Câu chuyện thứ 3
Một người bạn Đức của mình mua một ngôi nhà cũ nát đã hơn trăm năm tuổi và thuê mấy người thợ Ba Lan sửa chữa ngôi nhà với giá khá cao. Mình hỏi thuê thợ Ba Lan mà sao đắt thế (vì dân Ba Lan hay các nước Đông Âu khác sang Đức làm việc thường chấp nhận mức thù lao thấp hơn nhiều so với dân Đức) thì được trả lời thế này: "tại sao tao lại phải trả cho họ thấp hơn mức trả cho thợ Đức nếu những người thợ Ba Lan này rất tuyệt vời, cực kì nhiệt tình, cẩn thận và chu đáo. Như thế là không công bằng. Mày không nhìn thấy họ làm việc say sưa, tâm huyết và với tất cả cảm xúc của mình à. Tao đã quá may mắn khi thuê được những người thợ Ba Lan này. Họ thực sự là những nghệ nhân chứ không phải thợ bình thường và với những nghệ nhân thì giá thuê như thế này còn là quá rẻ". Với vẻ mặt lộ rõ niềm vui và sự tự hào, người bạn nói tiếp với giọng phấn chấn: Nhìn những tấm sàn gỗ thì mày thấy đấy, những vân gỗ được mài sáng bóng nhìn như những bức tranh tuyệt đẹp, không tấm nào giống tấm nào, đúng là một công trình nghệ thuật. "Ngay cả chỗ sàn gỗ bị cháy tuy họ đã bào đi và sửa lại rất công phu nhưng vẫn tinh tế và khéo léo để lại một vết cháy sém khá to như chứng tích lịch sử của ngôi nhà (trong những “chứng tích lịch sử” của ngôi nhà được giữ lại còn có cả chiếc mũ nan rách sờn của của bà chủ cũ của ngôi nhà được đặt ngay ngắn trên chiếc tủ nhỏ trong hành lang vào nhà). Hàng ngày, tao sẽ ngồi góc kia nghe nhạc và ngắm nhìn những vết tích còn sót lại như thế của ngôi nhà và tưởng tượng ra cuộc sống của các gia đình đã từng sống trong ngôi nhà này cả trăm năm qua. Thật là tuyệt vời! Và người bạn mình cứ hả hê nhắc đi nhắc lại: họ thực sự là những nghệ nhân, họ thực sự là những nghệ nhân,…."
Người bạn Đức của mình đã đối xử với những người thợ Ba Lan như những người bạn thực sự (sau này họ đã trở thành những người bạn thân thiết). Trong thời gian sửa chữa ngôi nhà, mấy người thợ Ba Lan còn được ở trong ngôi nhà khác của bác này cách đó mấy cây cho tiện việc đi lại và đỡ phải tốn tiền thuê nhà ở. Sau có một sự cố nho nhỏ xảy ra. Mấy người thợ Ba Lan dùng điện nước vô tư xả láng (chắc theo cung cách thời bao cấp bên Ba Lan?) làm người bạn mình khá sốc khi nhận được hóa đơn thanh toán lên đến hơn 2 ngàn Euro cho mấy tháng. Mình nghe kể thế bèn hỏi thế mày có nói với họ không? Ít ra cũng nói để họ biết mà tiết kiệm chứ,và về nguyên tắc họ dùng thì họ phải trả. Người bạn mình mặt mũi trầm ngâm vài giây rồi bảo thôi, cho qua đi, tao quyết định không nói vì dù sao công việc của họ cũng sắp xong rồi. Điều quan trọng hơn cả là tao rất vui và hài lòng với chất lượng công việc họ làm. Mình chịu thiệt một tí vậy chứ nói ra sẽ làm họ tổn thương và mất vui đi. Mình nghe xong thì nể phục người bạn này quá.
Câu chuyện này làm mình nhớ lại một câu chuyện nhỏ khác xảy ra mấy năm về trước. Dự án mình cần thuê dịch một tài liệu về kĩ thuật. Mình tìm được một bác dịch kĩ thuật rất tốt. Dự án trả tiền dịch cũng khá so với thời giá dịch thuật lúc đó (tất nhiên là khi xong việc mình chuyển nguyên si tiền cho bác ấy chứ không thèm bớt “bẩn” một xu hoa hồng như không ít những người khác vẫn làm). Trong cuốn tài liệu cần dịch có khá nhiều trang toàn hình vẽ, chỉ có tên biểu bảng phải dịch. Mình lăn tăn không biết nên thanh toán kiểu gì nên hỏi Sếp (người Đức) thì được Sếp bảo Hoa ạ, sách thì tất nhiên có trang nhiều chữ có trang ít chữ. Những trang ít chữ, thậm chí không có chữ nào thì cũng nên trả cho người ta nguyên giá dịch một trang để khích lệ động viên họ làm việc, Cũng phải nghĩ đến sự nhọc nhằn khi họ dịch những trang đầy ắp chữ chứ. Tiền nong không nên tính toán so đo, nên trân trọng sức lao động của họ và quan trọng nhất là họ dịch thuật cẩn thận, nghiêm túc, chất lượng bản dịch tốt.
Đúng là được làm việc, được quan hệ với những người như vậy mình cũng ngộ ra và học hỏi được khá nhiều điều rất nhân văn về ứng xử trong cuộc sống.
Cứ băn khoăn tự hỏi không biết mấy người ở xứ này có được những cung cách ứng xử nhân văn như vậy nhỉ?
———————————-
Bắt đầu từ 20.1.2012, trên web mình sẽ có những bài viết ngắn, đúng hơn là những mẩu chuyện, với chủ đề “Tư duy kiểu Tây và Tư duy kiểu Ta”. Tuy nhiên, xin lưu ý mấy điểm sau:
1. Đây chẳng phải là những bài viết khái quát cao siêu gì, chỉ đơn giản là kể lại những những điều mình nghe thấy, nhìn thấy và trải nghiệm được khi quan hệ giao tiếp với các bạn bè, đồng nghiệp người Đức.
2. Nói là tư duy nhưng thực ra phần nhiều câu chuyện vượt ra khỏi phạm trù tư duy và liên quan đến quan điểm sống, thậm chí nhân cách con người.
3. Nói là Tư duy kiểu Tây nhưng không có nghĩa là Tây nào cũng tư duy theo kiểu ấy. Tây thì cũng có dăm bảy đường/loại Tây.
4. Nói là tư duy kiểu Ta nhưng cũng có thể có những Ta không không tư duy theo kiểu ấy.
5. Nói tư duy kiểu Tây cũng không có nghĩa là lúc nào, chỗ nào tư duy nào của Tây cũng hay hơn tư duy của Ta, he he…
Để tiện theo dõi (đúng ra là tránh hiểu lầm cho là mình "bốc thơm" Tây), ở câu chuyện nào cũng có "đôi lời phi lộ" trên đây đi kèm.
Nguyen Thi Bich Diep says
Dạ, cái gì cũng có hai chiều ạ, em chán cái cảnh bị người ta làm ẩu,làm xấu, làm ăn bớt rồi nằng nặc đòi tiền lắm rồi ạ.
Hoai Anh says
Cô ơi, em làm việc tràn đầy cảm xúc, với tất cả tình yêu và tâm huyết, để điều nhận lại được là: Vượt định mức cao quá, phải cắt bớt tiền thù lao đi đấy cô ơi!