Berlin, ngày thứ 4, 17.7
Các bạn yêu quí,
Cảm ơn bạn L và bạn T đã mail kể về buổi gặp anh tiến sỹ Phó Đức Tùng. Chị rất thích những điều anh ấy nói và nếu như anh ấy đã bảo “Đi bán xôi cũng chả sao” thì chắc chắn mai kia khi cún cứng cáp trưởng thành, anh chị sẽ về nhà mở quán bán Ốc, vừa nhiều tiền vừa vui..
Chị rất phấn khởi khi có thể làm được gì đó giúp các bạn trẻ vui vẻ, hiểu chuyện – có thêm thông tin kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Người Do Thái đã có câu Trí Tuệ không vận dụng là Trí Tuệ chết. Vì vậy các bạn trẻ nhà mình quan tâm định tìm hiểu bất cứ điều gì, du to dù nhỏ, dù đơn giản hay trìu tượng, đều có thể mail cho chị – chị rất vui lòng phúc đáp các bạn…
Hôm qua vội vì ít thời gian lại có nhiều mails cần phải reply sớm nên chị chưa viết kỹ về một vài quan điểm mà anh Tùng đã nhấn mạnh. Chị xin nêu tiếp ý kiến của riêng chị để các bạn tham khảo. Vì xét về mặt tổng thể những điều đó là cần thiết – Cho một cuộc sống tâm thế thanh thản, bình yên, hạnh phúc – Cần phải được trao đổi chia sẻ để thông suốt, rõ ràng.
Các bạn trẻ nhà mình lúng túng trong nhiều lĩnh vực, rất nhiều khi không biết hoặc không dám thích điều gì. Đơn giản vì xã hội gồm: nhà trường + gia đình + vô tuyến báo chí, được xây dựng trên nền tảng lâu đời rất cục bộ và bưng bít. Hầu như chúng ta không được tiếp cận với thông tin mới mẻ, với kiến thức đa dạng đa chiều.
Ta có thể nhìn rõ vấn đề này qua 1 ví dụ nhỏ như xã hội hầu như không có thói quen đọc sách (vì nghèo) và không có thư viện. Sách giáo khoa + sách cho sinh viên vô cùng thô sơ cũ rích lạc hậu. (xem bài phát biểu của bác Nguyễn Lân Dũng nói về công việc nghiên cứu viết sách và tiền nhuận bút trên youtube).
Chưa kể đến việc có ai đó nói ngoài lề, nói không "đúng chuẩn" sẽ ngay lập tức bị bắt, bị thủ tiêu, hoặc làm cho sợ hãi để phải câm mồm…. Vì thế thông tin thường giống nhau, từ 50 năm nay. Trong khi thế giới không đứng yên, dân số nhu cầu xã hội không đứng yên. Trước đây ta lo đánh Mỹ còn bây giờ thì lo đong đầy bát cơm cho 90 triệu dân. Hai nỗi lo khác hẳn nhau…
Chúng ta không có văn hóa + truyền thống ghi chép, lưu giữ kiến thức tinh hoa đã được chắt lọc từ đời trước sang đời sau. Vì vậy dân tình chả có cơ sở, giữ liệu để có thể kiểm chứng những bài phát biểu, đường lối chủ trương là đúng hay sai. Chủ yếu vẫn là thì thầm, thậm thụt, truyền miệng qua nhau, nôm na là "người ta bảo thế".. Cũng vì vậy mà nhiều người bị lừa đảo vì đi xem bói, bị chết oan uổng, hoặc không tìm được cơ hội + sức mạnh để thay đổi số phận của bản thân….
Vì thiếu thông tin nên các bạn trẻ chỉ có thể ngó nghiêng xung quanh, nhòm sang hàng xóm bạn bè xem họ làm thế nào. Riết mãi rồi quen, tưởng những cái thiên hạ làm thế là đúng, là ổn, cần được sao chép, bắt chước, và nên tung hê ngưỡng mộ…
Chị nói điều này vì một khi con người ta tự nguyện bó chặt trong một không gian hạn hẹp cố định nào đó thì sẽ dễ lãng quên, xem nhẹ nhu cầu của bản thân. Nhiều khi là sợ hãi, không dám dũng cảm để dừng lại, để hỏi rằng những điều ta đang làm, ta đang sống đây, có phù hợp với nhu cầu + mong ước + ý thích của bản thân không?
Hay là ta sống như vậy để phù hợp với chuẩn mực xung quanh? Để được yên thân, để không bị chê bai, nhạo báng là gàn dở. Cũng tại vì không chú trọng đến nhu cầu của riêng mình, nên cũng không tìm, hoặc không dám tìm ra + theo đuổi ý thích + khát khao của chính mình. Có lẽ vì thế mà anh Tùng khuyên " trước tiên phải biết mình thích gì"…
Để đỡ trừu tượng chị lấy vì dụ cụ thể ở bản thân chị. Chị được sang Berlin năm 1989, lúc đó chị chưa tròn 17 tuổi. Trước đó chị sinh sống, đi học ở quê. Ngoài giờ học nhiều khi phải đi bắt cua, cắt rạ, mót lạc, mót thóc cuốc đất, gánh phân v..v.
Ngoài đồng rất nóng nực, bẩn thỉu, kinh tởm. Chị rất sợ con đỉa con rắn, sợ đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng nghỉ hè được ra Hà nội, đi qua cửa hàng kem Tràng Tiền chẳng dám mơ vì làm gì có tiền để mua. Nhìn những bà bán Mận Hậu, bán Bánh Gối thơm phức mà thèm rỏ dãi. Lúc đó chị đã rất căm thù cái nghèo hèn và số phận thấp kém của mình lúc bấy giờ…
Khi sang được Berlin, mới đầu dự định chỉ ở 3 tháng rồi về ôn thi đại học Y. Nhưng sang rồi chị vô cùng ngạc nhiên yêu thích vì thành phố rất sạch và người ta rất niềm nở. Lúc đó chị chưa biết nói một từ tiếng Đức nào nhưng chị đã khăng khăng chiến đấu với mẹ chị để không phải về, để được ở lại. Để sống tự do – sống độc lập, muốn làm gì thì làm, không phải giống ai, không phải thi đại học, nhỡ trượt thì ôi cả nhà…
Vì mẹ chị khóc lóc bảo về nhà có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo, nhưng chị không thích ăn cháo, chị không thích nghèo. Chị đã chán cái nhà quê nghèo hèn bẩn thỉu ấy đến tận cổ. Vậy là chị ở lại. Chẳng có tiền, chẳng có người thân, chẳng nói được quá 3 câu tiếng Đức.
Đấy chị thích = khao khát ở lại đây vì nhu cầu của chị cần sạch sẽ (không có đỉa và rắn) Chị không muốn nghèo hơn nhiều người = chị rất cần rất thích nhiều tiền. Chị muốn mua được kem Tràng Tiền và Mận Hậu bất cứ lúc nào chị muốn ăn và chị không bao giờ muốn con chị phải dán mắt vào cửa kính nhà hàng kem, bánh ngọt mà thèm rỏ dãi. Chỉ đơn giản như vậy thôi…
Còn bây giờ, chị đã 42 tuổi, chị đã có thể mua Mận mua Kem, đã có vài cái nhà, có ô tô, có thể ngẩng cao đầu đi ra ngoài đường. Chưa bằng ai nhưng dưới không nhiều người và trên nhiều người, nhưng chị vẫn thích đi, có nhu cầu cấp bách phải đi. Vì chị thích, hoặc không thích, những thứ sau:
1. Chị thích ra đường thảnh thơi, không phải lo sợ có người đâm uỵch rồi chửi bới xa xả vào mặt
2. Chị thích đẻ một đứa con để chăm cho tốt, chị không thích bị tra khảo dồn hỏi tại sao lại không đẻ thêm, cho cún có chị có em đỡ thiệt thòi
3. Chị thích sáng dậy yên tĩnh thảnh thơi, không muốn nghe đài phường phổ biến bất cứ cái gì
4. Chị muốn uống nước thẳng trực tiếp ngay từ vòi chứ không phải đun sôi, trước khi đun còn phải lọc gạn mấy lần
5. Chị không thích đi đám ma, nghe con cái khóc lóc tiếc thương cha mẹ òm tỏi, dù trước đó ngược đãi họ chẳng ra gì
6. Chị không thích đi đám cưới, nhét phong bì vào thùng rồi ngồi ăn với một đống người lạ hoắc
7. Chị không thích ăn mặc trang điểm giầy dép tóc tai vòng vèo giống nhiều người
8. Chị cần đi thư viện đọc sách chứ không phải ra Đinh Lễ mua sách lậu
9. Chị không thích đi làm cán bộ ở quận ở phường mặt mày cau có bắt chẹt người dân
10. Chị không thích mình đi xe ô tô trong khi rất nhiều người phải đi bộ, đi ăn xin
11. Chị rất thích tự do thoải mái bàn luận viết lách về nhiều lĩnh vực như con người, xã hội, luật pháp, nhân quyền, kinh tế, đầu tư, chính sách công, tham nhũng
12. Chị không thích phải nhìn nhiều ông quan công cán chả ra gì mà giàu có hống hách, con cái vênh vang làm tổn thương các bạn nhà nghèo, để các bạn cảm thấy tự ti thấp kém
13. Chị không muốn nhìn thấy các bạn trẻ trộm cắp, quay cóp, lừa đảo, chép nhặt, nhai đi nhai lại những điều cô giáo nói
14. Chị không thích bác Hồ và những điều bác Hồ nói, vì thoạt nghe thì rất bùi tai hợp lý nhưng thực ra là bốc phét, thường chả ai làm được
15. Chị không thích hàng xóm cau mày ghen tỵ mỗi khi chị xách va ly đi du lịch
16. Chị không thích cún đi học thể dục mà cô giáo đi giầy cao gót, chả biết cái gì về chuyên môn – dọa dẫm học sinh sợ run cả người
17. Chị không thích bị so sánh, hỏi sao không đi làm cho tây, ngồi văn phòng có điều hòa, mà lại đi buôn thúng bán mẹt, nhếch nhác thấp hèn
18. Chị không thích nhìn thấy quá nhiều mảnh đời đau buồn bế tắc (như bạn Hương 29 tuổi phải một mình nuôi 2 đứa con, lương 1,1 triệu/tháng)
19. Chị không thích đọc báo toàn thấy hiếp dâm, chết đuối, mổ nhầm gan thành thận…
20. Chị không thích nhìn thấy cụ già + trẻ em bị đẩy ra ngoài rìa của xã hội
21. Chị không thích giống nhiều người, 42 tuổi đã về hưu ngồi bế cháu ngáp vặt chờ chết..
22. Chị không thích phải chạy chọt xin xỏ công ăn việc làm cho cún
23. Chị không muốn cún phải đi học thêm, trường chuyên lớp chọn, học lòi cả mắt, chỉ để tranh giành được nhiều cơ hội hơn những người nghèo hơn mình
24. Chị không muốn giục cún phải lấy chồng khi cún không thích
25. Chị thích thấy nhiều phụ nữ dám bỏ chồng dám li dị vì bị đánh đập, ngược đãi
26. Chị thích nhà nước trợ giúp những người kém may mắn
27. Chị thích có nhiều ông bố thay bỉm, đẩy con đi học hơn là tụ tập bia bọt.
28. Chị thích vừa nấu cơm vừa đọc sách mà không nóng toát hết cả mồ hôi
29. Chị không thích sống cạnh hàng xóm dùng bình ga đun bếp, nổ tung bất cứ lúc nào
30. Chị không thích sống cùng đảng viên giàu sụ giả nghèo ăn trộm nước tập thể
31. Chị không muốn nhìn thấy đại đa số người dân vô cảm, yếu hèn sợ hãi
32. Chị không thích ốm đau tự mua thuốc vì ngại gặp bác sỹ lạnh lùng lườm nguýt
33. Chị không thích xã hội cấp bằng khen cho em bé sẵn sàng chết đuối để cứu người khác (ai xót xa cho bố mẹ em đây?)..
34. Chị ghét thi đại học là con đường duy nhất. Chị thích các bạn trẻ có nhiều cơ hội, nhiều con đường sống hơn
35. Chị không thích tập đoàn nhà nước thua lỗ mà lấn lướt tư nhân
36. Chị không thích Quan ăn rồi họp mà phải thương xót lo lắng cho dân
37. Chị thích nhiều người nói thẳng, thật lòng – Xin thôi lời mật lòng dao
38. Chị thích dân có tài sản và được bảo vệ
39. Chị không thích thể chế “Con vua lại làm vua”
40. Chị không thích xã hội xuề xòa ba phải –
41. Chị thích ngoài đường có vườn hoa, cây cảnh chim hót líu lo
42. Chị thích Quan bớt tham – bớt trơ trẽn – bớt vô liêm sỉ
43. Chị thích bố mẹ bớt can thiệp vào cuộc sống của con
44. Chị thích tết nhất không phải náo loạn chạy đua biếu xén chúc tụng
45. Chị thích bệnh viện không làm rơi trẻ sơ sinh xuống đất…
.vv. v.v
Chia sẻ một vài điều rất thật, rất riêng tư, hi vọng các bạn sẽ hiểu được hơn câu nói của anh Tùng: Hãy làm những điều mình thích. Và trước tiên mong các bạn sớm tìm ra mình thực sự cần cái gì thích cái gì.
Tạm biệt các bạn và hẹn thư sau sẽ talk tiếp về Lý thuyết Nhu Cầu Sở Thích của Maslow.
Chúc các bạn một buổi tối đẹp đẽ
Chi X
hoang hanh phuc says
Chí lý !
Trần thị Hồng Hà says
Chị thích xã hội mình có nhiều người nói ra những điều mình thích như chị X.
Thuy duong says
thật hay