Hôm thứ hai vừa rồi (1.7.2013) đọc được trên tờ báo Frankfurter Allgemeine của Đức bài trả lời phỏng vấn rất hay của Giáo sư Wolfgang Arlt (do Christian Geinitz thực hiện).
GS. W. Arlt
Ở Đức, Giáo sư Wofgang Arlt được xem như một trong những người am hiểu rõ nhất về văn hóa Trung Quốc. GS Wolfgang Arlt dạy Quản trị du lịch tại trường Đại học West-kueste tại Heide (Holstein). Ngoài ra, ông còn lãnh đạo viện Viện Cotri (do ông thành lập), nơi thực hiện nghiên cứu về thái độ của người Trung Quốc khi đi du lịch nước ngoài. Ông học chuyên ngành Trung Quốc học và Chính trị học tại Đại học Tự do (FU) của thành phố Berlin quê hương ông. Từ năm 1978 đến nay, ông đã đến Trung Quốc khoảng 130 lần.
Đọc xong bài phỏng vấn càng thấy người Việt mình nhiều điểm giống người Trung Quốc. (tuy Trung Quốc lắm người giàu hơn) và những người giàu của họ cũng có thể thay bằng từ “trọc phú”. Càng ra bên ngoài biên giới, tính “trọc phú” của họ càng có cơ hội thể hiện mạnh mẽ. Sực nhớ đến một câu nói khá hay trong cuốn tiểu thuyết “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu” (của Kỷ Đạt) và càng thấy thấm “Giới trẻ Trung Quốc ngày nay rất nghèo, không có gì cả, ngoài tiền”.
Mà chắc gì đã chỉ giới trẻ.
Lại càng không chỉ ở Trung Quốc.
Thấy bài phỏng vấn rất hay nên mình dịch ra chia sẻ với mọi người.
—————————————
“Người Trung Quốc thích nước Đức”
Giáo sư Wolfgang Arlt, nhà nghiên cứu về du lịch nói về Sự im lặng trong khi ăn có hại cho sức khỏe, về độ hấp dẫn của Các Mác và về món Labskaus. (một món ăn đặc sản vùng Bremen-người dịch)
Thưa GS Arlt, chúng ta đang ngồi trong một quán “vườn bia Đức” đông nghịt khách giữa Bắc Kinh. Tại sao lắm người Trung Quốc cứ phải gồng mình lên với Bia và món Leberkaese thế nhỉ? (một món đặc sản vùng Bayern-người dịch)
Đối với nhiều người, đó cũng như một chuyến du lịch nhỏ đến Đức, đôi chút cảm giác lạ lẫm. Ông nhìn sang bàn bên cạnh mà xem, một người đàn ông đang ăn món chân giò nướng. Điều đó được xem như một minh chứng hùng hồn ông ấy muốn chỉ cho mọi người thấy đẳng cấp quốc tế của mình như thế nào. Thì cũng giống như chúng ta đặt món rắn vậy.
Một minh chứng xem chứng quá đắt, nửa lít bia giá qui đổi ra những 8,20euro.
Tiền ở đây không thành vấn đề, chuyện vặt đối với giới thượng lưu. Các công viên vui chơi giải trí ở đây cũng đắt. Một thành ngữ Trung Quốc nói rằng ai đã đi du lịch thì không được phép bủn xỉn (tựa câu “ăn chơi không sợ mưa rơi” như cách nói của giới trẻ Việt- người dịch). Người Trung Quốc chi nhiều tiền cho kì nghỉ phép nhiều hơn các nước khác, bởi vì họ muốn chứng tỏ rằng họ sẵn tiền.
Điều đó cũng đúng khi họ ra nước ngoài?
Đúng thế. Năm 2012 người Trung Quốc lần đầu đã soán ngôi vô địch của người Đức về du lịch và đã chi hơn 100 triệu đô la khi du lịch nước ngoài.
Vì sao người Trung Quốc thích đi du lịch?
Những chuyến du lịch tới những vùng đất xa xôi là một biểu tượng của đẳng cấp. Ai có một ngôi nhà đẹp, chiếc ô tô sang trọng và con trai du học ở một trường đại học nước ngoài, cũng chính là họ đang đầu tư cho những chuyến du lịch tiếp theo. Khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng nhiều người Trung Quốc thực ra không thích đi du lịch. Họ ghét những chuyến bay dài, ghét thời tiết hoặc các món ăn ở những nơi chốn họ đến. Thế nhưng, thường khi người ta thích khoe túi Gucci hay xe ô tô Audi, thì người ta cũng thích có thể khoe với người khác những chiếc ảnh chụp tại Sydney. Điều đó cũng mang lại lợi ích khi làm ăn. Ai có thể tiêu xài ở New York thì cũng xứng đáng được cấp cho cái thẻ credit.
Tập đoàn Wanda đang định xây tại Luân Đôn một khách sạn Trung Quốc sang trọng đầu tiên. Ở Luân Đôn chưa đủ khách sạn sang trọng hay sao?
Đủ rồi, tuy nhiên, chưa có cái nào phù hợp riêng cho người Trung Quốc. Tập đoàn Wanda định xây ở nước ngoài các khách sạn của người Trung Quốc dành riêng cho người Trung Quốc. Điều đó quả là thông minh. Thêm nữa, các nhà đầu tư Trung Quốc ở châu Âu từ lâu đã rất năng động.
Các khách sạn bình thường không đủ sức thu hút?
Các khách sạn phạm nhiều sai lầm, bởi thế, phần lớn người Trung Quốc không hài lòng với các dịch vụ ở châu Âu. Sai lầm ngay từ câu nói đầu tiên tại quầy lễ tân vì trong tên của người Trung Quốc thì họ đứng trước. Hoặc khách Trung quốc hay bị nhầm thành người Nhật Bản, điều đó là không thể được.
Sự khác biệt về văn hóa lớn đến thế?
Rất lớn! Ở phương Tây, tại quầy lễ tân, phụ nữ là người luôn được nhận chìa khóa trước, ở Nhật Bản là đàn ông, còn ở Trung Quốc là Sếp, bất luận là đàn ông hay đàn bà.
Người ta không thể bỏ qua những điều đó?
Không thể, nếu nhạy cảm như phần lớn người Trung Quốc. Họ thường suy diễn rất nhanh, mặc dù không ai coi thường hay không tôn trọng họ cả. Ngoài ra, ai trả ở Paris 600Euro cho một phòng nghỉ hạng sang ở khách sạn thì có thể đòi hỏi những người khác phải tôn trọng họ chứ không phải ngược lại.
Ngay cả khi ăn?
Tất nhiên rồi! Ví dụ như người ta phải chấp nhận rằng người Trung Quốc rất ầm ĩ trong các nhà hàng. Đấy không phải vì họ thô lậu mà là vì lí do sức khỏe. Họ nói rằng: Ai im lặng trong khi ăn thì sẽ bị nghẹn.
Thế còn với các món ăn Trung Quốc thì sao?
Ở các khách sạn phương Tây từ lâu đã có buffet Sushi vào bữa sáng cho người Nhật, tuy nhiên còn chưa có món cháo, sữa đậu nành hay món rau xào cho người Trung Quốc. Những món đó các khách sạn cần đưa vào, mặc dù khách Trung Quốc có thể sẽ ăn món Cornflakes. Điều này liên quan đến việc chứng tỏ sự tôn trọng khách du lịch cũng như nhấn mạnh sự bình đẳng của họ. Thêm vào đó cũng nên có các biển chỉ dẫn và các thực đơn bằng tiếng Trung Quốc.
Nếu chúng ta nhìn thấy ở Vơ-ni-dơ có nhà hàng nào có tấm biển đề “Chúng tôi nói tiếng Đức”, chắc chúng ta sẽ không bước chân vào.
Người Trung Quốc lại đánh giá rất cao điều đó. Ngành kinh doanh khách sạn, nhà hàng cũng nên để ý đến điều đó. Tôi vừa ở Berlin trong một khách sạn với 150 kênh truyền hình khác nhau, từ Peru, Brazin và khắp nơi trên thế giới. Chỉ có một kênh truyền hình duy nhất từ Trung Quốc, mà lại bằng tiếng Anh.
Người Trung Quốc còn muốn gì nữa?
Muốn có nhiều nhân viên phục vụ. Người Trung Quốc không thích chờ đợi và muốn được phục vụ. Tôi ước tính rằng khách sạn Wanda ở Luân Đôn sẽ phải tuyển đội ngũ nhân viên phục vụ nhiều gấp 5 lần so với các khách sạn khác, đấy là tính khi có đủ khách.
Thế còn bên ngoài khách sạn thì sao?
Nếu hướng dẫn viên du lịch ở Aachen có thể nói ”Hoàng đế Charlemagne sống cùng thời với triều đại nhà Đường” tức anh ta đã thành công.
Khách du lịch Trung Quốc quan trọng như thế nào đối với nước Đức?
Số người Trung Quốc đến Đức du lịch chưa thật nhiều. Năm 2012 chúng ta có khoảng một triệu khách du lịch Trung Quốc, ít hơn khách du lịch đến từ Hà Lan hay Thụy Sĩ. Số đêm lưu trú là 1,5 triệu. Người Trung Quốc chỉ ở lại Đức rất ngắn. Hầu như Đức chỉ là một phần của chuyến du lịch châu Âu, mỗi điểm đến chỉ dừng lại rất ngắn. Đến như nhà Các Mác ở Trier cũng chỉ có khoảng một phần mười khách du lịch Trung Quốc vào thăm bên trong, những khách còn lại chỉ đứng chụp ảnh phía trước ngôi nhà.
Vai trò của khách du lịch Trung Quốc có bị đánh giá quá mức?
Không bao giờ. Chúng ta mới đang bắt đầu. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đức tăng rất nhanh, khoảng 20% mỗi năm. Không một quốc gia nào khác có thể làm được điều đó, ngoài Trung Quốc.
Người ta có thể tận dụng điều đó như thế nào?
Tại sao lại không tổ chức ở Bremen một khóa dạy nấu món “Labkaus” bằng tiếng Trung Quốc, tốt nhất là nên tổ chức tại tòa thị chính lịch sử? Có Video và chứng chỉ mang về, có sự xuất hiện của lãnh đạo thành phố với câu chào “Nỉ hảo”. Ai muốn ngồi vào ghế của thị trưởng thành phố để chụp ảnh thì trả 150 Euro. Có thể chúng ta thấy điều đó là dở hơi, nhưng người Trung Quốc thích như thế.
————
N.Thị Phương Hoa dịch
LinhLinh says
Hay quá cô nhỉ, giống người Việt mình thật đấy. Khi dạy về khác biệt văn hóa, em xin phép lấy một vài ý dẫn chứng cô nhé… 🙂
hoanghanhphuc says
E dịch tốt thế! Đa tài quá e ơi. 🙂
nthiphuonghoa says
@ hoanghanhphuc:
Có gì đâu chị, đọc thấy buồn cười thì chuyển ngữ tí cho bà con cười cùng cho vui thôi mà chị.
@ Linh Linh:
Ối giời, cứ thoải con gà mái đê….
Trần thị Hồng Hà says
Bài dịch của Hoa rất hay. Nhân nói về người Trung Quốc,mình rất thích bài viết của Mark Kitto trên báo văn nghệ số 22 ngày 1/6/2013, nhan đề “Chúng ta không thành người Trung Quốc được đâu”. Bài viết rất hay, sâu sắc và am hiểu người Trung Quốc vô cùng. Càng thấy buồn quá vì xã hội mình đang giống hệt như vậy nhưng còn nhỏ lẻ và kém bản sắc hơn.
Bac Ha says
😆
Anh Tran says
Cám ơn cô, bài viết rất sâu sắc và dí dỏm!