Tốt nghiệp Đại học, tôi ra trường chờ xin việc. Nghĩ rằng với tấm bằng cử nhân khoa học, tôi sẽ tìm được việc làm theo đúng chuyên môn mình đã học. Để cho ăn chắc, tôi làm hẳn 10 bộ hồ sơ xin việc. Thật may mắn những nơi tôi đến đều nhiệt tình tiếp nhận hồ sơ và nói rằng khi nào cần họ sẽ gọi. Đợi mãi không biết khi nào họ cần, để tồn tại tôi loay hoay đi kiếm miếng ăn. Kiếm ở đâu? Tôi đến các trung tâm giới thiệu việc làm.
Ngày 25/9/2004 tôi đến văn phòng giao dịch 24/370 đường Cầu Giấy (Hà Nội). Tiếp tôi là một chị còn rất trẻ. Chị tư vấn cho tôi đủ loại việc làm với mức tiền lương hấp dẫn: trực điện thoại, lương khởi điểm 600.000 đồng + thưởng; bán điện thoại di động, lương khởi điểm 1,2 triệu đồng + thưởng…Cuối cùng tôi chọn việc bán quần áo thời trang (lương khởi điểm 700.000 đồng + thưởng). Hồ sơ được lập tại chỗ, tôi nộp lệ phi 30.000 đồng. Trung tâm hẹn tôi 3 ngày sau quay lại, có người đưa đi nhận việc và nộp luôn 30% tháng lương đầu. Đúng hẹn tôi quay trở lại, chị nhân viện nọ nói rằng: “Chỗ gần thì đã hết rồi, để từ từ sắp xếp đã, khi nào có chị sẽ gọi điện, em không cần phải đến đây. Thực ra bây giờ cũng có việc làm ngay nhưng phải làm ca đến 22h, em có đi được không?”. Biết vậy tôi đành phải đợi và thử đến một trung tâm giới thiệu việc làm khác nằm trên đường Láng (TT Hòa Phát). Ở đây tôi gặp 4 chị nhân viên còn rất trẻ. Một chị bàn ngoài đang tranh thủ ngồi đọc truyện tranh, 3 chị còn lại đang làm hợp đồng. Tôi được giới thiệu nhiều việc làm ngay với mức lương cao + thưởng. Tôi cũng hơi mừng vì nghĩ là mình tìm đúng chỗ. Tôi nhận bán quần áo ở Chùa Bộc, lương khởi điểm 900.000đ cộng thưởng. Làm hợp đồng xong chị nhân viên hẹn tôi sáng mai đến sớm đi nhận việc. Đúng hẹn, tôi đến thì chị nhân viên nọ xin lỗi vì cửa hàng nọ mới báo lại là đã nhận đủ người. Chị sẽ giới thiệu cho một địa chỉ khác. Để có việc làm ngay, tôi chấp nhận đến Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch 100/15 Đội Cấn, nộp lệ phí thêm 80.000đ để làm văn phòng, trực điện thoại như lời giới thiệu. Đến ngày nhận việc, tôi mới biết là họ giao cho tôi đi phát tờ rơi giới thiệu giá vé các tua du lịch trong nước. Tôi chán nản bỏ cuộc mà không thể bắt đền ai khi biết rằng chính các nhân viên giới thiệu việc làm đã lừa đủ cách khi họ cũng thất nghiệp như tôi.
Vì tôi học Sư phạm nên tôi vẫn muốn được đi dạy học. Tôi nhận làm gia sư. Qua trung tâm gia sư, tôi phải nộp lệ phí là 50% tháng lương đầu. Khi đến gặp gia đình học sinh, họ đòi tôi phải trình bằng tốt nghiệp ĐHSP, yêu cầu tôi phải là con nhà gia giáo. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng họ yêu cầu cô giáo phải là người Hà Nội. Trở lại trung tâm, tôi được giới thiệu một địa chỉ khác, là dạy học lớp 2. Mẹ cháu bé, sau khi biết là tôi dạy cấp III thì khăng khăng từ chối vì cho rằng tôi không thể dạy dược con chị. Tôi đem chuyện này kể lại cho anh tôi, anh cười bảo: “Chị ấy từ chối là phải, cô biết mổ gà đấy nhưng cô chưa luộc trứng bao giờ thì cô không thể luộc chín trứng được”.
Một Vip của sân bay Nội Bài mời tôi đến nhà dạy cho con đang học lớp 5. Ông ta bảo: “Cháu nó không cần học giỏi, chỉ cốt lên lớp đều. học làm gì cho thần kinh căng thẳng. Nếu thích thì học hết phổ thông cho đi du học lấy tiếng, chứ tiền bạc thì phải ba đời nữa chưa chắc đã xài hết”. Nghe ông nói thế, tôi đành phải từ chối khéo. Không biết cách suy nghĩ như vị phụ huynh này thì rồi đây thế hệ tương lai sẽ như thế nào?
Ông anh họ tôi học chưa hết lớp 5, làm thuê trầy trật, vừa rồi bán được mảnh đất mặt đường, thế là đổi đời. Anh ấy mua ngay một chiếc ô tô tải đi chở thuê. Tuần trước tôi về quê, đang đi bộ mệt mỏi thì nghe tiếng anh gọi: “Mày về đấy à? Hồi này ở đâu, làm gì?”. Nghe tôi kể lại, anh ấy cười hề hề bảo tôi rằng: “Chúng mày học cho lắm vào. Bây giờ thời buổi mở cửa, phải năng động, phải nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của thực tế cuộc sống, phải…”. Tôi sốt ruột ngắt lời anh: “Xin phép anh, anh mắng thế đủ rồi đấy. Hãy tư vấn cho em một việc cụ thể”. – “Thì anh nói rồi! Lãnh đạo bao giờ cũng nêu chung chung về những nét lớn. Hiểu chưa?”.
————————————–
Bài viết của học viên cao học Đinh Thị Thu Hằng (với bút danh Thu Nguyệt) gửi cho phuonghoa.edu.vn (bài đã đăng trên Báo Nhân đạo và đời sống, số 22 – 2004).
Khách says
ko ngờ thời buổi này kiếm việc lại khó thế.