Một lần đi uống Cafe với vợ chồng một người bạn Đức, thấy hai vợ chồng nhà đấy mặt mũi có vẻ hơi căng thẳng rù rà rù rì một chuyện gì đó. Chắc dòm ánh mắt mình có vẻ ngạc nhiên, người chồng kể em trai ông ấy ốm, vợ ông muốn đi thăm mà em trai ông chưa đồng ý nên giờ bà vợ lại có ý giục ông ấy thuyết phục em trai cho bà ấy vào thăm. Mình bảo em ông ốm thì vợ ông là chị dâu vào thăm là đúng rồi chứ còn gì nữa, thế mà cũng phải xin phép à? Ông bạn bảo không, bên này mọi người chỉ thăm nhau khi được phép. Khi ốm con người ta ai cũng mệt mỏi, đau yếu nên không muốn tiếp khách và cũng không muốn người khác nhìn thấy mình trong tình trạng hình hài không bình thường, đầu tóc rối tung, mặt mày bạc nhược, bởi thế chỉ người nhà, ruột thịt gần mới thăm nhau. Vợ tôi muốn vào thăm mà em trai tôi chưa đồng ý và bảo đợi vài bữa chú ấy khỏe hơn chút đã hãy vào. Mình cười khình khịch bảo, ối giời, ở nước tao cứ ai ốm đau hoặc tứ thân phụ mẫu của bạn bè, đồng nghiệp ốm đau thì có mà mọi người lũ lũ lượt kéo vào thăm, mệt muốn chết luôn. Không đi không được vì đó đã thành tập tục, thậm chí một nét văn hóa. Nghe vậy, thằng Tây cười khùng khục bảo nếu đấy là văn hóa của chúng mày thì bên này chúng tao sợ cái văn hóa đấy lắm. Mình bảo đúng thế, người có khỏe như trâu mà cứ tiếp ngần ấy khách cũng đến liệt chứ đừng nói là đang ốm đau mệt mỏi mà cứ phải gắng kể lể, khai báo các loại bệnh tật mỗi khi có khách đến thăm thì chắc chết luôn cho xong. Mà kể cũng lạ, không ít người mới ốm đau loàng xoàng tí là hô hoán tóe loe để mọi người đến thăm. Và cũng không ít người có tí chức quyền rất thích mang cái sự ốm, sự đau của bản thân hay tứ thân phụ mẫu ra làm thước đo lòng trung thành, sự tận tụy của đám nhân viên cấp dưới. Sếp hay bố mẹ sếp có hắt hơi sổ mũi tí ti là cả cơ quan lại ngoắng lên như chạy loạn, he he… Não!
Con trai thầy giáo ruột của mình mất đột ngột. Từ lâu, thầy cô coi mình như người thân trong nhà. Lần nào qua Đức cũng đến thăm và ăn bữa cơm với gia đình thầy (thầy cô bao giờ cũng gọi các con về ăn mỗi lần có mình đến). Mình nhận được hung tin (thầy mail kể cho con gái mình) rất buồn và thương thầy cô, muốn viết mail chia buồn (chứ không dám gọi điện). Cẩn thận nên hỏi ý kiến mấy người bạn Đức thì đều được bảo mình tuyệt đối không được viết mail chia buồn hay hỏi thăm gì hết trừ khi gia đình họ trực tiếp thông báo cho mình biết, càng hỏi thăm họ càng buồn, cứ để họ từ từ nguôi ngoai. Nghe bảo vậy mình đành buồn bã im lặng. Ngày gặp lại, nhìn thấy một góc nhỏ trên chiếc tủ tường nhà thầy có ảnh cậu con trai đặt cạnh ảnh cả nhà, cạnh đó là một lọ hoa tươi, mình chỉ dám nhìn lướt nhanh và lập bập một câu “không ai đứng được ngoài số phận, tôi và gia đình đã rất buồn” rồi vội đánh lảng sang chuyện khác vì sợ câu chuyện lại lái theo chiều bi kịch, lấy đi nước mắt của mọi người.
Xưa nay vẫn biết ốm đau, ma chay, cưới xin bên này là chuyện cá nhân, chuyện riêng của gia đình, không phải là chuyện của “cơ quan đoàn thể” như ở nhà mình nhưng đến chị dâu cũng phải xin phép mới được vào thăm thì mình cũng thấy lạ. Chẳng bù cho nhà mình, cái gì cũng phải “đông đàn dài lũ” mà ngán ngẩm. Nhìn ở các đám hiếu, nhiều người mặt mũi hớn ha hớn hở đứng chuyện trò rôm rả trước (hay sau) khi đến lượt vào viếng mà thấy ngán. Rồi đám cưới cũng thế, chẳng ai quen biết ai, cứ ào ào sắp mâm đánh chén, nâng lên đặt xuống mà hãi.
Con gái mình nhắn tin về dặn ba mẹ lên danh sách khách mời dự đám cưới. Con bé cứ dặn đi dặn lại “đây là đám cưới của con chứ không phải đám cưới của ba mẹ nhé”. “Quán triệt đường lối chỉ đạo”, hai vợ chồng “tinh tuyển” được khoảng dăm chục người, đấy là đã tính cả nhà ngoại lẫn nhà nội, trong đó có cả cô dâu chú rể và “hai cụ” thân sinh ra con gái mình và cả thằng em trai nó nữa đấy, he he… Hi vọng được con gái tuyên dương, he he…. Kiểu gì thiên hạ cũng bảo nhà mình dở hơi.
Mà thôi, không sao, dở hơi chút cũng được.
Cho đỡ mệt.
Mà biết đâu thiên hạ lại mừng, hi hi….
Pink says
Đúng kiểu cứ thích hỏi thăm thế này chỉ khiến ngta buồn thôi cô ạ
cô giáo chủ nhiệm của em nhà mới có tang
Trên facebook, e thấy mấy đứa bạn cũ cấp 3 lại kiểu hỏi thăm rồi bảo cô đừng buồn nhé, rùi mạnh mẽ lên các kiểu. Trong khi đó, đúng là các bạn có ý tốt, nhưng mà các bạn có vẻ như ko hiểu rằng làm như vậy thì 1 người mà đang cố gắng quên đi nỗi đau mất con, cố tìm kiếm một niềm vui khác lại càng cảm thấy quằn quại với nỗi đau này hơn thôi.
Thật sự e cũng không hiểu được là có phải các bạn đang cố show sự quan tâm của mình không nữa. Vì nếu thật sự nghĩ đến cô, thì cách tốt hơn là làm cô vui hơn, kể chuyện hài gì đó cho cô nghe, hoặc là tâm sự với cô, chứ không phải như thế này. haizz
Guest says
Cô ơi, giá mà e cũng được tổ chức đám cưới của mình như con gái cô! E cũng ngán ngẩm cái kiểu ăn uống, thủ tục ma chay, đông đàn dài lũ ấy lắm rồi ạ! Nhưng hễ cữ nói là như thế ko tốt, là bị mọi người xung quang ném đá vì cái tội không “truyền thống, không yêu đồng bào”
Guest says
Lúc trong tháng, mới sinh em bé, e cũng mong được nghỉ ngơi, ngại khi mọi người đến nhìn em trong cái bộ dạng “xấu xấu bẩn bẩn” ấy mà không được..haiz…