Về sự ra đi của Tướng Giáp đã có rất nhiều bài viết rất hay. Dưới đây là những bài mà mình thấy hay nhất, để lại ấn tượng mạnh nhất
———-
Vĩnh biệt một thời đại
Phạm Thị Hoài
Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.
Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44 năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.
Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản, điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị “Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.
Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại, phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân, ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.
Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.
Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.
© 2013 pro&contra
———————
Nước mắt có màu gì?
Đào Hiếu
Trong suốt những ngày qua nhiều nước mắt đã chảy. Đến trước tư gia của tướng Giáp thấy người ta đứng xếp hàng và khóc, mở ti-vi thấy người ta khóc, đọc báo cũng thấy rất nhiều nước mắt.
Người ta bình luận, suy luận và đặt câu hỏi: “Tại sao lại có nhiều người khóc cho cái chết của một vị tướng như vậy?”
Chưa thể cả quyết rằng người ta khóc vì cái gì, nhưng có điều ai cũng thấy rằng quần chúng đã khóc tự nguyện, khóc vì thương tiếc, khóc vì kính phục. Không có sự bắt buộc, không màu mè, giả dối. Không bị cưỡng ép, đe dọa như ở Bắc Hàn. Chuyện khóc lóc ở Bắc Hàn là một thứ phản xạ có điều kiện, một thứ phản xạ gần giống như bệnh tâm thần.
Trong cái chết của tướng Giáp không có hiện tượng đó.
Vậy người ta khóc vì cái gì?
*
Hãy nêu một giả thiết:
Nếu trước khi chết tướng Giáp là Thủ tướng chính phủ, là Tổng bí thư, là Thống đốc ngân hàng hay Tổng giám đốc EVN… thì quần chúng có xếp hàng dài trước tư gia để khóc như vậy không?
Tôi nghĩ là không, cho dù ông đã từng có một trận Điện Biên Phủ.
Vì sao?
– Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy một bóng ma, không phải của tướng Giáp mà của một tài sản hàng trăm ngàn tỉ của Vinashin, Vinalines đang đùn lên, đang tan rã thành cuộn khói đen bốc mùi. Và họ chùn bước, họ quay gót trở về.
– Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy hơn một triệu tỉ nợ xấu đang che phủ hệ thống ngân hàng như một đám mây xù xì lông lá, xác thối, rác rưởi và sũng nước cống rãnh tanh tưởi.
– Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy những tờ giấy bạc nhàu nhò trong túi mình đang run rẩy không muốn bị móc ra để trả cho xăng, cho điện, cho thực phẩm tăng giá đều đều.
– Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy gương mặt tuyệt vọng của Đoàn Văn Vươn trong tù, họ sẽ nhìn thấy dòng máu đang tuôn chảy từ ngực anh Đặng Ngọc Viết sau phát súng cuối cùng kết liễu đời mình.
Những bóng đen ấy, những rác rưởi ấy, những số phận hẩm hiu ấy sẽ làm mọi người xa lánh tang lễ cho dù người đang nằm trong quan tài là ai.
*
Chúc mừng tướng Giáp đã chết khi đang đứng ngoài cuộc đỏ đen. Cho dù tướng Giáp có là một đảng viên cộng sản, có từng là phó thủ tướng, có từng là bộ trưởng quốc phòng… thì ông vẫn là một kẻ xa lạ của chế độ, một cái gai trong mắt chế độ. Khi sống, ông đã sống ngoài chế độ, và khi chết – cho dù nhà nước có tổ chức quốc tang – ông cũng đã chết ngoài chế độ. Chính vì thế mà quần chúng thương tiếc ông. Tình cảm ấy quá rõ ràng, không thể đánh tráo được, không ai có thể ăn theo ông được.
Khóc thương tướng Giáp là khóc cho một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm hào hùng và đẹp của cả dân tộc, của nhiều phong trào kháng chiến yêu nước từ Phan Đình Phùng, Hoàng hoa Thám, Trương Định, Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học… cho đến phong trào Việt Minh, mà trong đó tướng Giáp là người dứt điểm, là cầu thủ mang áo số 10 đã ghi một bàn thắng ngoạn mục, mang tính quyết định.
Khóc thương tướng Giáp là sự bày tỏ tình cảm với một thiên tài quân sự đã “may mắn” đứng ngoài cái guồng máy tham nhũng, thối nát, và giữ được mình trong sạch.
Khóc thương tướng Giáp là cách bày tỏ sự phản kháng chế độ rằng: tuy các người đã cố xóa nhòa một anh hùng, cố phủ nhận công lao của một danh tướng, cố làm nhục một biều tượng rực rỡ của phong trào kháng chiến chống ngoại xâm… nhưng chúng tôi vẫn có tiếng nói của chúng tôi, có cách nhìn của chúng tôi, có sự đánh giá của chúng tôi. Chúng tôi phân biệt được chánh-tà.
Khóc thương tướng Giáp là lời nhắc nhở hùng hồn đến giới cầm quyền rằng cái chết sẽ không từ một ai, nếu không thể chết trong sự thương tiếc của mọi người thì cũng đừng để quan tài mình lầm lũi ra đi trong những lời nguyền rủa.
—————————
Khóc cho chính mình
Dạ Ngân
Quá nhiều nước mắt trong những ngày này. Không phải mọi người đều khóc Ông. Không bao giờ có chuyện tất cả mọi người đều đồng lòng, huống chi đây là cái chết của một vị tướng thuộc phe thắng cuộc.
Nhưng sự thực thì nước mắt đã tuôn rơi nhiều hơn mức người ta có thể hình dung. Những người trong cuộc, những người từng cùng một chiến hào với Ông biết rõ, nỗi niềm này không giống hoàn toàn với hồi người ta khóc Hồ Chí Minh. Hồi ấy là cuộc chiến, cuộc chiến đang hồi mất mát lớn sau tổng tấn công Mậu Thân. Hồi ấy những người kháng chiến khóc một lãnh tụ, một thuyền trưởng, một con tàu và một cảm giác mồ côi chung.
Bây giờ, mọi thứ đã xa và đã cũ. Nhưng sao người ta khóc Ông không khác gì “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”? Nhiều tự phát, nếu không nói là hoàn toàn tự nguyện, tự phát. Người ta đã khiến những người cách trở cảm thấy bồn chồn, những người ưu thời mẫn thế cảm thấy chấn động và những người bàng quan cũng phải tò mò, suy nghĩ.
Khóc vì cùng quá khứ đau thương.
Khóc cho những lãng quên đã từng hiện hữu.
Khóc cho những bạc đãi không nói to lên được.
Khóc cho những trầm luân của đời người.
Khóc cho bất công và oan ức mà Ông từng là biểu tượng và cũng là một chiếc phao, cho họ.
Khóc cho những trần ai mà con người đã và sẽ còn nếm trải.
Và chắc là trên hết, người ta khóc cho chính mình, cho sự bế tắc của chính mình, cho chung quanh và cho mỗi ngày sống tới.
Ông đã thoát ra, bằng cú về quê ngoạn mục, không nghĩa trang chung gì cả. Và Ông sẽ được người ta tìm về để hành hương, đển khấn khứa, để tìm quên, để xin một niềm an ủi. Phần Ông, một danh tướng còn lại, không gì xứng đáng hơn hai từ Danh Tướng ấy.
Nhưng rồi người ta sẽ lại về với nỗi niềm của mình, với mưu sinh của tha nhân, với những cuộc vật lộn triền miên với nền giáo dục với ngành y tế, với giao thông, với hỗn loạn, với sự tan rữa, mỗi ngày.
Dù muộn, vẫn xin có mấy dòng khóc cho chính mình, một người con của liệt sĩ nhà tù, giống như Ông. Khóc cho mất mát đã từng và đổ vỡ cũng đã từng. Và khóc cho bế tắc của một quốc gia thật ít hòa giải và thanh bình dù đã có hòa bình, đã lâu.
———————————–
Có những sự ra đi
Chu Văn Sơn
Có những sự ra đi của ai đó lại có tác dụng (ngoài ý muốn) như một phép thử đối với nhân tâm. Sự ra đi của tướng Giáp trong những ngày này là thế.
Dù rằng cả bên Quân đội lẫn bên Công An đã có nhiều đại tướng, nhưng trong lòng người Việt Nam chỉ có một đại tướng duy nhất thôi, đó là tướng Giáp.
Dù rằng học trò của cụ Hồ có cả rừng, nhưng người ta chỉ thấy có một học trò đã thực sự làm sáng danh thầy, đó là tướng Giáp.
Dù rằng dựng nên nền Cộng hòa có rất nhiều công thần, nhưng người ta chỉ thấy có một cái tên sáng nhất thôi, đó là tướng Giáp.
Tiếc thương tướng Giáp là tiếc thương một tài năng một nhân cách, hiện thân đẹp đẽ của những giá trị Việt.
Nhưng, dường như người ta còn tiếc thương một quá khứ đang vĩnh viễn ra đi cùng tướng Giáp.
Tiếc thương quá khứ cũng là một cách bày tỏ với hiện tại. Đôi khi, sự căm ghét hiện tại không có cơ hội thể hiện, nó đã dồn tích thành niềm tiếc thương quá khứ.
Tướng Giáp đáng được hưởng niềm tiếc thương đặc biệt của người Việt chúng ta. Nhưng, hẳn niềm tiếc thương ấy sẽ bị chia sẻ ít nhiều, nếu như đám tối cao hiện thời giành được niềm yêu quý của dân chúng.
Có lẽ, sự ra đi này là một cuộc đối chứng.
Một mất mát lại cũng là một củng cố nào đó đối với tinh thần Việt chăng?
——————————–
Nước mắt rơi chung
Nguyễn Ngọc Tư
Bạn nói có thể chị đàn bà đứng nức nở trên phố Hoàng Diệu ấy vừa đóng quầy may sẵn ở chợ Đồng Xuân, bạn đã bị chị mắng một lần vì “nói giọng miền Nam mà còn mặc cả”. Có thể người đàn ông mếu máo đặt mấy bông cúc vàng ở hàng rào ngôi nhà số 30 kia vừa chạy xong cuốc xe ôm, bạn đã từng bị anh chở đi đường vòng để lấy tiền cho ngọt. Nhưng những va quệt đã từng gặp phải trên đất Hà Nội đã trôi hết, xí xoá hết trong bạn vì những người đã đến khóc trước nhà vị tướng vừa qua đời, trong bản tin tối.
Tivi trong quán ăn tiếng được tiếng mất, nhưng bọn tôi chừng như nghe được tiếng nước mắt chảy. Không chỉ từ những gương mặt lướt qua trên màn hình, mà còn từ những người không xuất hiện trên tivi như bạn, hay từ trong lòng những người giả bộ mình cứng cỏi, như tôi. Tự nhận là già rồi, nghi ngờ cả nước mắt, nhưng bạn nói lần này bỗng tin những người kia cảm động thật lòng. Mà ông tướng đó cũng không phải ruột thịt, hay họ hàng xa, hay láng giềng ở cạnh nhà.
Ông giỏi thì khỏi nói, cái đó cả thế giới chịu rồi, “nhưng tụi mình đâu phải thương chỉ mỗi chuyện đó”, bạn quệt cùi tay chùi nước mắt, nói “nghĩ tới ông như là nghĩ tới ông nội mình, không hề có cảm giác xa xôi vĩ đại”. Bàn bên mấy anh đòi nợ mướn cũng thôi chửi thề một con nợ khó nhằn, một anh buột miệng “nhìn ổng hiền như con cọp ăn chay”. Màn hình đông chừng mười lăm giây nụ cười hồn hậu của ông tướng. Tự biết trong lòng người dân, hình ảnh ấy còn đọng lại rất lâu.
Bạn tôi tin hồi tại thế ông sống như mình có, không cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất. Thấy ông tưới phong lan, cũng lui cui như ông già kế bên nhà. Thấy nụ cười, biết rằng những oan khuất nhục vinh đã bị ông phẩy tay bỏ lại. Chỉ dân là ông không quên, khi thỉnh thoảng gửi báo những bài viết tâm huyết đóng góp cho chính sách dân sinh.
Mấy hôm trước cafe sáng với nhau bạn còn kêu xã hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Cảm giác loạn lạc từ chính trường cho tới từng mái ấm, từng cái tổ của mỗi người. Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương nối lại. Bạn rươm rướm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó, thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả năng khóc cho một người dưng.
Cách khóc mỗi người mỗi khác, có người tận nhà ông già cúi đầu đặt bó hoa, người ở xa ngồi trước tivi lén kéo chéo áo lau đuôi mắt, người nuốt trộng vào lòng, người lại thở hắt ngậm ngùi “rồi ai cũng về, người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc, lại có người ở mới sáu mươi mà dân ngán ngẩm thôi rồi”. Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.
Bạn nói có bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra, chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống.
Theo Nguyễn Ngọc Tư/SGTT
Trả lời