Nguyễn Quang Thân
Vay nợ để đeo đuổi con đường học vấn chẳng phải chuyện mới. Nhưng con số trên 26.000 tỉ đồng tổng dư nợ tín dụng mà hơn 2 triệu sinh viên vay (từ 2007 đến hết năm 2010) đang đưa những thông điệp kép về sự học ngày nay.
Trong lịch sử văn hiến, dân tộc VN có một hằng số về phát triển cá nhân. Người Việt xưa cũng đồng nghĩa là người Việt nông dân ( xưa chiếm tới trên 95% dân số) có hai ngả quan trọng nhất để bước vào đời: làm quan hay làm ruộng. Đỗ đạt khoa bảng thì ra làm quan, giật ấn công hầu mà trắng tay thì về nhà làm ruộng. Cái vòng đời làm quan – làm ruộng ám ảnh nhiều kiếp người.
Sự học hàng đầu
Cho nên, việc đầu tư cho giấc mộng đỗ đạt, công hầu rất được người xưa coi trọng, là chiến lược quan trọng nhất của cuộc đời, gay cấn không kém gì một trận đấu nốc-ao. Tất nhiên nhà đầu tư trước hết là nhà giàu. Nhưng không phải nhà nghèo không biết lo cho chồng con ăn học. Không chỉ có một bà Tú Xương “nuôi đủ năm con với một ông chồng học cả đời mà chỉ dính mảnh bằng tú tài có cũng như không. Gần hơn là tấm gương đầu tư cho con ăn học nổi tiếng vùng Nghệ Tĩnh của bà Hàn Vạn, thân mẫu GS Hoàng Xuân Hãn, người bán cả cơ ngơi ở Yên Hồ làm vốn dắt lưng, đưa cả nhà ra thành phố Vinh mở hàng cơm để lấy tiền nuôi con ăn học, cho con tiếp cận được cuộc sống văn hóa mới. Hồi Pháp thuộc tối tăm, gia đình bà đã có ba con trai lấy bằng thạc sĩ bên Pháp trong đó có nhà bác học Hoàng Xuân Hãn nổi tiếng. Gương hiếu học của dân ta không hiếm, không phải vì chuộng hư danh mà đa số coi đó là việc đầu tư có ý nghĩa nhất cho tương lai con cái. Bất luận bãi bể nương dâu, chiến tranh hay hòa bình, lòng hiếu học luôn được coi trọng và đề cao như một lẽ sống, không hề phai nhạt.
Ngày nay, dù ngành giáo dục đang có nhiều bất cập, xuống cấp hoặc đang trong cơn khủng hoảng về triết lý chưa tìm được lối ra tối ưu để hòa nhập với nền giáo dục hiện đại toàn cầu, lòng hiếu học của dân ta vẫn không suy giảm. Hãy quan sát ngày khai trường với bao nỗi niềm hay những kỳ thi. Đó là những ngày hội toàn dân, là sự kiện lớn của toàn xã hội. Hãy phân tích những con số sinh viên tăng hàng năm, đầy ấn tượng, vui mà lo. Lo cho gánh nặng ngân sách nhà nước và nền kinh tế vĩ mô của một nước nghèo, lo cho tiền nuôi con ăn học của các gia đình, nhất là nông dân và dân nghèo thành thị. Trường đại học mọc lên như nấm vẫn chưa đủ chỗ học cho sinh viên, chất lượng đại học khó đảm bảo vì lượng thường không đi đôi với chất. Trường nghèo, thầy lương thấp, học sinh đói, thậm chí “suy dinh dưỡng” thì không ai có thể học thành tài. Với sự phát triển như bão lốc của số lượng sinh viên, không thể trông chờ vào vài ba trường hợp hy hữu như bà thân mẫu cố GS Hoàng Xuân Hãn mà phải có một những chính sách và biện pháp thích hợp.
Đầu tư của đời người
Từ vài năm nay, việc cho sinh viên vay nợ ngân hàng lấy tiền trang trải cho việc học đại học là một lối ra đáng phấn khởi, khích lệ không nhỏ cho quyết tâm “học thành tài” của sinh viên con nhà nghèo. Hơn 26.000 tỷ đồng ( từ 2007 đến tháng 12/2010) mà nhà nước cho sinh viên vay thông qua ngân hàng Chính sách xã hội, đã giúp hàng ngàn sinh viên lấy được nhuệ khí và về cơ bản, là một trợ lực quan trọng về tài chính cho họ. Cho vay với lãi suất bằng một nửa hoặc một phần ba lãi suất bình quân, nhà nước đã chọn đúng con đường đầu tư đúng mục đích trồng người. Hãy làm một bài tính khó giải cho một gia đình nông dân có con học đại học ở Hà Nội hay TPHCM. Theo điều tra sơ bộ, mỗi tháng mỗi sinh viên ở đây phải tiêu đến 2 triệu đồng tiền ăn ở, đi lại và học phí, tức là bằng năm lần thu nhập của một nông dân thuộc diện nghèo (khoảng 400.000 đồng/tháng). Nghĩa là, gia đình bỗng dưng đẻ ra thêm năm miệng ăn! Đáp số thật rõ ràng: cái gánh nặng văn hóa ấy không thể nào kham nổi. Trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp con em nông dân phải bỏ học sau khi thi đỗ (dù là điểm cao).
Tuy vậy không phải mọi việc đúng đắn đều xuôi chảy. Về phía ngân hàng, thủ tục cho vay, điều kiện cho vay còn rối rắm, phức tạp, làm nản lòng người vay và gia đình họ. Lãnh đạo Chính phủ mới đây đã phải yêu cầu các ngành liên quan nhanh chóng ổn định nguồn vốn 46.000 tỉ đồng để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và không để HSSV chậm được vay vốn như thời gian qua. Theo Ngân hàng CSXH, dự kiến trong học kỳ 1 năm học này sẽ giải ngân 5.500 tỉ đồng, nhưng giai đoạn đầu mới giải ngân được 2.500 tỉ đồng.
Dù là do thủ tục hành chính hay do thiếu niềm tin, cảnh “cho vay nhỏ giọt” của ngân hàng vẫn dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là số tiền được vay không (kịp) giải quyết được cơ bản vấn đề, mà cuối cùng thì sinh viên, dù đã được vay tiền, vẫn phải sống chật vật, khó khăn, có em còn phải cầm cố vay nặng lãi mỗi khi “viêm màng túi”. Ai cũng biết, một sự đầu tư không đến nơi đến chốn chính là một nếp suy nghĩ tiểu nông, rất có thể thành cảnh “một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”.
Phía sinh viên và gia đình (chủ thể vay và trả nợ sau này) thì luôn sẵn tâm lý “sợ” mắc nợ. Phần nhiều có lẽ do cuộc sống khó khăn đã làm người nghèo khiếp đảm cảnh nợ nần. Đứng tên vay hàng ba bốn chục triệu cho con em đi học là một ám ảnh có thể nói là khủng khiếp với một nông dân hay một gia đình nghèo thành phố. Sinh viên thì run vì mất lòng tin vào việc làm tương lai, vào khả năng “thành tài” của bản thân, các em không đánh giá được sự phát triển của xã hội để tự tin mà bỏ vốn ( bằng cách vay nợ) vào một tương lai chưa thấy rõ. Chưa kể những tiêu cực trong xã hội hiện nay, đặc biệt nạn chạy việc, chạy chức chạy quyền… còn làm các em mất lòng tin vào một xã hội lương thiện, trong đó mỗi người đều có cơ hội ngang nhau để giành lấy tương lai tùy theo khả năng của mình. Câu hỏi ám ảnh của sinh viên nghèo “mắc nợ” ngân hàng thường là: “ Ra trường không xin được việc lại còn mắc nợ, tính sao nổi?”. Câu trả lời tích cực là phải tự tin. Người có dũng khí vay nợ để đầu tư vào những việc mình cho là đúng đắn sẽ mặc nhiên có dũng khí và thông minh để trả nợ mà thành người thành đạt.
Đây hẳn phải là điểm mấu chốt để cả hai phía, nhà nước và sinh viên gặp nhau trong cứu cánh chung là đầu tư cho giấc mơ đẹp của tương lai.
Trả lời