Mình rất hay nhận được những bức thư tâm sự như dưới đây. Xin trích đăng để mọi người cùng suy nghĩ và chia sẻ. Mình đặt tên cho bức thư này là "Nỗi buồn một thế hệ" vì nỗi buồn này giờ gặm nhấm, bào mòn rất rất rất rất nhiều con tim và khối óc của giới trẻ Việt, hu hu…
—————- Kính thưa cô!
…………………………… (màn giới thiệu danh tính)
…..Khi cháu còn rất bé cháu đã mơ ước trở thành một cô giáo và ước mơ đó trong cháu không thay đổi qua từng thời kì như một số bạn khác.Cô biết tại sao không ạ? Vì những người thầy, người cô dạy dỗ cháu luôn là những người đáng tôn kính. Các thầy cô luôn sống thanh cao, trong sạch, yêu thương, chia sẻ và hết lòng vì học sinh thân yêu. Cháu có rất nhiều kỉ niệm về những tấm gương thầy cô làm động lực cho ước mơ của cháu nhưng một nghĩa cử của một người thầy làm cháu không bao giờ quên được. Đó là năm cháu học lớp chín có một bạn người đồng bào dân tộc học khá tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và bố mẹ bạn ấy cho rằng học nhiều cũng không để làm gì, vì vậy không cho bạn đi học nữa. Thế là hết học kì một bạn ấy phải nghỉ học. Thầy giáo chủ nhiệm lớp cháu lúc đó còn rất trẻ (thầy vừa ra trường là được phân chủ nhiệm lớp cháu) nhưng rất hiểu tâm lí và yêu thương học sinh. Thầy đã tìm tới nhà thuyết phục phụ huynh cho bạn tiếp tục đến lớp nhưng vẫn không có kết quả gì. Cháu cứ nghĩ bạn ấy sẽ phải từ biệt mái trường vì không thể có cách nào khác. Nhưng thật bất ngờ là sáng hôm sau lên lớp thầy đã nói là thầy sẽ xin bố mẹ bạn đó cho bạn ra ở cùng thầy để học tiếp. Mọi chi phí học tập và sinh hoạt thầy sẽ chịu trách nhiệm. Cả lớp cháu ai nấy đều vừa cười vừa khóc Cô có biết lúc đó cháu thấy hạnh phúc như thế nào không ạ, thật là một cảm giác thật khó tả mặc dù cháu không phải là bạn ấy. Cô ơi,bây giờ bạn ấy đã trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khá thành công còn người thầy của cháu bây giờ là hiệu phó một trường cấp hai và chúng cháu luôn tự hào về thầy cô ạ.
Cô sẽ thắc mắc tại sao cháu lại mở đầu câu chuyện như vậy đúng không? Thưa cô bây giờ trong lòng cháu chỉ còn lại là những nỗi thất vọng về cuộc sống. Chỉ mới mấy năm thôi mà những người là thầy là cô đã thay đổi quá nhiều. Thầy cô có lẽ không còn là những tấm gương sáng nữa mà đã trở thành những vệt đen, là nỗi sợ hãi của học sinh. Mặc dù cháu biết vẫn đâu đó có người lái đò chân chính. Cô biết không, khi cháu còn học trường sư phạm, chính cháu đã chứng kiến những cuộc trao đổi mua bán đề tài giữa thầy cô và sinh viên (chỉ cần đưa cho thẩy cô một số tiền là sẽ có cuốn đề tài trọn vẹn,điểm cao), những cuộc nhậu nhẹt nhiều “tăng” do thầy cô gợi ý, những gói quà mà trong đó quà thì ít mà tiền thì nhiều… Lúc đó dù cháu rất phẫn nộ nhưng cũng chẳng làm gì được, cháu là ai chứ?
Thời gian trôi qua, bằng sự nỗ lực của chính mình cháu cũng được chọn là một trong mười sinh viên nhận bằng khen và bằng tốt nghiệp đầu tiên của trường. Bỏ lại bao phiền muộn còn chất chứa trong lòng cháu ra trường với một niềm tin và hi vọng mới rằng cháu sẽ phấn đấu trở thành nhà giáo tốt. Nhưng tất cả những niềm tin của cháu đều bị sụp đổ khi nghe tin phải “chi” một khoản tiền kha khá thì mới được nhận vào làm việc (trong khi cháu có năng lực và hồ sơ tốt). Dù vậy cháu vẫn mang nỗi ấm ức đi dạy. Rồi cứ đầu mỗi năm học khi đi kí hợp đồng lại cháu vẫn mất tiền,rồi ngày tết, ngày lễ đi “quà” họ không vừa lòng lại làm khó cháu trong công việc, nghĩa là cháu lại chuyển sang đi ‘tiền”. Nhưng cô có biết điều làm cháu đau lòng nhất là gì không ạ? Đó là những chiếc “phong bì” của cháu lại vào túi của một người thầy giáo cũ (giờ thầy là trưởng phòng giáo dục của một huyện) từng rất“cưng”cô học trò là cháu. Thầy đã từng dạy cháu biết bao điều hay, lẽ phải. Giờ cháu mới hiểu tất cả chỉ là đạo đức giả mà thôi. Vì quá chán môi trường đó nên cháu đã chuyển công tác đi một nơi khác với hi vọng ở nơi này sẽ có điều gì đó tốt đẹp hơn. Nhưng ở nơi này còn tệ hơn cô ạ! Quan liêu, độc đoán và chuyên quyền- đó là những gì cháu thấy được trong cách quam lí giáo dục. Cô biết không, nếu bản thân mình làm rất tốt nhưng không thuận theo ý “xếp”thì cuối cùng cũng bị “dìm”. Người ta có trăm mưu ngàn kế còn giáo viên trẻ như chúng cháu chỉ có tình yêu nghề, liệu điều đó có ý nghĩa gì không thưa cô?
Có người nói với cháu là “thời đại đã thay đổi rồi mình phải thuận theo thôi”. Có người lại đổ lỗi cho “tác động”của nền kinh tế thị trường. Người thì cho rằng đó là một “phong trào” mới trỗi dậy của giáo dục bây giờ. Tất cả chỉ là những cái “cớ” cho sự suy thoái về đạo đức của những người mang danh “trồng người”, riêng cháu thì cháu nghĩ thế. Bởi thực tế thật phũ phàng cô ạ. Một người học trò từng được cô giáo cưu mang, dạy dỗ, sau khi thành đạt đi lòng vòng khắp nẻo đường lại trở về làm “xếp”của cô. Cứ ngỡ rằng đó là cuộc hội ngộ xúc động nhưng nào ngờ khi thành xếp rồi thì học trò ra sức “ép” cô giáo về hưu sớm để nhận một mối “sộp” hơn. Cô ơi, có thể nào đồng tiền nó lại có sức mạnh vạn nặng đến vậy? Có tiền thì người ‘dưng” hóa “anh em”? người lạ hóa người quen? Cháu thật sự không hiểu nổi suy nghĩ và nhận thức trong hành động của những người làm giáo dục bây giờ. Thay vì phải coi trọng năng lực và đạo đức thì họ lại chọn xem tiền có “nặng” hơn không. Thay vì đầu tư cơ sở vật chất để tạo điều kiện phát triển những mầm non thì họ lại chăm chăm nghĩ xem có khoản nào hở để mà trục lợi. Có những lúc giáo viên chúng cháu phải kí những danh sách nhận tiền do kế toán vẽ ra mà trên thực tế chẳng biết khoản tiền đó làm gì và rút về vào “túi”của ai. Những lúc như thế cháu thấy khó chịu nhưng cháu là ai hả cô?
Cứ nghĩ đến những điều đó trong lòng cháu thật sự vỡ vụn và thất thểu lắm cô ạ. Cháu lại mở ti vi xem những chương trình truyền hình thực tế như “Lục lạc vàng” “Đèn đom đóm” “Như chưa hề có cuộc chia ly”…để tìm thấy chút ý nghĩa còn lại trong cuộc sống. Ở đâu đó cháu vẫn biết có những người thầy, người cô cõng chữ lên non, lái những con đò ước mơ tới các hải đảo xa xôi. Rồi còn có những người tàn tật họ vẫn yêu cuộc đời, khát khao và vươn lên để sống. Và còn vô vàn những điều tốt đẹp khác. Cháu tự hỏi bản thân mình rằng “hoàn cảnh mà mình đang gặp phải thì đã là gì mà lại nản lòng”, nhưng thú thật với cô cháu vẫn rất chán chường và mất hết niềm tin mỗi khi nghĩ về điều đó.
Cô ơi, cháu sắp làm mẹ và cháu có một người chồng khá tuyệt vời, một gia đình khuôn mẫu,cháu hạnh phúc lắm. Nhưng nghĩ tới môi trường cháu đang làm việc thì cháu bị chững lại.Trước khi viết bức thư này cho cô, cháu nghĩ mình sẽ “gói ước mơ” lại và chọn một lối đi khác, cháu không muốn tiếp tục con đường đã đi khi cháu biết quá rõ về nó. Cháu muốn giữ cho ước mơ của mình mãi mãi trong trẻo, đẹp đẽ. Nhưng nếu cô đọc được những lời này thì cháu mong nhận từ cô một lời khuyên. Cháu vốn là một người rất quyết đoán nhưng trong tình huống này cháu thật sự rất lưỡng lự cô ạ.Cô giúp cháu với cô nhé.
lodopho says
Nghi cung buon that. Hy vong van con nhieu nguoi tot trong nganh GD…
Phạm Đức Long says
Bài viết thật xúc động về nghề giáo. Con tìm thấy nhiều tâm sự của mình trong bài viết đấy trăn trở trên nhưng để hiểu thực sự nỗi buồn của sự nghiệp trồng người thì con còn khá non. Cảm ơn cô đã đăng bài để con có dịp nhìn nhận thực tế phía trước mà mình sẽ và có thể phải bước qua. Dù khó khăn đến đâu, con vẫn cố giữ đam mê với sự nghiệp giáo dục.
J Trang says
Mong cô hãy quyết đoán lần này nữa, hãy cứ theo ước mơ từ thuở nhỏ. Cô hãy là một trong những người thầy, người cô đó: cõng chữ lên non và lái con đò ước mơ ấy.
Chúc gia đinh cô luôn hạnh phúc, và mãi yêu – trân trọng sự nghiệp của mình.
Đừng “gói ước mơ” lại cô nhé!