hay tròn là việc của người tiếp nhận thông tin. Hoàn toàn không phải là việc cháu phải quan tâm. Người đức có lý thuyết, "Aufnahmehorizont" là thứ rất quan trọng trong việc dạy dỗ tiếp nhận thông tin. Ví dụ như người đức đang no đủ phè phỡn thì ý kiến bảo vệ môi trường là rất hay rất nên. Nhưng với những người hàng ngày còn vật vã đói meo thì đưa ra điều này liệu có hơi vô cảm và vô tình không??
Cô phải đi tý đã nhé. Hẹn dịp khác sẽ lại tâm sự tiếp với cháu sau. Một lần nữa cô cảm ơn cháu đã mail và trao đổi với cô.
Thân mến và chúc cháu vui vẻ
cô H.
Uyen says
Có lẽ cô 40 cô hay nói rông nói dài, để người đọc phải ngẫm phải nghĩ. Câu trả lời với các bạn dưới 20 có lẽ khó mà hiểu. Năm nay mình gần 30, đang làm trong lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp.
Khi chon ngành có lẽ theo mình khuyên:
1. Nên theo ngành nghề bố mẹ có cơ sở 60%. vì:
– Tất nhiên có cơ sở khi ra trường các bạn sẽ đỡ bươn chải, đỡ chât vật hơn. Bạn phải hiểu sự # biệt giữa 1 nhân viên xin việc thông thường và 1 người có người quen xin vào. Bạn có phấn đấu 1 năm chưa chắc đã bằng ngta. Vì đây là hệ quả tất nhiên của mối quan hệ thân quen, và giống như cha mẹ họ là người gieo trồng còn con cái là người hưởng lợi. Vấn đề ở đây là cần lựa chọn chỗ cơ sở tin tưởng. Chứ ko phải là chỗ bạn phải đánh đổi bằng sự lạy lục, chạy bằng tiền hàng trăm triệu, cực kì tốn kém. Và hơn nữa, nếu chỉ vì ngành đó đang hot lại là 1 sai lầm, ngành gì đang hot thì sau 4 năm nữa các bạn học xong nó sẽ hết hot.
– Bạn hỏi tôi về đam mê, tôi sẽ trả lời : ĐAM MÊ là giá trị người ta lựa chọn sống và theo đuổi chứ ko phải là một công việc bắt đầu. Vì việc gì làm lâu rồi cũng chán, chả lẽ suốt đời bạn cứ làm 1 -4 việc vẫn chưa thấy niềm đam mê. Đam mê là lựa chọn thật kĩ rồi sau đó theo đuổi, bỏ qua mọi thứ cảm xúc. Vì vậy bạn có thể đủ mạnh để bắt đầu bất cứ 1 công việc gì với 1 thái độ đam mê.
– Bạn còn quá trẻ để biết cái gì mình thích, ko thích. Bạn chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài, sự bóng bẩy của các ngành nghề mà ko nhìn thấy cái gì đằng sau bức màn đó thì làm sao bạn lựa chọn cho chuẩn xác được? Bạn thích được tung hô, ăn mặc đẹp, sống dưới ánh đèn xa hoa lộng lẫy như ca sĩ ko? có. Nhưng bạn có biết được đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt là sự đời bạc bẽo lắm không? Nếu bạn nói ban hiểu, thấy mặt được, mất của ngành. Tôi là anh chị của bạn chắc chắn tôi sẽ đồng ý. Nhưng tốt nhất nên chọn nghề có thể sử dụng trí óc của mình để mang lại nhiều giá trị nhất cho xã hội, nhưng phải nhìn vào thực chất chứ ko phải là nghe ai đó nói. Ví dụ Báo chí – có đẹp như các bạn nghĩ hay ra trường rồi cố gắng ngồi bới móc từng vấn đề trai ngoại tình, gái lẳng lơ… vì những vấn đề thật sự cần được nói đến cấp trên bạn có cho bạn nói ko??? Lúc đó bạn sẽ ngồi khóc vì mình đã chọn nhầm ngành ko? Lựa chọn 1 ngành nghề với giá trị mang tính vô hình mà mình ko biết ai làm trong đó là 1 sự rủi ro rất lớn.
Nếu bạn lựa chọn ngành nghề ban cho rằng bạn hiểu, bạn đam mê. Ban phải tự trả lời: Bạn hiểu đến đâu? Cơ hội thăng tiến, giá trị thực sự mang lại? Bạn đam mê đến đâu hay chỉ là sở thích nhất thời, hoặc cái vỏ bọc bên ngoài?
Lưa chọn ngành nghề là cả 1 sự đầu tư, và bạn có cơ hội mất trắng nếu chỉ là theo cảm xúc.
Guest says
Cảm ơn ý kiến của chị. Thực ra mỗi người một quan điểm và lời khuyên khác nhau. Em nghĩ là tùy xem chúng ta là những người khuyên đã nghĩ thế nào về con đường đã qua của mình. Nghề nào cũng có mặt tốt mặt dở. Em đã khuyên các em học sinh của mình chọn theo cái em thích, cái đam mê, dù là không chắc sẽ đam mê mãi. Lý do là vì khi dạy Đại học, em đã thấy rất nhiều sinh viên học kiểu cho qua ngày đoạn tháng, chán ghét trường lớp, vì em không thích ngành nghề này, chỉ là bố mẹ bắt em vào. Em nghĩ nếu học hành kiểu đó thì không thể giỏi được.
Về đam mê, em thấy phải thử-sai vài lần mới có kết quả. Bây giờ quá trẻ để biết, vậy có nghĩa bây giờ phải làm theo cái bố mẹ thích, cho đến khi tìm thấy cái mình BIẾT là mình thích hay sao chị :D? Sẽ mất bao nhiêu năm để không còn quá trẻ? Và những ngành nghề bố mẹ xin việc cho liệu có dễ dàng và giúp mình thăng tiến nhanh như chị nói hay không :)? Nếu không chắc sẽ sống được bằng đam mê của mình, thì cũng không chắc sẽ sống được bằng đam mê của người khác. Cái gì cũng có giá, dám chọn thì dám chịu, em nghĩ vậy.
Em mong chị tiếp tục trao đổi thêm.
Guest says
SUY NGHĨ CỦA MỘT GIÁO VIÊN TRẺ 🙁
Cô ạ, em đã đi làm đc tròn 2 năm. Khi thi ĐH mẹ e nói vào sư phạm cho ổn định con ạ. Vai trò 1 đứa con ngoan e hạ bút đăng kí dù trong lòng k muốn. Mẹ e cũng là GV dạy phổ thông, con người cũ nhưng e cũng được biết đằng sau cổng trường là 1 dàn các ” cô giáo” ngồi đeo kính lúp soi mói đồng nghiệp từng tí 1 rồi tranh thủ vận dụng biện pháp nói quá vừa mói dạy HS trên lớp :v Ngày đó e sợ cuộc sống bon chen, soi mói bói móc nhau của môi trường sư phạm. Nhưng e lại tự an ủi thôi ở đâu cũng thế, mình k a dua theo họ là đc chắc cũng đc yên ổn.Mới đầu vào nghề e hứng khởi lám, sau 4 năm đi học cũng thấy có chút j đó thích nghề cho dù các bạn trong lớp cũng bon chen nhưng e đứng ngoài cuộc đua đấy :v. Năm đầu đi làm, đáp lại sự hồ hởi tưng tửng của cô giáo trẻ như e là sự soi mói nói ra nói của các cô giáo già sn 58-70 🙁
Chắc trc kia nhà các cô giáo già cũng có điều kiện nên uống nhiều sữa Fristi quá hay sao mà trí tưởng tượng các cô cao quá.Các cô già tưởng tượng ra nào là cô giáo trẻ nói nhìn mặt HS mà cho điểm….. Đi làm thì tung tăng cầm chai nước 1 cách vô ý thức giữa sân trường.v.v.v.v… e cũng chưa đc ai dạy cách cầm chai nước có ý thức là như nào 🙂 Rồi nào là nó vênh váo oy nọ kia :v lúc nào mặt e cũng hợp với cổ 1 góc 90 độ k hơn, liệu e có nên hạ thấp xuống để nhanh gẫy cổ k :v Rồi nào là nó k quan tâm đến trường…. Vâng sự quan tâm đây có nghĩ là fai buôn bán fai kê dép vào đít ngồi lê từ cổng trường xem có tình hính chiến sự j mới, hn ai mặc j ai ăn j……Còn e thì lại chỉ chăm chăm vào chuyên môn, lo mai mình dạy như thế nào, hn mình dạy thế hs có hiểu đc k.K fai e yêu nghề mà e phải có trách nhiệm với học sinh. Rồi việc nhà, việc đi học của cô giáo trẻ nữa, trăm thứ việc k tên.Các cô giáo già thì trong tình trạng k con thơ k cái bấn, chuyên môn cũng đã quá cứng, k vướng bận k lo nghĩ j chỉ lo mai mặc j, mai đến trường soi mói ai,mai mình fai tưởng tượng nghĩ hộ người mình ghét cái j bla..bla….Oy đi bêu riếu cô giáo trẻ sao nó rảnh thế, nó cứ nhàn tênh thong thả mỗi khi bộ, sở về kiểm tra. Thử hỏi hàng ngày ai làm hộ cô giáo trẻ để những ngày đấy nhàn tênh như thế? Ôi sao cuộc sông giáo dục nó chán ngắt đến thê? K tò mò thọc mạch chuyện người khác thì bị nói thờ ơ oy vô tâm vs trường với lớp. Mà nếu đen ra ngậm tăm ngồi gần đám nào đang nói xấu 1 ai đó hay nói đến vấn đề nhạy cảm của trường thì chỉ cần 3′ sau ngoài cổng trường sẽ có tin là cô giáo trẻ với phát ngôn gây shock 😛 E chỉ có một ước nguyện mọi người hãy hiểu đc:
– Mình đi nói xấu, dìm hàng người khác thì liệu mình có nổi bật lên được không?
– Mình cứ lườm nguýt người khác liệu mắt mình còn đẹp k khi đang lác xệch đi
– Mình đáng tuổi mẹ bọn nhỏ ở trường thì đừng làm j để bọn nhỏ coi thường quá thế!
– Mình cứ đi soi mói mọi người thế liệu chuyên môn mình có cứng thêm k, học sinh có đổ xô
sang học mình k, thu nhập mình có cao lên k?
– Khi không hiểu rõ chuyện j, có thắc mắc thfi gặp nhân vật chính hỏi chuyện chứ đừng lê la ảo tưởng.
– Cái tốt đẹp nhất niềm vui duy nhất của con người là sự thành công , hạnh phúc thực sự của gia đình còn ngôi trường chỉ là nơi làm việc, kiếm tiền, mình làm sao thì hưởng như thế! đừng cố bon chen mãi làm j. Mọi người sống văn minh chút đi, việc ai người ấy làm k ảnh hưởng đến mình thì xin mọi người đừng bắc loa như thế. Thật sự cô giáo trẻ cũng k quan tâm đâu mà nhưng thấy hơi hài.Scandal nào xảy ra trong trường đc 2 tháng rồi thì cô giáo trẻ mới lơ mơ biết :v —Họ cười tôi vì tôi khác họ – Tôi cười họ vì họ quá giống nhau 😆