Cái xứ Hàn xem ra cũng thật “cuồng ngông”, không chỉ mang cái “văn hóa mì tôm” đi chinh phạt các bờ cõi gần xa, lại còn hiên ngang hướng ra thế giới với tên gọi Korean Wave, tức trào lưu Hàn, làn sóng Hàn, thậm chí còn là cơn sốt Hàn, lan dần từ lĩnh vực văn hóa (trong đó đặc biệt là điện ảnh và thời trang) sang lĩnh vực kinh tế. Chỉ trong vòng khoảng 40 năm thu nhập bình quân đầu người xứ này tăng trên 250 lần, từ vài chục US$/người/năm lên thành 16.000US$ (theo một số số liệu là 18.000US$) và đang phấn đấu trong vòng vài năm tới sẽ tăng lên khoảng 30.000US$/người/năm.
Không chỉ thế, cái xứ Hàn nay lại còn bày đặt sát hạch đạo đức quan chức trước khi nhậm chức. Rõ thật rách việc!
Cả tháng 8 vừa qua, nội các của Tổng thống Lee Myung Bak đã nhớn nhác hết cả lên vì một số thành viên không thể chứng minh được sự thanh liêm và minh bạch của họ trước quốc hội.
Ngài Shin Jae Min, người được cơ cấu nắm giữ ghế bộ trưởng Bộ văn hóa – thể thao & du lịch Hàn Quốc đã vướng vào các “tội” sau:
- Bốn lần vi phạm luật pháp vì đăng ký địa chỉ nhà giả để chạy cho con vào trường tốt có học phí ít. Theo luật của Hàn Quốc, những người không đăng ký hoặc đăng ký sai địa chỉ có thể bị phạt 3 năm tù giam hoặc 10 triệu won (8.420 USD).
- Đã nhận nhiều suất tài trợ không minh bạch từ Jaewon Tech, một công ty cung cấp vật tư xây dựng ở Seoul, trong thời gian từ tháng 1-2007 đến tháng 3-2008 (trong đó có chiếc xe ông đang tự lái).
- Vợ ông ta bị cáo buộc được một công ty của bạn ông thuê làm việc nhưng chẳng mấy khi bà đến công ty mà vẫn nhận lương đều đều.
- Khối tài sản cá nhân của ông đã tăng gần bốn lần, từ 341 triệu won năm 2000 lên 1,2 tỉ won năm 2010 (dù ông Shin cố biện bạch cho rằng đó là do giá bất động sản tăng).
Ngài Kim Tae Ho, cựu thống đốc tỉnh Gyeongsang, nhân vật được đề cử vào chức vụ thủ tướng cũng đã phải trải qua cuộc sát hạch gắt gao về đạo đức.
- Nhận tiền bất hợp pháp từ một công ty khi ông đến New York năm 2007
- Trong thời gian làm thống đốc từ năm 2006-2009, tài sản của ông đã tăng lên gấp 10 lần.
- Sử dụng xe công vào mục đích riêng và để nhân viên nữ của văn phòng ông làm việc nhà tại nhà riêng của ông trong ba năm.
Ông hùng dũng tuyên bố sẽ từ chức nếu bị phát hiện có dính líu tới các hoạt động bất hợp pháp.
Và kết cục là chỉ sau có 21 ngày tại nhiệm vị tân thủ tướng này đã phải xin từ chức để đáp ứng nỗ lực xây dựng “xã hội công bằng”. Cùng với vị này còn có hai vị khác cũng đệ đơn xin từ chức, đó là Shin Jae Min, bộ trưởng Bộ văn hóa – thể thao & du lịch và Bộ trưởng Kinh tế Lee Jae-hoon.
Đọc báo và lấy làm thắc mắc quá đi mất. Bày đặt sát hạch đạo đức trước khi nhậm chức làm gì cho rách việc.
Kính thưa các ngài trong quốc hội Hàn Quốc!
Ở xứ tôi, không có nhiều tiền thì đừng có hi vọng gì “đấu thầu” đuợc một chức quan, chức càng to giá đấu thầu càng nhớn. Các vị làm ơn nhớ giùm cho nhé. Mà nếu bí quá và ham chính trường quá thì kính mời các vị cứ qua xứ tôi, không có ai có nhã ý hay đủ can đảm “sát hạch đạo đức” các vị trước khi các vị “ghé mông” vào chiếc ghế quyền lực đâu. Nếu sát hạch nghiêm như nước các vị thì ở xứ này còn móc ra ai mà làm lãnh đạo nữa. Bí quá có khi lại phải dựng cổ các bác nông dân lên, cho tắm rửa và ăn mặc sạch sẽ rồi ấn cho cái mũ quan trường. Nhưng mà nói cho vui vậy thôi chứ các bác nông dân chân lấm tay bùn nhà ta, quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu chổng ra, đít chổng vào móc đâu ra tiền mà đấu thầu mấy cái “món” đó.
Mà xem ra mấy cái bác Hàn đó cũng dốt. Chuyện tài sản tăng nhanh “bất thình lình” có gì mà đáng ngại cơ chứ, đơn giản cứ khai của con cái, cháu chắt, anh em, họ hàng ở nước ngoài gửi về thì có bố thằng nào mà phát hiện được. Ở xứ tôi, khối đấng quan lại giàu nứt đố đổ vách cứ một mực “đổ” cho vợ chồng thằng con trai “làm ăn giỏi giang” ở nước ngoài gửi về (thực ra chỉ tiêu tiền cha mẹ gửi sang). Rồi cũng có ai làm gì được họ đâu cơ chứ. Có đơn giản thế mà các bác cũng nghĩ không ra. Thật kém!
Mới hôm qua thôi, các báo đài còn nhan nhản đưa tin Ngoại trưởng Hàn Quốc quyết định từ chức vì trót tuyển dụng con gái vào làm việc tại bộ phụ trách vấn đề thương mại tự do với mức lương khá cao. Sự thể là sau khi bị rớt ở vòng thứ nhất cùng 8 ứng viên khác, con gái ngài Ngoại trưởng lại được cho một cơ hội thứ hai từ 10 ngày đến gần một tháng để bổ sung bằng ngoại ngữ. Vì chứng chỉ ngoại ngữ mà cô gái nộp lần đầu tiên đã hết hạn. Cô là một trong ba ứng viên được lựa chọn.
Lần nữa lại phải kính thưa các bác trong quốc hội Hàn!
Các bác có lẽ lại quá tay mất rồi. Đưa một đứa con vào cơ quan mình làm việc nào có nhằm nhò gì mà bắt bác Yu phải từ chức. Ở xứ tôi điều đó quá vặt vãnh. “Một người làm quan cả họ được nhờ” xưa nay vẫn là truyền thống tốt của mỗi gia đình, mỗi dòng họ bên xứ tôi. Chẳng thế mà có vị chức sắc nhớn ở một doanh nghiệp cỡ bự khi về hưu đã hỉ hả tuyên bố “trong thời gian đương nhiệm” đã đưa được khoảng sáu chục con cháu, anh em, bà con vào doanh nghiệp đó (và các cơ quan liên quan) làm việc. Bác ấy quả là niềm tự hào của cả dòng họ.
Dân An Nam tôi xưa nay truyền thống học hành khoa bảng vốn dĩ chẳng kém cạnh ai, thế nhưng, có lẽ cũng vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng “Học nhi ưu tắc sĩ” (học giỏi ra làm quan) của cái nhà bác Khổng Tử mãi bên xứ Tàu (cách đây đến gần cả 2500 năm) nên không làm sao có nổi nhà khoa học lớn mang tầm thế giới (nếu tài năng của họ không được gieo trồng trên mảnh đất khác). Nói thế kể ra cũng oan cho cái nhà bác Khổng Tử bởi thời đó bác ấy quan niệm “học giỏi ra làm quan” là để giúp vua cứu nước. Còn ở xứ tôi, học giỏi ra làm quan là để được “vinh thân, phì gia”. Người ta học là để cầu danh, cầu danh xong là để cầu quan, rồi cầu lợi, cầu tiền. Quyền bao giờ chẳng đi liền với lực (quyền lực), với lợi (quyền lợi) và với hành (quyền hành). Không ít kẻ sau khi đi “đóng tem dán mác” về nhớn nhác, ngó nghiêng cố "ngõi" cho được một “ghế” nào đó. Nếu không được bổ nhiệm, đề bạt một “chân” gì khá khẩm hơn khắc sẽ nổi da gà, da ốc và hậm hực, cay cú. Thật nực cười! Xem ra cái anh À-mê-ri-cờn xa tít tắp nửa vòng quay trái đất có lẽ hiểu dân An Nam còn hơn chính dân An Nam ta tự hiểu mình. Chẳng thế mà Viện nghiên cứu xã hội của xứ đó đã tổng kết ra khá đúng 10 nét tính cách nổi bật trong nhân cách người An Nam, trong đó có nét tính cách “Cần cù, ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học cái gì “đến đầu đến đũa” nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục đích tự thân của mỗi người (mà là mục đích tiến thân).
Thật là tội nghiệp cho cái nhà bác Ngoại trưởng Yu. Đã “ngoi” lên đến chức Ngoại trưởng mà có mỗi chuyện lo xin việc cho con gái cũng không xong. Rõ kém! Nếu ở xứ tôi, con gái bác có cơ còn leo lên đến thứ trưởng hoặc hơn ấy chứ, cái chân nhân viên Bộ ngoại giao đó nào đã bõ bèn gì.
Và báo chí còn nói việc cho tuyển chọn con gái của bác Ngoại trưởng Yu đã làm người dân Hàn rất phẫn nộ. Trên website Bộ Ngoại giao Hàn Quốc có rất nhiều lời chỉ trích Ngoại trưởng Yu và đòi ông phải từ chức. Đọc thấy thế mà choáng vì ở xứ tôi dân chúng còn bận cặm cụi làm ăn, ai ai cũng mệt mỏi lắm rồi, chẳng còn hơi sức đâu mà tỏ thái độ phẫn nộ trước những việc như vậy. Hình như họ cũng nặng tai hết cả rồi.
Mấy ngày liền liên tục đọc các tin giật gân bên xứ Hàn, nào là sát hạch đạo đức trước khi nhậm chức, nào là xin từ chức. Xưa nay chỉ mới xơi mì tôm Hàn, khóc sướt mướt và quay cuồng với các phim Hàn, thời trang Hàn, nay lại phải bổ sung thêm thái độ kính nể , ngưỡng mộ sự minh bạch trong chính trị cũng như cái văn hóa từ chức ở xứ Hàn. Cái món đó quả là quá xa xỉ ở xứ mình. Nhưng mà nói cho vui miệng thế thôi chứ nếu cái văn hóa đó cũng được đem ra xài ở xứ mình thì chắc các quan chức xứ này có mà từ chức hết, lấy đâu ra những người chèo lái con thuyền cách mạng đến bến đến bờ nữa cơ chứ.
Giờ mới hiểu tại sao không chỉ riêng Hàn Quốc mà Nhật bản, với nguồn tài nguyên vô tận là động đất và dông bão, cũng chỉ sau có ba chục năm đã thoát thai từ đống đổ nát, hoang tàn vì chiến tranh để bứt lên thành một quốc gia hùng mạnh. Singapore từ một làng chài đánh cá nhỏ bé qua một đời Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành hòn ngọc Á Đông.
Xứ An Nam ta vẫn mãi một điệp khúc “do hậu quả của chiến tranh tàn phá….”. Nhưng than ôi, chiến tranh mới đó mà cũng đã qua tròn 35 năm rồi.
0h45 AM, 07.09.2010
N.Thi Phuong Hoa
Khách says
8)
“Nghĩ bước làm quan thật can trường
Bao giờ mới đến điểm “hoàn lương”
Để cho con cháu thôi nhờ vả
Để đời khắc nhớ một quan minh”
Đó là tâm nguyện sâu thẳm của một quan nhớn đó các bạn. Nhận hối lộ, chạy chức, tham nhũng, gia đình trị, … tất cả đều chỉ do hoàn cảnh xô đẩy thôi. Quan nhớn không muốn thế đâu mà, huhuhuhuhu … 😆
Khách says
@ Vấn Khanh:
Kinh!
Ho ra THƠ, ọe ra Văn.
Trẫm kinh nể Khanh rùi, hic.
Khách says
úi giời ơi, sao mấy anh người hàn đẹp trai vậy mà kém tắm quá đi. Mấy anh này phải cho sang bên mình để học cái gọi là nghệ thuật chạy chức thôi.
Khách says
Hic hic cô viết hay quá! Phải cho các bác Hàn xẻng đọc bài này thôi hi hi