PHẠM THỊ LY
Các trường ĐH đứng trước thách thức phải chuẩn bị cho sinh viên của mình trở thành những công dân toàn cầu…
“Những trường ĐH tốt nhất của thế kỷ 19 là những trường được định hình bởi chủ nghĩa quốc gia, còn những trường tốt nhất ngày nay đang được định hình bởi chủ nghĩa toàn cầu” – tiến sĩ Steve Cannon (ĐH Hong Kong) nhấn mạnh sự biến đổi quan trọng nhất của trường ĐH trong diễn đàn Đối thoại giáo dục toàn cầu diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Những động lực chính tạo ra thay đổi
Ông S. Cannon có lý. Bởi có một mối liên hệ rõ ràng giữa mức độ quốc tế hóa và đẳng cấp trên bảng xếp hạng: Hoa Kỳ được xem là thống trị trong danh sách các trường ĐH hàng đầu thế giới, đã và đang đào tạo số nghiên cứu sinh người nước ngoài nhiều hơn toàn bộ các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cộng lại, và 66% số này ở lại làm việc tại Mỹ.
Trong khi đó, chỉ 2% giảng viên Pháp là người được sinh ra ở nước ngoài. Chỉ 7% giảng viên ĐH Mỹ đang giảng dạy tại trường mà họ đã được đào tạo, trong khi con số này ở Pháp là 50% và ở Tây Ban Nha là 95%.
Chỉ hai trường ĐH của Pháp có trong danh sách xếp hạng của Bảng xếp hạng ĐH thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS – nước Anh), tám trường trong danh sách Bảng xếp hạng ĐH thế giới của tạp chí Tims Higher Education (THES – Anh), Tây Ban Nha thì không có trường nào ở cả hai bảng xếp hạng, còn Hoa Kỳ chiếm tới 54 trường trong danh sách 200 của QS và 83 trường trong danh sách 200 của THES.
Nói về những đổi thay mạnh mẽ đang định hình lại giáo dục ĐH trên thế giới, Sam Jones (ĐH Alliance, Anh) đưa ra năm động lực chính đang tạo ra những thay đổi đó:
(1) Động lực xã hội, bao gồm sự thay đổi trong bản đồ nhân khẩu học, thay đổi nhận thức về các giá trị, hoạt động của các mạng xã hội;
(2) Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã làm nảy sinh những vấn đề trực tiếp tác động đến các trường như quyền sở hữu thông tin, làm thay đổi cơ bản cách dạy và học, khiến nhà trường không còn là nguồn duy nhất cung cấp kiến thức và thông tin, vai trò của người thầy trong những xã hội truyền thống ở châu Á bị thách thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết;
(3) Động lực kinh tế, tức nhu cầu về lao động có kỹ năng, đáp ứng những đòi hỏi của địa phương và của toàn cầu;
(4) Động lực môi trường: không gian vật lý và những nguồn lực vật chất khác đang ngày càng khan hiếm, thúc đẩy các trường tìm ra những hình thức tồn tại mới, cách thức mới để thực hiện các sứ mạng truyền thống của mình.
(5) Động lực chính trị: giáo dục ĐH được tài trợ bằng tiền ngân sách, tức tiền thuế của người dân. Áp lực phải giải trình trước công chúng về hiệu quả đầu tư cho giáo dục ĐH đang đặt ra cho mọi chính phủ, cùng với nhiều câu hỏi phải trả lời đối với các nhà làm chính sách: nên đóng cửa hay nên mở thị trường giáo dục cho các đối tác nước ngoài?
Nghiên cứu của Saad Rizvi và các đồng tác giả (Viện Nghiên cứu chính sách công, Vương quốc Anh) cho thấy ngày nay không chỉ các trường ĐH, mà các think tank – các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nghiệp, tập đoàn – cũng đang làm nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của họ có ý nghĩa rất đáng kể. Không chỉ các trường ĐH mà nhiều tổ chức đào tạo khác cũng cấp bằng.
Giá trị của tấm bằng ĐH ngày càng xuống cấp. Nếu như trước đây bằng ĐH bảo đảm cho một công việc tốt trong tương lai, thì ngày nay hàng trăm ngàn người có bằng thạc sĩ đã và sẽ tiếp tục thất nghiệp. Trong lúc đó, học phí ĐH tăng rất nhanh: ở Mỹ, từ năm 2000-2010 chi phí cho việc học ở các trường công đã tăng 42%, ở các trường tư phi lợi nhuận đã tăng 31% sau khi trừ lạm phát.
Một mặt, các trường ĐH đang bị thôi thúc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả và khả năng đáp ứng, mặt khác họ phải duy trì những giá trị nền tảng, sứ mạng phục vụ lợi ích công và những đặc điểm khiến họ trở thành khác biệt so với các tổ chức khác trong cả khu vực công và khu vực tư.
Cân bằng giữa hai cực ấy quả là điều không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực công cho giáo dục ĐH đang giảm sút nghiêm trọng hầu như ở tất cả các nước.
Những thách thức mới
Chất lượng giáo dục là mối quan ngại lớn, nhất là khi tấm bằng không phản ánh điều gì thật sự có ý nghĩa về phẩm chất và năng lực của người cầm tấm bằng ấy, lại càng không bảo đảm một triển vọng việc làm chắc chắn cho họ.
Không chỉ các nước đang phát triển hoặc có nền kinh tế mới nổi đang phải đương đầu với nhiều thách thức, mà chính các nước phát triển cũng đứng trước những thách thức chưa từng có trước đây. Cuộc cạnh tranh giành tài năng, giành thứ hạng, giành nguồn tài trợ ngày nay khốc liệt hơn bao giờ hết.
Câu hỏi đặt ra là liệu trường ĐH có thật sự chuẩn bị tốt cho cuộc đời sự nghiệp và tư cách công dân của mỗi người trong thế kỷ 21 hay không, hoặc nói cách khác liệu trường ĐH có tiếp tục được xem là một giá trị đáng ước ao (như trước đây đã từng) hay không khi mà chi phí cho việc học ĐH đang là một gánh nặng ngày càng tăng trong thập kỷ qua, và tỉ lệ thanh niên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp cũng đang tăng trên khắp thế giới?
Một điểm rất cần lưu ý là vai trò của nhà nước đang thay đổi. Trước đây, nhà nước là nơi cung cấp nguồn tài trợ gần như vô điều kiện cho các trường hoạt động. Tùy theo bối cảnh của từng nước mà quan hệ giữa nhà nước và nhà trường có mức độ kiểm soát khác nhau, nhưng nhìn chung việc tạo ra các hành lang pháp lý và đánh giá kết quả vẫn là vai trò phổ biến của nhà nước.
Ngày nay vai trò đó đang thay đổi: các trường đang trở thành nơi cung cấp một dịch vụ cho nhà nước và được cấp tiền trên cơ sở những gì mình thực hiện theo đặt hàng. Cấp kinh phí dựa trên cam kết về kết quả đang trở thành mô hình phổ biến.
Nhà nước đang xem giáo dục ĐH như một phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu sau cùng là sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội và sự thịnh vượng của quốc gia. Bởi vậy, đối với cả hai khu vực công và tư trong giáo dục ĐH, câu hỏi về tính thiết yếu của trường ĐH và câu hỏi về trách nhiệm giải trình đang đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết.
Tương lai của các trường ĐH
Trong hai thế kỷ qua, các trường ĐH trên thế giới đã coi việc theo đuổi tri thức vì bản thân tri thức, chứ không nhằm đạt đến một lợi ích cụ thể hay thực tế nào, là trọng tâm sứ mạng của mình. Liệu những thứ như triết học hay lịch sử thời Trung cổ có còn chỗ đứng trong các trường ĐH ngày nay, khi tính thích đáng và thiết yếu của các trường ĐH trong việc chuẩn bị cho cuộc sống sự nghiệp của sinh viên đang không ngừng bị chất vấn?
C. S. Lewis (1898-1963) – viện sĩ ĐH Oxford và Cambridge – có một câu được nhiều người trích dẫn: “Chúng ta đọc sách là vì chúng ta muốn nhìn sự việc bằng một con mắt khác, muốn tưởng tượng bằng một trí tưởng tượng khác và cảm nhận với những trái tim khác”. Bởi vậy, những truyền thống văn hóa và giá trị vĩnh cửu chứa đựng trong văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học không bao giờ thôi thiết yếu.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các doanh nhân và chủ ngân hàng tương lai cần có đạo đức hơn bao giờ hết” (Michael Barber, Katelyn Donnely và Saad Rizvi, 2013). Bởi vậy, chỉ nhằm vào việc đáp ứng những nhu cầu trước mắt của sinh viên cũng như của xã hội sẽ là không đủ. Trường ĐH cần đạt sự quân bình giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, nếu không sẽ đánh mất sứ mạng đặc thù của mình và trở thành một doanh nghiệp kinh doanh tri thức đơn thuần.
Saad Rizvi và các đồng tác giả cho rằng trường ĐH trong tương lai sẽ có thể tồn tại với các mô hình sau:
(1) Mô hình ĐH tinh hoa: Với tên tuổi tỏa sáng trên toàn cầu, với một nguồn quỹ hiến tặng dồi dào, một lịch sử hàng trăm năm huy hoàng và một danh sách cựu sinh viên là những người nổi tiếng, lỗi lạc và xuất chúng, một số ít các trường ĐH tinh hoa vẫn sẽ tiếp tục ngự trị trên đỉnh hệ thống và thu hút những tài năng hàng đầu cũng như những nguồn ngân sách nghiên cứu to lớn. Để duy trì địa vị của mình, họ cũng sẽ phải điều chỉnh việc đào tạo trong một không gian đa dạng hơn nhằm bảo đảm tiếp tục tạo ra những người mà trí tuệ và phẩm chất của họ sẽ tác động lớn lao đến xã hội.
(2) Mô hình ĐH đại chúng: Những trường đặt trọng tâm vào việc đào tạo có chất lượng cho số đông sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, gắn kết chặt chẽ với thế giới việc làm, nhấn mạnh tính chất toàn cầu hóa.
(3) Mô hình ĐH mũi nhọn: Đó có thể là một trường tổ chức dạy trực tuyến với những giáo sư hàng đầu thế giới mà chi phí chỉ bằng một nửa so với các trường ĐH truyền thống, như trường Miberva ở San Francisco, Hoa Kỳ. Đó có thể là một trường tổ chức việc đào tạo theo hướng cá nhân hóa triệt để, phát triển tiềm năng riêng của từng người bằng một chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm cá nhân họ.
(4) Mô hình ĐH địa phương: Những trường gắn chặt với việc phục vụ nhu cầu cụ thể của địa phương, cả trong đào tạo và nghiên cứu.
(5) Mô hình học tập suốt đời: Có nhiều ví dụ về những người bỏ dở việc học ở trường ĐH, sau này trở thành những người làm thay đổi cả thế giới, như Steve Jobs, Richard Branson hay Mark Zuckerberg. Đó là những người đã duy trì việc học tập suốt đời của họ tuy không phải trên giảng đường ĐH.
Cho dù là mô hình nào thì thành công của các trường cũng sẽ chủ yếu dựa trên tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo, bao gồm khả năng hình dung được tương lai và khả năng thay đổi, thích ứng với những cách tiếp cận mới.
Bài đăng trên báo Tuổi trẻ, số ra ngày 9.1.2014
Đinh Trọng Tráng says
Mình thấy rằng nên phát triển nhiều mô hình đại học như vậy để nâng cao chất lượng con người.
Mình tin rằng tương lai không xa các nhà tuyển dụng sẽ tin tưởng hơn vào những tấm bằng đại học.
Mình giới thiệu về website của mình, cung cấp kỹ năng cần thiết cho bạn trẻ trước khi rời ghế trường đại học
Bí quyết làm giàu và học cách thành công
http://dinhtrongtrang.com