Không hiểu sao mình thấy kinh sợ cái định hướng giá trị lễ phép, ngoan hiền trong nhà trường Việt Nam. Những trò lúc nào cũng răm rắp “gọi dạ, bảo vâng” kiểu gì trong học bạ cũng được giáo viên phê cho hai chữ thánh thần “lễ phép, ngoan hiền”. Trăm cuốn học bạ giống nhau cả trăm. Học sinh nào được giáo viên nhận xét là “lễ phép, ngoan hiền, vâng lời giáo viên” đều hớn hở, phụ huynh mà nhìn thấy những dòng phê như thế trong học bạ của con ai nấy đều mỉm cười mãn nguyện. Ngoan hiền là giáo viên bảo gì làm nấy, nhất cử nhất động đều làm tăm tắp theo ý giáo viên. Vâng lời đến mức giáo viên bảo liếm ghế (vì làm bẩn ghế giáo viên) là nhất loạt 47 học sinh liếm ghế, bảo học sinh cả lớp lớp tát bạn (vì quên sổ thi đua của lớp) là cả lớp, không sót đứa nào, nhất loạt đứng lên vả bôm bốp vào mặt bạn, tịnh không có một đứa nào dám lên tiếng phản đối. Nền giáo dục với định hướng giá trị lễ phép, ngoan hiền kiểu đó thật đáng ghê sợ, đấy thực sự là một nền giáo dục nô lệ, sản sinh ra những lớp người nô lệ chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời hay nói với hình ảnh mềm mại hơn nhưng không kém phần chua xót, đó là sản sinh ra những bầy cừu (cách nói của GS Ngô Bảo Châu) đi lặng lẽ bên lề.
Nhớ thằng con mình ngày học lớp 7 bị cô giáo dạy họa đuổi ra khỏi lớp vì tội cãi láo với giáo viên. Được thông báo vậy, mình điên tiết quá bèn hợp sức với cô bạn thân là giáo viên dạy trường đó tìm cách trừng trị cho ông con một trận tơi bời khói lửa cho nhớ đời, cho tiệt nọc cái thói láo lếu. Màn kịch được dựng lên rất lâm ly, thống thiết. Sau khi đã có “nhời” nhờ vả thầy hiệu phó dày dạn kinh nghiệm mấy chục năm phụ trách món giáo dục đạo đức cùng “giúp cho một tay” để “dằn mặt” (he he…) thằng này một lần cho chết luôn (chiêu “đánh rắn hải đánh dập đầu”), sáng hôm sau ông con được cô giáo chủ nhiệm áp tải lên phòng hội đồng gặp thầy hiệu phó. Buổi chiều, sau khi hết giờ lên lớp, mình vừa bật điện thoại lên thì được cô bạn gọi điện với giọng gấp gáp, rối rít, kèm chút hốt hoảng. Mình chưa kịp hiểu mô tê ất giáp gì cũng hoảng theo và phóng vội đi gặp cô bạn. Ối giời đất ơi, nghe cô bạn kể mà choáng váng vì hóa ra ông con sau cuộc “trò chuyện bất đắc dĩ” trong phòng giám hiệu đã xoay ngược thế cờ và rốt cuộc người bị thầy hiệu phó “cạo” cho một trận hôm đó thế quái nào lại chính là cô bạn mình chứ không phải ông con. Cô bạn mình đầu giờ chiều hí hửng gõ cửa phòng thầy hiệu phó, cửa vừa hé mở, cô bạn tranh thủ hỏi liền tù tì không kịp phanh “Thế nào anh, sáng nay thằng cu đấy nó có xin lỗi không, có ăn năn không, có sợ và có …. khóc không?”. He he… cô bạn mình chưa kịp dứt lời thì được thầy hiệu phó chỉ ngay vào đống gậy gộc, đá, thậm chí cả dao nằm trên một cái bàn trong góc phòng và bảo: “Đấy, những thằng sử dụng cả những thứ này mà anh còn thuyết phục được, chứ cái thằng sáng nay em gửi lên cho anh là thằng con nhà có giáo dục đấy. Từ sau em nghe cái gì cũng phải nghe hai tai, đừng chỉ nghe giáo viên của mình là tin ngay rồi qui chụp lỗi cho học sinh, không để cho chúng được mở miệng ra thanh minh thanh nga lấy một câu. Em lạ gì, có không ít giáo viên của mình lắm khi cũng quá khắt khe, thậm chí cay nghiệt với học sinh”. Ông lỏi con cũng khôn phết, không chỉ giải thích rành rẽ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cho thầy hiệu phó nghe (do thầy yêu cầu) mà còn xin phép được trình bày chi tiết mọi sự việc xảy ra trong giờ họa hôm đó. Nghe xong, thầy gật gù nói luôn: “Thầy tin con là trò ngoan, con về lớp đi”. Thế là ông con hí hửng về lớp. Vào tiết họa tuần sau, cô bạn mình ghé qua lớp học để xem hòa khí cô trò thế nào thì thấy con bé lớp trưởng le te chạy ra. Cô bạn bảo không có chuyện gì đâu, con vào lớp đi. Con bé này vừa chạy vào được một phút lại thấy le te chạy ra lần nữa. Cô bạn mình sực nhớ ra sau hôm xảy ra sự cố, cô dạy họa có bảo cô bạn mình là nếu không tin thì xuống lớp mà đối chất. Chợt hiểu, chắc đây là “đặc phái viên” được cô dạy họa cử ra làm nhân chứng, cô bạn mình bèn hỏi chiếu lệ đôi câu:
– Con ơi, có phải trong giờ học họa tuần trước bạn P nói láo với cô giáo dạy họa không?”.
– Dạ, đúng ạ.
– Thế hôm đó đó bạn P nói gì?
– Thưa cô, lúc đó lớp ồn quá nên con chẳng nghe thấy gì cả.
Nghe cô bạn mình tường thuật lại mình choáng suýt ngã té ghế. Giời đất ơi, không nghe được gì vì lớp ồn mà dám ra làm chứng. Điều đó chắc chỉ có ở Việt Nam, nơi công xưởng giáo dục vĩ đại chuyên chế tạo ra hàng loạt những búp bê biết vâng lời hay những bầy cừu ngoan ngoãn đi nép bên lề. Tình huống thật sự bi hài và mình thấy tội nghiệp cho con bé lớp trưởng, và chắc chắn nhất loạt đứa trẻ nào ở đây cũng sẽ làm như thế bởi ở trong nhà trường ý cô là ý Chúa, cô bảo đứa nào mất dạy, chắc chắn đứa đấy phải là đứa mất dạy, cô bảo đứa nào khốn nạn, chắc chắn đứa ấy phải là đứa khốn nạn,…. Ha ha… ở xứ này điều đó là CHUẨN KHÔNG CẦN CHỈNH. Còn nếu chuyện này xảy ra ở Tây, cầm chắc là con bé lớp trưởng sẽ lắc đầu từ chối ra làm chứng với một câu xanh rờn, dứt khoát “Thật đáng tiếc, thưa cô, em không thể ra làm chứng được vì lúc đó lớp rất ồn, em không nghe thấy gì cả”. Thử hỏi liệu có đứa trẻ con nào ở xứ này đủ tự tin và bản lĩnh để dám nói ra điều đó. Mình dám chắc là không. Ở xứ này, đến cả người lớn có đủ bản lĩnh như thế chắc cũng nhiều như lông lươn, he he….
Công nghệ giáo dục Việt Nam
Và một câu chuyện khác, cũng xảy ra ở lớp ông con mình. Trong giờ sử, cô giáo đã tát bôm bốp vào mặt một thằng học trò với lý do hết sức vô lý, chỉ vì nó quay cái dập ghim vù vù trên tay khi cô đã bước vào lớp. Cái dập ghim của nó nhưng cô cứ khăng khăng bắt nó trả cho bạn và nó kiên quyết không trả vì là….của nó, he he… Và thế là cô tức. Và thế là cô tát, he he…. Chỉ đơn giản thế thôi. Cô này không hiểu sao còn trẻ nhưng đã rất hung hãn, thường xuyên tát học trò, thế mới kinh, hi hi… Điều đáng nói ở đây là trong giờ sinh hoạt cuối tuần, cô giáo chủ nhiệm phê bình thằng học trò đó và yêu cầu mời bố mẹ đến trường. Cả lớp ngồi im thin thít, không đứa nào dám ho he hóc hách câu nào. Thế mà ông con mình bỗng nhiên dám cả gan đứng phắt dậy thưa với cô là bạn ấy hôm nọ hoàn toàn không có lỗi, không nói hỗn láo với cô, tất cả là do cô dạy sử có thái độ không đúng, cô lại còn tát bạn ấy. Thằng con mình vừa can đảm châm ngòi thì cả lũ học trò trong lớp đã vượt qua được nỗi sợ hãi vốn có bèn nhất loạt đứng lên bênh vực bạn, tỏ sự bất bình với thái độ của cô giáo dạy sử. Mình nghe kể chuyện vừa thấy cảm kích và khâm phục ông con đôi chút vì hành động “quả cảm” đó, vừa thấy hơi lo lo, ngài ngại, sợ với cái cung cách đó, bản lĩnh ấy chắc nó lớn lên cũng khó mà sống được cho êm ả ở xứ sở này. Nhưng dù gì thì gì, đã là người thì chí ít cũng phải học cách đủ bản lĩnh để cất lên tiếng nói bênh vực cho lẽ phải, đó là điều đương nhiên, nếu không thì hèn lắm.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giáo viên nào cũng chỉ muốn học sinh lễ phép, ngoan hiền, “kính trên, nhường dưới”. Lớn lên, ra đời, đi làm hầu như lãnh đạo nào cũng chỉ muốn nhân viên ngoan hiền, tăm tắp tuân thủ ý mình. Rồi trong xã hội, chính quyền nào cũng chỉ bằng mọi cách để các thần dân, à quên, thảo dân (he he) hiền lành, ngoan ngoãn như những bầy cừu. Với cái cung cách lễ phép, ngoan hiền hoặc giả là từ trong máu/bào thai, hoặc giả là “thói quen tập nhiễm”, diễn mãi thành quen, thử hỏi không hiểu cả bầy cừu ngoan ngoãn đó rồi sẽ đi về đâu nhỉ? Mà có lẽ cái lễ phép, ngoan hiền cũng chỉ là cái mặt nạ để che cái “gien sợ” đã thâm căn cố đế trong mỗi người mà thôi.
Có lẽ nói thế này cũng không ngoa chút nào, học sinh Việt Nam không chỉ đồng phục ở quần áo mà còn đồng phục ở tư duy, và cả đồng phục ở…. “đạo đức” nữa.
Trời ạ, sao mà thấy kinh sợ cái định hướng giá trị lễ phép, ngoan hiền trong nhà trường, xã hội Việt Nam đến thế!
Minh Phượng says
poc tem poc tem.
Trần Hoàng Anh says
Hihi, bài này hay quá, mà lại đúng 1 trong mấy vấn đề em vô cùng tâm đắc khi học bên này cô ạ! :)) Nhưng chủ yếu em tiếp cận giáo dục VN từ khía cạnh chính trị, bài tập nào cũng phệt vào như vầy ,ắt hẳn các GV “nó” phải ngán lắm đây . . .
Em không biết là có thể tiếp tục comment theo chiều hướng sau đây tại đây hay không, chứ em thấy những vấn đề nêu trên trong XH & trong nền GD VN đều là do “the political cancer” gây ra (và những vấn đề này lại quay trở lại tiếp tay cho cái “cancer” kia). Bởi vậy em nghĩ chưa giải quyết đc vấn đề ctrị thì mọi nỗ lực cải cách GD, (KH, KT, etc.) đều là vô nghĩa. Vì lẽ đó em vẫn luôn quan niệm rằng sứ mệnh GD của bản thân em là giúp phát triển đc 1 (hoặc nhiều :P) thế hệ ng VN có trình độ, có lương tâm, có khả năng và dám suy nghĩ-hành động một cách độc lập cũng như theo nhóm, để một ngày ko xa sẽ “giải quyết” cái vấn đề “cancer” kia.
Đó là đôi điều reflection của em chia sẻ với cô sau khi đọc bài viết, em mong nhận được một số lời khuyên/phản hồi của cô! (nếu cô có tg! :D)
Em cảm ơn cô,
H.A.
Quốc Trịnh says
Nói chi học trò cô, đến giáo viên cũng “ngoan hiền, lễ phép” (trong phiếu đánh giá công chức) mới xong.
Trong các cuộc họp, nhiều ý kiến của Hiệu Trưởng vô lý và sai 100%, GV cũng giơ tay (càng cao càng tốt cho xếp thấy) để biểu quyết, mong đổi lại lời nhận xét ấy của xếp trong đánh giá công chức. Bố thằng nào giám nói lại. xếp phán cho “Lập trường chính trị không vững vàng, chống đối,… phản động” có mà chết. Nhẹ hơn xếp để ý rồi “trọng” nhưng “không dụng” thì có mà làm “phỏng” cả đời ấy chứ.
ttm thanh says
Bài viết này hay quá! hay quá!
Giáo dục như thế chẳng trách ra ngoài rất nhiều học sinh “đầu gấu”, đánh nhau, bỏ học, ăn cắp… chứ đâu có “ngoan hiền”
TNT - Vinh Phuc says
Cam on Co. Em rat chu y cau nay: “học sinh Việt Nam không chỉ đồng phục ở quần áo mà còn đồng phục ở tư duy, và cả đồng phục ở…. “đạo đức” nữa”.
Mrs. HP says
truong em con kinh khung hon co ah. giao vien chu nhiem thu khong cua hoc sinh moi dua gan 5 trieu dong, 45hs la >200trieu nhe, the ma khi hoi phu huynh hop voi nhau de ..kien co, thi hoc sinh goi dien mat bao cho co ..can than. ket qua la: cac khoan chi duoc co lay y kien bieu quyet cua hoc sinh cho bang het so tien da ..tham o, va hoc sinh thi cu nham mat gio tay bat cu khoan nao co hoi den,vi du nhu : lien hoan mung ngay ..27/7…hihihi
Mrs. HP says
hs truong e, co giao chu nhiem trot..thu gian them 5 trieu mot em,(5tr x 46 hs =230tr) den khi bi phu huynh kien, lai con bao hs hay ung ho co ma gio tay bieu quyet bang moi cach tieu cho het >200tr vi neu ko co se bi mat viec, hs thuong co qua nen co bao tieu gi cung bieu quyet het, ke ca ..an lien hoan ngay 27/7. huhu. that buon cho nganh giao duc nuoc nha co oi
Đinh Trung Nguyệt says
Cô ơi, em đang gặp phải hoàn cảnh éo le quá mà không biết có đử sức vượt quá được không. Em rất cần được xin ý kiến của cô.Mong được cô sẵn lòng giúp đỡ.
nthiphuonghoa says
@ ĐInh Trung Nguyệt:
Cần gì thì viết mail nhé. Nếu khả năng giúp được gì cô sẽ giúp cho.
PHAP HUỲNH says
Giáo dục VN đào tạo nô lệ mà Cô!hihi
quang huy says
đi học thây cô luôn đúng,sinh viên mà cãi lại du là dúng.thì vẫn chỉ thiêt thòi nếu lệch sóng giáo viên.vì quyền sinh quyền sát trong tay giáo viên ma.nên bệnh hèn mắc phải từ bé rui.cô ơi!làm sao để hết bệnh hèn hả cô.
Hai Ha says
Bai viet hay qua chi a!
Hom no em doc bai nay, thay giong o VN minh qua…
http://www.spiegel.de/schulspiegel/ausland/als-lehrerin-in-china-frontalunterricht-wenn-schueler-verstummen-a-824352.html
Nhàn says
Hix, em vẫn ám ảnh hổi cấp một. Cái bà giáo của em như kiểu tại em xấu gái, con nhà nghèo hay sao mà bà ý cứ nhìn thấy em là cái mặt như đâm lê, như kiểu muốn cho ăn mấy cái tát ý.
Đúng là ám ảnh ơi là ám ảnh :sigh: