Nhận được bức thư thật hay từ một em gái thân thiết gửi cho bạn bè, xin chia sẻ với các bạn.
———————–
Hà nội, ngày thứ 4, 31.10.2012
Các bạn yêu quí,
Hơn một tháng qua tớ long tong, đầu bù tóc rối, toan tính những thứ vụn vặt tầm thường. Tâm trí lúc chìm lúc nổi. Xã hội xung quanh im lìm. Chết lặng. Khủng hoảng thực sự đã về, khắp hang cùng ngõ hẻm. Bài viết của bác Alan Phan hôm 23.10. vừa rồi đã nhấn nốt tia hy vọng cuối cùng của phe lạc quan tếu. Nôm na nói nhanh cho vuông là đất nước đang ngập trong biển nợ. Sau gần hai mươi năm vay ăn béo bẫm, vẽ cho lắm hão huyền thì các vấn đề vĩ mô vẫn còn nguyên đó. Quan tiếp tục đánh nhau, chưa ai rỗi mà lo cho dân. Anh Kiên vẫn ngồi, anh Tâm vẫn đứng, cuộc chiến hai phe tả hữu chưa phân thắng bại. Trâu chưa chết, bò chưa chết, ruồi muỗi là dân đen đã chết không kịp ngáp. Rette sich, wer kann!
Vất vưởng ở đây gần 8 năm nhưng cái không khí dở dở ương ương đậm mùi đói khát, lọc lừa như hiện tại tớ chưa thấy bao giờ. Có đồng bào nào xa quê hương, lâu lâu không về thì nên về ngay lập tức. Về mà trải nghiệm cái thanh lịch, hiếu khách, cần cù chịu khó, cái nhẫn nhục, thật thà dễ thương, cái „tâm hồn Việt“. Hiếm khi nào mà người Hà nội lại khiêm tốn như lúc này. Đại gia ngấp nghé bờ vỡ nợ, cửa hàng cửa hiệu thi nhau đóng cửa. Khách sạn 4-5 sao vắng như chùa bà đanh. Nếu giả sử có hứng mua nhà thì người bán đã dịu giọng. Trật tự trên thị trường nhà đất đang được thiết lập lại.
Đầu tiên, như mọi khi, tớ xin báo cáo tình hình học hành của con gái, cục vàng của tớ. Con đi học được tròn 2 tháng. Tháng đầu tiên thì học cả ngày, ăn ngủ trưa ở lớp, sụt mất 3 cân. Tháng thứ 2 do mẹ nài nỉ nhờ cô thông cảm con còi cọc nên con được phép tùy ý nghỉ ở nhà tự học lúc nào con muốn. Trong 7 môn học chính thì Toán, Văn, Anh đã ngoi lên top 3 trong lớp và các lớp học thêm. Còn bốn môn Sử, Lý, Sinh, Địa thì chưa có sức để mà học.
Sáng hôm qua bố sa sẩm mặt mũi khi hỏi đến cái gì con cũng không biết, ngay lập tức đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc. Gay gắt chỉnh đốn thói học hành cẩu thả của cún và thói chiều con của mẹ. Nói là làm, đêm về vợ chồng nghiên cứu, vợ môn Sinh, chồng môn Địa. Hai vợ chồng vật vã nghĩ cách cứu con. Sau một hồi thì tá hỏa, hóa ra con học dốt một phần vì con chưa chăm, nhưng phần nhiều bởi sách viết toàn ngôn từ khó hiểu, câu cú văn phong lằng nhằng rối rắm. Bố mẹ cả đời ăn học, sách tây sách ta đọc như gió còn chẳng thông. Thương con mà rơi nước mắt, trách ai, hận ai bây giờ?
Nói vậy thôi chứ tớ chẳng dám hé nửa lời chê trách thầy cô. Cơ chế đó, định hướng đó tớ cũng không kham nổi. Tuần qua xã hội nhao nhao ném đá ngành giáo dục. Từ „Canh gà Thọ Xương“ đến học thêm, lớp VIP. Nghĩ mà chán. Lại cái bài đánh lạc hướng, tung hỏa mù của quan đây mà. Thiên hạ cứ mải đi mà cãi nhau ba cái tầm phào, lãng nhách. Có thế quan ta mới rảnh rang tiện bề chia chác.
Ngành giáo nói đi nói lại cũng chỉ là ngành cung cấp dịch vụ đơn thuần. Thị trường cầu cái gì thì cung cái đó. Đã mua được quan bán được chức thì in ấn bằng cấp thật giả có gì là sai. Tớ đã nghe có quan phán thẳng vào mặt tớ là cho con đi học làm gì cho mệt, đằng nào thì nó cũng có chân có suất trong Bộ rồi. Học lắm để dọa ai, biết nhiều chỉ tổ ế chồng, hehe!
Chỉ tội cho các bác nông dân lầm than, cơ cực. Nai lưng bán mặt cho đất để cuối tháng lo đủ 3 triệu gửi lên cho con đi mua cái chữ. Sau năm năm ăn học con lại „bủng beo“ quay về nhờ bố chạy cho vào cái chức đi cày. Biết thế này ở nhà đi cày luôn cho xong. „Tổ sư cha đứa nào dụ con ông thi đỗ đại học. Con ơi là con, tao tưởng công thành danh toại mày mới về chứ ai biết đâu mày bị người ta lừa ra đó đánh điện tử giá cao. Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, con ơi là con, sao tôi khổ thế này“!
Và tội cho những đứa trẻ. Biết chạy vào đâu để cống hiến tài năng trí tuệ! Ghế thì ít đít thì nhiều. Khắp nơi phá sản, giải thể, thanh trừng thanh lý, cưỡng ép buộc thôi việc. Bố mẹ ở quê nào đã từng nghe bao giờ. Cứ tưởng ra gần trung ương là tốt. Hoài bão ước mơ con luôn canh cánh trong lòng. Tâm niệm thương cha xót mẹ. Một lòng hiếu thảo. Một lòng theo thầy cô đèn sách. Tuổi trẻ, tuổi thơ, nhiệt huyết niềm tin-hi vọng, trôi dạt về đâu?
Học xong bằng đỏ lấy đâu ra nửa tỷ bạc mà chạy vào ngân hàng. Lấy đâu ra 400 triệu để có chân được làm bác sỹ. Lấy đâu ra 20.000$ để chạy làm tiếp viên hàng không Vietnam. Lấy đâu ra 160 triệu để chạy vào biên chế giáo viên cấp 2. Lấy đâu ra 60 triệu để chạy vào làm cô giáo mầm non? Rồi cách cuối cùng muốn vào làm vợ 2, vợ 3 hay vợ hờ của đại gia thì cũng phải có tiền đầu tư phấn son giầy dép chứ có phải tay trắng mà đi làm được đâu!
Và thương cho cái thân tôi, già rồi còn khờ để trẻ ranh phải dạy. Hôm qua trong buổi hội thảo du học Anh Quốc, nghe bạn L. sinh viên ưu tú tốt nghiệp Cambridge, đang làm cho Indochina Research, nói rằng: vì bạn không cần tiền nên bạn rất happy khi tốt nghiệp một trường danh giá mà chấp nhận về đây đi làm lương bằng một phần rất nhỏ của tây. Hỏi bạn có gặp trở ngại gì khi học ở tây lại làm ở ta không thì bạn bảo bạn khác, vì bạn ở Balan mới có „mỗi“ 11 năm nên có khi đây chỉ là bến đỗ tạm thời.
Hóa ra vì bạn sẵn tiền nên bạn ung dung. Tôi nhìn hai đứa con tôi, thằng T., con L. (*), một đứa trường Y, một đứa trường Dược, mà xót xa. Từ ngưỡng mộ tôi trở nên ác cảm với bạn L. Bạn giỏi giang thế sao bạn không ở tây mà làm. Ở quê hương tôi đây cái gì cũng sẵn, chỉ thiếu mỗi công ăn việc làm. Hai đứa con tôi làm sao cạnh tranh nổi với bạn, sao bạn nỡ gạt nó ra trong khi nó đang vùng vẫy, nỗ lực ngày đêm kiếm tìm một điểm tựa….
Quanh đi quẩn lại, „bắc thang lên hỏi ông trời“! Có khi cuối cùng cũng tại vì mình đang sống trong „thời của thánh thần“. Nhìn quan „thể lực yếu, IQ lùn“ bắt chẹt dân mà căm phẫn. Tôi thề, tôi không bù khú cá mè một lứa với quan, không ngồi và đi cạnh quan, không gả con gái cho con quan. Tôi không tin lời quan nói. Tôi mà bán nhà cho quan tôi sẽ chém. Quan mà không nghe tôi nói tôi sẽ khóc rống lên cho mà xem. Liệu lúc đó có còn dám tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại được nữa không. „Đừng có tưởng“!
„Xin hãy cứu những người công nhân ăn khoai đi làm 14 tiếng ở các khu công nghiệp. Xin hãy cứu những em học trò nghèo nơi miền núi xa xôi không đủ cơm ăn áo mặc, sách vở đến trường. Xin hãy cứu những người nông dân các tỉnh miền Trung đang bị bão tố, nắng hạn cướp mất miếng ăn, đang phải sống trong cảnh lần hồi, lay lắt“…..
Xin chúc các bạn một mùa thu vàng đẹp đẽ
TB:
1. Có thời gian mời các bạn vào trang „phuonghoa.edu.vn“. Là bà chị tôi đấy. Bà chị tôi xuất sắc hơn người. Có rất nhiều thứ có thể tham khảo, thư giãn.
2. Vừa nghe tin bạn N.H.A, tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT một công ty trong Vinashin, sếp cũ của tôi ngày trước, bị bắt. Tội danh như mọi khi, "mỗi" 700 tỷ. Đây không phải là điều tôi không dự tính. Mặc dù vậy vẫn choáng váng, đau buồn. Lại một người không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, của giàu sang phú quý. Hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi học của bạn ấy rồi sẽ ra sao!? Liệu chúng nó có bị họa từ cái tài cái cán của mẹ giống như hai con gái bà Lã Thị Kim Oanh năm xưa?
3. Nếu một lúc nào đó mệt mỏi muốn yên tĩnh mời các bạn ghé qua Cafe Gallery „Nghệ Uyển“ của chị Nhung (người đàn bà Huế tài sắc, vừa là nghệ sĩ Piano, vừa là họa sỹ) trong khu di tích lịch sử Hoàng Thành, 19C Hoàng Diệu. Đẹp đẽ, thô sơ, tha hồ mà mơ mộng.
———-
(*) Đây là 2 trong số sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn mà cô em gái này nhận đỡ đầu. Ngoài giúp đỡ về vật chất, cô em gái này có một hình thức làm từ thiện rất độc đáo. Giúp đỡ về tiền bạc thiên hạ đã làm nhiều. Cô này giúp các em thích nghi với cuộc sống mới, với môi trường học tập ở đại học, với đời sinh viên chốn thị thành (trò chuyện, đưa các em tham gia những sinh hoạt văn hóa như xem phim/ca nhạc, triển lãm, đến thăm và tham gia các hoạt động ở các trung tâm văn hóa,…),… . Có lần cô đến Hội đồng Anh xin học miễn phí tiếng Anh cho các em, sau khi bị từ chối, cô đã đến xin gặp thẳng Đại sứ Anh trực tiếp đề đạt nguyện vọng và nhờ can thiệp. Kết quả là các em đã được Hội đồng Anh nhận vào học. Tuy là "đàn chị" nhưng mình rất ngưỡng mộ cô em gái này.
Duc Nguyen says
Bức thư tràn đầy tâm huyết. Đọc xong thấy buồn vô cùng!!!
Nguyễn Thị Phúc says
Sống bằng niềm tin thôi đồng bào ơi…