VĂN GIÁ
Nói ra bảo lạ, làm cái anh đàn ông có muốn ngắm nghía gì thì ngắm đám đàn bà con gái chứ ai lại đi ngắm…người cùng giới. Nhưng mà với riêng tôi, tôi thường có một niềm vui, thật bình yên và tin cậy, mỗi khi có dịp gặp thầy Nguyễn Đình Chú, tôi hay ngồi im lặng ngắm thầy. Ngắm thầy đang trò chuyện. Ngắm thầy cười vui. Ngắm thầy lắc đầu thất vọng. Ngắm thầy hỏi han người khác…Thầy là người mang một gương mặt đẹp. Đẹp ở đây trước hết hiểu theo nghĩa…đẹp giai (vào tuổi ngoại bát tuần như thầy bây giờ thì nên gọi là đẹp lão). Thời trẻ tuổi, thầy thuộc diện đẹp giai, chắc hẳn không ít các em mê. Đẹp còn được hiểu là một gương mặt phúc hậu nữa. Rất lạ, quan sát người ta lúc về già, người nào càng có tấm lòng nhân hậu lớn, người đó càng có một gương mặt đẹp. Cái đẹp ở đây thuộc về nhan sắc đã đành. Nhưng để có được nhan sắc ấy, không phải chỉ do trời ban cho, mà còn do cái đức nhân hậu trong tâm hồn tác động lên đường nét, thần thái, làm cho gương mặt đẹp hơn lên. Rất nhiều lần, ngồi đối diện với thầy, tôi thường ít nói, hay đúng hơn, tôi muốn im lặng để được nghe thầy nói và ngắm nghía. Ngắm gương mặt ấy theo cung cách của người yêu kính, hay hơn thế, của người đáng tuổi con đang ngắm một người thầy cỡ tuổi cha mình…
Nhớ lại cái đận những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thầy vẫn còn ở bên Đồng Xa, trên tận tầng tư chót vót, chúng tôi thường hay sang thăm thầy. Chả mấy khi thầy có nhà. Nghe bảo thầy cũng là một … “con nghiện” tổ tôm thượng thặng. Thường thì cô hay tiếp đám học trò chúng tôi. Cô tịnh không than phiền gì về thầy cả. Cô chỉ bảo thầy đi vắng, thế thôi. Có lần vui chuyện hỏi thầy đã khi nào đi tổ tôm về khuya cô cho…đứng ngoài chưa? Thầy cười hiền hậu, không trả lời vào câu hỏi, kể sang chuyện khác, chuyện một thầy giáo cùng xóm cũng mê tổ tôm. Có lần, vào một tối nọ, thầy ấy nể vợ, chắc là có ý muốn chuộc lỗi với vợ nên nhận bê chậu quần áo xuống vòi nước công cộng trong xóm để giặt. Đi giặt thế quái nào đến tận khuya vẫn không thấy về. Cô vợ và các con ở nhà lo sốt vó, bổ xuống tìm. Hỏi han các bà trong xóm lúc đi giặt có nhìn thấy đâu không thì chả ai thấy ông ấy giặt giũ khi nào cả. Linh tính mách bảo, cô ấy bủa lên nhà thầy Chú. Hóa ra các cụ đang ngồi rung đùi bát sách thông tôm… quên trời quên đất. Cô ấy không thèm nói gì, bê chậu quần áo chưa giặt quầy quả bước về, nước mắt giàn giụa…Kể đến đây, thầy cười lất ngất, tôi nhìn thấy trên mắt thầy loáng nước. Thầy hạ một câu: “Cái người phụ nữ ở xứ mình khổ thật đấy…”.
Tôi là học trò của thầy những năm cao học. Nhờ đấy mà chúng tôi được học thầy, được quen thân đi lại với thầy. Sau đó lại làm nghiên cứu sinh. Cái năm thi vào nghiên cứu sinh, hôm thi môn Lịch sử văn học Việt Nam chỉ có mấy người. Sáng thi. Chiều tình cờ gặp thầy ở lối vào văn phòng khoa. Chỉ định chào thầy một câu rồi đi, ai dè thầy vẫy tay lại bảo: “Này cậu, có mấy bài làm của các cậu đặt cạnh nhau mà thấy chênh nhau một trời một vực”. Tôi đâm lo lo. Lòng hoang mang không biết mình là trời hay là vực đây. Mạnh dạn hỏi thầy, thầy cười tươi bảo: “Cậu thì còn lo gì nữa. Bài của cậu khá đấy”. Tôi cười xòa, hết lo, lại đùa tếu với thầy: “Vậy chắc bài của em là trời thầy nhỉ”. Thầy cười thật giòn và hiền hậu xiết bao…
Học xong cao học, tôi xin được việc ở Hà Nội, một cơ quan hào hiệp đón tôi. Phải làm thủ tục chuyển từ Bộ nọ sang Bộ kia. Đến khổ. Một hôm, tôi mò lên Vụ tổ chức- Bộ GD, vào phòng gặp một ông trung niên nói giọng miền trong. Nghe tôi trình bày, ông ta hất hàm bảo: “Anh đang ở địa phương, ra Hà Nội làm gì?”. Tôi há hốc mồm, định hỏi lại thế ông từ miền trong sao không ở trong ấy mà lại đang chễm chệ ngồi đây là cớ làm sao…Nhưng rồi tôi im lặng không nói gì. Ông ta kiên quyết không chấp nhận đơn. Tôi ra về lòng đầy tức giận và thất vọng, tức bởi cái cung cách hạch sách vô lý của ông ta. Trong khi đó bên cho đi lẫn bên nhận đã đâu vào đấy cả rồi. Về phòng trọ, nằm gối đầu lên cánh tay không ngủ được, nghĩ cách. Càng nghĩ càng bế tắc. Tiền không có. Ô dù thì không. Chẳng quen biết ai có thế lực ở cái xứ này. Thôi, hết nước rồi. Cái mộng ở lại Hà thành phen này dễ tan thành mây khói. Tự nhiên sực nhớ đến thầy Chú. Lập tức vùng dậy. Có thể thầy giúp được việc này. Thầy là người đức cao vọng trọng. Thầy lắm học trò. Nhiều học trò của thầy làm quan to trên Bộ. Hoặc là bạn bè của thầy không thiếu, có ông chức tước cao chất ngất…Hôm sau, lòng phấp phỏng sang thưa chuyện với thầy. Thầy bảo đã có chỗ nhận rồi mà không về được kể cũng phí nhỉ…Một lúc sau thầy bảo cái ông trên Bộ phụ trách khoản này ngay cạnh nhà tớ chứ đâu xa, để tớ nói cho một tiếng xem “nghỉ” có giúp được không, chắc là được, chả lẽ “nghỉ” lại không giúp tớ…Nghe mà mở hội trong lòng. Vâng, thầy cố giúp em, đây là cơ hội ngàn vàng, em chưa vợ con gì, chỉ có một thân một mình thôi, nếu mà được ở lại đây em cố gắng phấn đấu khỏi mang tiếng thầy…Đại loại vậy. Đúng hẹn, ba ngày sau tôi sang, thầy bảo tớ với cậu sang bên nhà ông ấy có lời cảm ơn một câu. Trời, tôi bất ngờ quá, bảo thế thì thầy chờ em xuống mua ít trái cây, chả lẽ lại đến tay không ư? Thầy bảo không cần, miễn là có lời với người ta cho nó có trước sau là được rồi. Tôi nghe thầy, cùng thầy sang. Tôi khép nép ngồi bên thầy, chả biết ăn nói thế nào. Vị quan chức hào hiệp ấy hỏi han tôi đôi câu rồi động viên công tác hãy cố gắng cố gắng…Ôi chao, cái thời ấy nó thế, vô tư thế. Hay nói đúng hơn, cái uy của thầy lớn thế, đi vào chỗ quan chức Bộ cứ như đi vào chỗ không người, chẳng phải phong bao phong bì túi to túi nhỏ cửa trước cửa sau gì…Sao mà vẫn có người quý giá thế!
Thế là tôi ở lại Hà Nội. Năm năm tháng tháng, thỉnh thoảng sang thăm thầy, thỉnh thoảng được gặp thầy chỗ nọ chỗ kia, thỉnh thoảng lại đọc thầy. Lạ thế, khoảng mươi năm nay ngòi bút thầy cứ như thể được …hồi xuân, viết liên tục, đăng đàn liên lục, hội thảo hội nghị nọ kia liên tục. Ngòi bút Nguyễn Đình Chú vẫn rất học thuật mà lại rất tươi mới. Văn viết thâm hậu mà lại linh hoạt, trẻ trung.
Tôi để ý mấy năm trở lại đây, ngoài công việc nghiên cứu văn học sử và giảng dạy như thường lệ, thầy hay tập trung vào mấy chuyện: thứ nhất, thầy nhìn lại một số gương mặt trí thức thời trước mà cho tới hiện giờ vẫn còn bị ít nhiều định kiến hoặc cuộc đời của họ bị nhiều thứ thiệt thòi; thứ hai, thầy quan tâm tới vấn đề văn hóa đương đại của dân tộc trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống và nhân loại. Ở loại công việc thứ nhất, tôi thấy thầy viết bài về các học giả Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Hoài Thanh, Nguyễn Đức Vân…Thầy đề xuất việc cần phải đánh giá lại Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đặc biệt khâm phục sự trung thực trong nhân cách khoa học ở thầy. Cách đây gần 10 năm, khi viết về học giả Phạm Quỳnh, thầy có nói công khai cái ý rằng trước kia, cũng theo cái trào lưu chung, bị cái nhãn quan giai cấp luận nó chi phối mà thầy đã phê phán cụ Phạm Quỳnh hăng hái quá mức, bây giờ nghĩ lại thấy có phần day dứt (Xem bài Thượng Chi bàn về tiểu thuyết của GS Nguyễn Đình Chú). Tôi nghĩ, ở cái tuổi như thầy, với uy tín như thầy, nếu không nói ra những điều ấy, chắc cũng chẳng mấy ai biết, nhất là từ thế hệ chúng tôi trở đi. Nhưng bằng sự trung thực, và cả lòng dũng cảm nữa, thầy đã nhận lỗi về mình một cách đàng hoàng. Chẳng sao! Nhận thức là một quá trình. Con người có quyền sai. Điều quan trọng là dám nhận và biết sửa. Đó là một thái độ đáng kính trọng. Không phải vị nào cũng có được cách ứng xử đẹp đẽ này. Nhìn lại thế hệ thầy và sau thầy một chút, có những người trước đây nói sai, viết sai, đến giờ không khi nào tự mình nhắc lại và thừa nhận. Có người lại bất nhất, trước nói thế này, sau nói thế khác, và làm cứ như là mình không bao giờ sai, cũ; rằng cái sai, cũ thuộc về người khác, mình vô can, mình thuộc loại người thức thời, đổi mới…GS Nguyễn Đình Chú không thế. Thầy đã tiến gần tới sự đạt đạo.
Với loại công việc thứ hai, thầy là người suy tư nhiều tới vấn đề văn hóa. Đặt ra vấn đề sự áp đảo của văn minh văn hóa phương Tây đối với phương Đông từ những năm 90 của thế kỷ trước (xem bài Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thần truyền thống) cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự của nó. Hoặc khi bàn về Nho giáo và vấn đề nghiên cứu, học tập Nho giáo ở nước ta trong những năm qua và hôm nay, GS Nguyễn Đình Chú đã chỉ ra những hạn chế đã mắc phải và đề xuất phải thay đổi cách tiếp cận: từ chỗ chỉ biết đến giai cấp luận, hình thái xã hội luận cần chuyển sang văn minh luận, văn hóa luận, nhân tính luận (xem bài Nho giáo với hôm nay). Đây là một đề xuất thật sắc sảo và hết sức quan trọng đối với giới nghiên cứu Nho giáo nói chung và các nhà hoạch định chính sách quốc gia nói riêng. Ở nhiều bài viết khác, với nhiều vấn đề khác, từ các trường hợp cụ thể cho tới các vấn đề tổng quát, GS Nguyễn Đình Chú vẫn thật sắc sảo, chí lý chí tình. Lắm lúc nghĩ thầm: Ông giời cho thầy mình đến tuổi này vẫn sáng láng mẫn tiệp như thế thật là mừng, và thầy xứng đáng được ân hưởng như vậy. Lại nghĩ, đến lượt mình, chỉ mong sao được một phần như thầy mình, nghĩa là ngoại 70 một tẹo cũng đã là quý lắm. Mình là loại “Hơn nửa đời hư”, nếu giời có phạt cũng chẳng lấy làm ân hận…
Thầy Nguyễn Đình Chú ngoài tư cách là một giáo sư Đại học, đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó có không ít gương mặt thành danh, thầy còn là một học giả uyên bác. Suốt hơn 50 năm dấn thân vào con đường nghiên cứu, thầy để lại nhiều công trình với nhiều mức độ đóng góp khác nhau. Tuy nhiên thầy là người chí lười thu gom các tiểu luận, công trình lớn nhỏ để dựng tập. Ở Khoa văn Sư phạm có những người thầy như thế. GS Nguyễn Hoành Khung cũng lười không kém. Mặc dù trước tác của các thầy khá đầy đặn, nhưng các thầy cứ … “để gió cuốn đi”. Bảo là lười cũng không oan. Nhưng hình như còn có điều này: các thầy cũng là người không tha thiết lắm cái chuyện dựng bia tạc tượng cho mình thì phải… Gần đây, nghe nói có mấy đệ ruột của các thầy đang bỏ công sức ra sưu tầm, tuyển chọn để làm tuyển tập cho các thầy. Nghe đâu công trình tuyển tập của GS Nguyễn Đình Chú đã lên tới độ dày hơn 4000 trang chưa hết. Khiếp thế!
Trong Nho giáo có câu: “Hối nhân bất quyện”, nghĩa là dạy người không biết mệt mỏi nhằm tôn vinh cho những người thầy suốt đời làm nghề dạy học mẫu mực. Thầy Nguyễn Đình Chú trong tư cách là một nhà giáo thật xứng đáng với danh ngôn ấy. Cho đến tận bây giờ, thầy vẫn dạy chuyên đề cho các lớp cao học, nghiên cứu sinh, rồi nhận lời hướng dẫn cho các học viên của những lớp đó. Riêng trong tư cách là một nhà nghiên cứu văn học, Nguyễn Đình Chú là một học giả thông kim bác cổ, Hán học thông thạo, Pháp văn làu làu. Thày và những người thuộc trang lứa với thầy được coi là một thế hệ vàng trong nền học thuật văn học nước nhà. Những mẫu người theo kiểu như thế ngày một hiếm hoi.
Có hôm nhìn thấy thầy vẫn ngồi trên cái xe máy Charly phóng ve vé trên đường ngàn ngạt những ô tô xe máy khác, tôi cứ lắc đầu lè lưỡi về thầy. Khiếp quá, ngộ nhỡ…Thôi thầy ạ, bây giờ có đến nỗi khổ như trước nữa đâu mà thầy tiết kiệm thế, đi đâu thầy cứ Taxi mà đi cho nó sướng cái thân không hả thầy? Thầy lại tủm tỉm cười cười: “Mình thấy còn sức mình mới đi chứ. Với lại Taxi nó không được chủ động. Đi xe máy cũng có cái thú của nó…”. Giời ạ. Con xin vái cụ ba vái. Đến chúng con cũng đã đến lúc ngán đi xe máy rồi cụ ạ. Nhưng lại nghĩ, vâng, nếu mà vẫn cảm thấy đi xe máy có cái sướng hơn ô tô thật thì cụ cứ việc đi. Chứ đến ngoại 80 rồi thì cũng chẳng nên phải bỏ đi cái khoái thú riêng nào thầy nhỉ. Những mong thầy vui sống, vui viết, và vui… xe máy đều đều.
Mấy thầy trong tổ Văn học Việt Nam 2 bên khoa Ngữ văn – ĐH Sư phạm Hà Nội là chúa hay đùa, thỉnh thoảng tán chuyện lại trêu chòng thầy Chú: “Người đâu mà cứ…đẹp giai mãi”. Cái câu đùa này đã có dễ đến mấy chục năm rồi, tuyệt nhiên không để nói về ai, chỉ dành riêng cho thầy Chú. Sướng thế!…
Hà Nội, Tết Độc lập 2010
VG
Khách says
Đọc mà nghĩ kể hồi xưa có danh hiệu HOT BOY của khoa hay trường gì đó là thầy Chú chắc chắn được phong rồi hehe
Khách says
@ Nhung:
ha ha… ý tưởng hay đấy. Ông Chú là HOA HẬU TỔ VĂN 2 đấy chứ!