Trân trọng giới thiệu các bạn cuốn sách về PISA (chương trình đánh giá quốc tế về giáo dục).
Năm 2000, khi Chương trình đánh giá giáo dục quốc tế PISA lần đầu tiên được công bố đã có 43 nước tham gia, trong đó có đến 29 nước thuộc khối OECD. Đây thực ra không phải là nghiên cứu so sánh quốc tế đầu tiên về thành tích học tập của học sinh nhưng là một nghiên cứu thực sự có giá trị nhìn từ 3 khía cạnh sau:
– Lần đầu tiên việc tổ chức nghiên cứu được thực hiện bởi một côngxoocxiom quốc tế tồn tại trong một thời gian dài, thực hiện 3 năm một lần chương trình khảo sát rộng khắp toàn cầu và mang lại một chất lượng mới của sự hợp tác quốc tế.
– Không đánh giá kiến thức thuần tuý mà đưa ra những bài tập giải quyết vấn đề ở các lĩnh vực Toán, Khoa học tự nhiên và Đọc hiểu để thông qua đó đánh giá những năng lực thực sự cần thiết ở học sinh ở độ tuổi 15 (giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia).
– Những tác động ngay sau lần khảo sát PISA đầu tiên đã rất đáng chú ý: Ở một số quốc gia tham gia PISA các chính trị gia trong lĩnh vực giáo dục đã “phản ứng” bằng những cuộc cải cách lớn về giáo dục – đặc biệt là ở nước Đức – đem lại những cải thiện đáng kể về chất lượng giáo dục. Ở những quốc gia không tiến hành cải cách thì các chính trị gia phụ trách mảng giáo dục phải chịu nhiều áp lực của dư luận bởi thực tế cho thấy không ít nước có hoàn cảnh tương tự nhưng lại có nền giáo dục tốt hơn. Với nước Đức thì PISA là một may mắn lớn: cuối cùng thì nước Đức cũng biết được những kết quả học tập thực sự ở bậc giáo dục phổ thông của mình và cũng biết có thể học hỏi từ những nền giáo dục nào để có thể cải tạo hệ thống nhà trường của mình tốt lên. Trong mười năm sau thời điểm đó, hệ thống giáo dục Đức đã có sự chuyển mình và thay đổi mạnh mẽ hơn 50 năm trước đó.
Trong kì đánh giá PISA 2012 vừa qua, trong tổng số 65 nước tham gia thì có đến 30 nước ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD (Organization for Economic Co-operation and Development). Chỉ trong vòng 12 năm (kể từ kì đánh giá PISA lần đầu vào năm 2000), hệ thống chuẩn đánh giá các năng lực, mà có thể đo lường bằng thực nghiệm, của học sinh cuối cấp trung học cơ sở đã được xây dựng và công nhận trên trường quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các chuyên gia xây dựng và phát triển chương trình và các tác giả sách giáo khoa đều dựa vào những chuẩn này. Đây là thành tựu lớn của sự hợp tác quốc tế, đạt được chỉ trong ít năm. Để tìm ra được những tiêu chí đánh giá chung giáo dục phổ thông cho các quốc gia là một điều thực sự khó bởi sự đa dạng tồn tại trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia làm cho sự so sánh trở nên khó khăn. Chương trình đánh giá PISA cũng mới chỉ khoảng 15 năm tuổi. Cũng là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí là cần thiết, khi có nhiều ý kiến phê phán, tranh luận về PISA, ví dụ như về phương pháp đánh giá, về ý nghĩa cũng như những kết luận rút ra từ các kết quả của PISA,… Những cuộc tranh luận như thế rất quan trọng bởi một chương trình nghiên cứu non trẻ như vậy cũng có thể là một sự khởi đầu cho một nấc thang mới của việc giám sát quốc tế và quốc gia các quá trình giáo dục.
Kết luận được rút ra từ PISA quan trọng nhất đối với chính sách giáo dục là một quan niệm thực tế về chất lượng. Nếu trước đây người ta chỉ quan tâm và biết đến những nguồn lực đầu tư vào giáo dục nhà trường, còn về những kết quả học tập thực sự của học sinh hầu như rất ít biết, thì sau PISA, người ta có thông tin được thu thập một cách hệ thống về nó. Đây cũng chính là lần đầu tiên nhờ có PISA mà cơ hội sử dụng các nguồn lực cũng như tổ chức các quá trình qua đó hình thành được những năng lực mong muốn ở học sinh được tốt hơn.
Cuốn sách trên tay bạn giới thiệu về các vấn đề liên quan đến chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA và khích lệ cho một cuộc tranh luận. Việt Nam là đất nước rất coi trọng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và luôn quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo dục. Trong kì đánh giá PISA 2012, Việt Nam cũng đã tham gia và đạt kết quả khả quan, bởi thế các cuộc tranh luận là rất cần thiết. Hi vọng sẽ có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuốn sách này. Cuối cùng, Việt Nam không phải là đất nước giàu có, bởi thế đối với Việt Nam, một đòi hỏi cấp bách là phải sử dụng kinh phí tài chính cho giáo dục sao cho thật cẩn trọng và hiệu quả. Cũng như các nước khác, qua tham gia PISA Việt Nam có thể rút ra bài học ở tất cả các bình diện: tổ chức các nhà trường phổ thông, các phương pháp giảng dạy và các nguồn lực nhân sự cho giáo dục sao cho luôn đạt được hiệu quả ngày một cao hơn.
Trả lời