Theo Thanh Huyền – Báo Đất Việt – 8 Sep 2014
“Hiện nay, lớp trẻ nhận thức được cần cù là đức tính vốn có của người Việt là điều tốt, nhưng quan trọng là có thực hiện được như vậy hay không?”.
Đó là câu hỏi được PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đặt ra trước việc đánh giá người Việt có tính cần cù, nhưng lười từ việc nhỏ.
Chỉ thấy lợi ích trước mắt
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước. Khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều lựa chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Quan điểm của ông ra sao trước kết quả này, đây có được coi là một tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của giới trẻ?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Đức tính cần cù có trong con người VN từ xưa đến nay, vì chúng ta xuất phát là người nông dân lao động chân tay. Mà đã là nước nông nghiệp thì phải cần cù, chịu khó, đó là tính cách bắt buộc phải có thì đúng hơn.
Hiện nay, lớp trẻ nhận thức được cần cù là đức tính vốn có của người Việt là điều tốt, nhưng quan trọng là có thực hiện được như vậy hay không? Mà nói thẳng ra thì hiện nay nhiều sinh viên đi làm việc cũng không thấy tính cần cù ở đâu. Cảm nhận, suy nghĩ là một chuyện, nhưng hành động thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác.
PV:- Điều đáng nói ở đây là khi nhìn nhận vào thực tế thì xuất hiện một viễn cảnh hoàn toàn khác. Từ những việc nhỏ nhất như ý thức vệ sinh công cộng kém, vứt rác bừa bãi nên dẫn đến ô nhiễm môi trường, trồng rau cũng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, có nghĩa đầu tư thời gian ít nhưng thu được lợi nhuận nhiều. Cho đến việc lớn hơn đó là thông tin Việt Nam phải chi tới 500 triệu USD năm 2013 để nhập khẩu hạt giống rau củ, trong khi chúng ta lại là một nước nông nghiệp, cuối cùng hiện nay nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Trong khi đó, hơn 30% số lượng công chức hiện nay lại trong tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Vậy chúng ta phải hiểu nghịch lý giữa nhận thức của giới trẻ và thực tế này như thế nào? Đó là thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận đúng không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Đây là những đức tính coi nhẹ cái chung, cái trật tự quy định chung, chỉ biết đến cá nhân.
Ngay chuyện vi phạm vệ sinh công cộng, trật tự an toàn, cũng minh chứng cho việc mặc kệ lợi ích cộng đồng. Điều này được lý giải chính là vì tính cách của người Việt mình là nông dân nên tầm nhìn hẹp hòi, với suy nghĩ “đèn nhà ai rạng nhà ấy”, tức chỉ biết đến lợi ích cá nhân, còn lợi ích cộng đồng, lợi ích dân cư không quan tâm đầy đủ để biết xã hội gắn bó lẫn nhau.
Chỉ cần nhìn vào hiện tại những cái làm được nhưng lại chạy đi nhập ngoại về dùng mà không tự làm lấy. Đó là chuyện cần quan tâm vì nó mới xuất hiện.
Nhưng tất cả đều do nền kinh tế thị trường, phải tính toán lời lãi, cái nào lời nhiều hơn thì làm dù chỉ là lợi trước mắt, biết phun thuốc là độc nhưng sản lượng lại cao, thu hoạch nhanh, nên cứ làm, chưa nghĩ đến cái hậu quả ảnh hưởng lâu dài. Điều này tạo điều kiện cho việc xuất hiện thêm một đức tính người Việt đó chính là không có tầm nhìn chiến lược, không nhìn xa, chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn.
Vì vậy, người dân chỉ tính toán lợi ích trước mắt, hay đến chuyện chạy theo phong trào, năm nay cafe lên thì chặt cao su trồng cafe, vài năm nữa cafe giảm giá thì lại chặt cafe trồng hạt điều, cao su…có nghĩa là không có tính chiến lược, đó là một đặc tính nữa của người Việt.
Nhưng đáng lo ngại hơn đó chính là những đặc tính ấy không những chỉ có ở dân mà các lãnh đạo quản lý cũng vậy, chưa bao giờ dự phòng tính toán trước mà hoàn toàn là nước đến chân mới nhảy, có nghĩa chỉ thụ động xử lý tình huống, có chuyện xảy ra rồi mới lo giải quyết, mất bò mới lo làm chuồng.
Tôi nói cụ thể ngay vụ ô tô giường nằm đổ chết 12 người ở Sa Pa xảy ra mới đây, sau khi tai nạn thương tâm xảy ra thì mới để ý đến việc những chiếc ô tô giường nằm đi vào đường đèo dốc quanh co dễ gây tai nạn, mới bắt đầu nghĩ ra Luật cấm ô tô giường nằm đi trên khu vực miền núi. Trong khi, tai nạn đã xảy ra rồi, tổn thất cũng đã tổn thất rồi, như vậy có phải là mất bò mới lo làm chuồng hay không?
Hay kể cả đến câu chuyện nhập hạt giống từ Trung Quốc cũng vậy, tất cả đều vì lợi ích trước mắt, cứ nhập ồ ạt về vì thiết nghĩ nó cho sản lượng rất cao. Thế nhưng, người dân lại không nắm bắt được, những giống đó chỉ sử dụng được 1 vụ, sang vụ sau lại phải mua tiếp. Có nghĩa nếu đã nhập thì sẽ nhập mãi, dẫn đến hệ quả tất yếu là sau này người nông dân sẽ mất nghề và phụ thuộc hoàn toàn vào nước khác.
Một tính nữa là thực dụng, cứ thấy hàng rẻ, mẫu mã đẹp thì mua về dùng dù biết chất lượng chẳng ra gì, kể cả đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng không có, thậm chí còn biết các hóa chất sử dụng làm các sản phẩm cũng có chất độc. Cũng như đồ chơi trẻ em, từ quần áo cho đến đồ chơi trung thu cũng độc hại không kém, biết độc nhưng vì nó đẹp nên vẫn bị thu hút, người Việt chúng ta lạ lắm!
Mà đâu chỉ có chuyện nhỏ mới vậy, ngay cho đến các công trình lớn của nhà nước hàng trăm, hàng chục nghìn tỷ đồng cũng ham giá rẻ. Các nhà thầu TQ bỏ giá rẻ, thì giao thầu cho họ, rồi làm chất lượng kém thì ta lại chịu hậu quả.
Ngay như Đạm Ninh Bình đầu tư 750 triệu USD mà chất lượng không ra gì, sản lượng không đạt được, thua lỗ triền miên; cũng như đường sắt trên cao HN, nhận thầu rồi bỏ bê, quá thời hạn thi công vẫn không làm cứ để đó, dẫn đến đội vốn, tai họa giáng xuống. Mà dĩ nhiên công trình kéo dài 2-3 năm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, vốn đội lên cao.
Có tư tưởng thỏa mãn sớm
PV:- Tính lười biếng của người Việt còn bị doanh nhân người Nhật Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc chỉ rõ khi ông mới đến Việt Nam 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì ông không còn cảm thấy điều đó nữa. Theo nhìn nhận đánh giá của ông, điều gì tác động dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức này, hay tính lười là đặc tính dân tộc Việt.
Có thể nhìn nhận bệnh lười của người Việt đang có xu hướng phát triển lên hay không? So với trước đây thì ra sao, ông có thể lấy ví dụ cụ thể?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Theo tôi thì thanh niên bây giờ do giáo dục không tốt, quản lý kém, cho nên mới đua đòi kiểu sống thực dụng, không biết công việc ổn định như thế nào, mà chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu tiền để đi nhậu, đi chơi.
Bị ảnh hưởng từ lối sống chộp giật, lối sống trước mắt, nhưng nó không phải tất cả. Vì cũng có nhiều người chịu khó học hành, làm việc ổn định chăm chỉ.
Thực ra bệnh lười cũng là đặc tính của bất cứ con người nào trên Trái Đất này, muốn làm nhàn nhã mà được ăn no đủ, đó là một mong muốn chung. Nhưng nhiều khi là do cơ chế chính sách, để họ thấy sống lười tốt hơn là chăm.
Như trong một cơ quan thủ trưởng đánh giá không sâu sát, cứ theo quy định máy móc, 3 năm là tăng lương, vậy thì chăm cũng 3 năm sẽ tăng, lười thì cũng 3 năm mới tăng. Cơ chế chính sách quản lý đó làm cho họ thấy chăm làm gì, trong khi lười vẫn sẽ đàng hoàng.
Hay đến bây giờ có trợ cấp cho người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Tôi được biết nhiều cán bộ miền núi nói, các hộ đồng bào dân tộc hiện nay nhiều người không muốn đi làm, mà chỉ thích đăng ký hộ nghèo nhận trợ cấp, sống bằng trợ cấp, không đi trèo đèo, lội suối làm lụng vất vả nữa.
Gia đình nào bây giờ cũng phấn đấu được làm hộ nghèo, phấn đấu xã nghèo vì câu chuyện chính sách quản lý mà không đánh giá được, cuối cùng cả xã hội phấn đấu nghèo. Điều đó để cho thấy, đó không phải là do bản chất người Việt mà là do nhiều yếu tố chính sách tác động.
Bản thân tôi, tôi tin bản chất người Việt không thay đổi, nhưng bản chất nào tốt thì phải được nuôi dưỡng, phải được khuyến khích. Bởi cái chính là bản chất tốt vẫn có, nhưng cơ chế chính sách cùng cách quản lý, lối đánh giá, khen thưởng thi đua hiện nay làm thay đổi tính đổi nết, khiến nhiều cá nhân cảm thấy theo đuổi con đường chính nghĩa thì mình chỉ thiệt thòi.
Một chính sách đưa ra ai có lương tâm, thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Thiết nghĩ, nếu có cơ chế tốt thì bản chất vẫn được phát huy và duy trì.
PV:- Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận và cho rằng người Việt đang hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê, lười làm thích ăn sẵn. Doanh nghiệp thì chỉ chú trọng tới việc sản xuất nhanh và nhiều chứ không quan tâm tới việc sản nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng để tham gia sâu hơn, có vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị.
Nên dẫn đến nền kinh tế đang phụ thuộc vào khai thác tài nguyên nguồn tài nguyên có sẵn đem bán, thế nhưng nguồn tài nguyên cũng đang dần cạn kiệt, phải đi nhập khẩu ngược lại tiêu biểu như điện, xăng dầu, điều này sẽ dẫn tới hệ quả nào, thưa ông? Ai hay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Đúng là người Việt hiện nay đang có suy nghĩ thỏa mãn sớm với kết quả đạt được, giờ từ chỗ nghèo đói mà 1 tháng thu nhập được 5-7 triệu là thỏa mãn, tưởng như vậy là no đủ, nhậu nhẹt tưng bừng, không phấn đấu, có nghĩa thiếu tầm nhìn xa.
Theo tôi tất cả là do cơ chế, do nền giáo dục hiện nay kém, cho nên không cho họ cái nhìn xa, không đặt cho mình những thách thức, mục tiêu để phấn đấu, để vươn lên. Trong khi cứ nói là làm theo Bác Hồ, nhưng đó chỉ là lời nói gió bay có khuyến khích những người chăm chỉ làm việc đâu.
Bên cạnh đó, bệnh thành tích của dân ta nặng lắm, kể cả đến lãnh đạo cơ quan quản lý hiện nay cũng phấn đấu vì thành tích.
Còn câu chuyện DN tôi tin những DN làm ăn kiểu chộp giật đều phá sản, vì chỉ có làm ăn chất lượng mới kéo dài được thời gian tồn tại.
Một điều thiếu vô cùng quan trọng đối với suy nghĩ của nhiều người VN hiện nay, đó chính là chưa có tư duy sự nghiệp cuộc đời mà chỉ có tư duy có công ăn việc làm, được sống trước mắt, không có suy nghĩ xây dựng sự nghiệp cho cả cuộc đời. Đáng lẽ họ phải nghĩ còn đời con, đời cháu, nghĩ được như vậy thì mới phát triển được.
Đấy rồi đến câu chuyện khai thác tài nguyên cũng vậy, DNNN cho xuất khẩu tràn lan, không những cho chính ngạch lại còn cho xuất khẩu lậu, tiêu biểu như quặng quý hiếm. Tôi dự đoán chỉ 15 năm nữa là cạn kiệt tài nguyên.
Vậy trách nhiệm thuộc ai, dĩ nhiên là thuộc lãnh đạo quản lý, mà lại rất khó quy trách nhiệm cá nhân.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Trả lời