Lễ hội Bia tháng 10 tại thành phố Muenchen, CHLB Đức
Một vài năm trở lại đây, hàng năm, vào tháng 10, tại Khách sạn Daewoo có tổ chức lễ hội bia Đức Oktoberfest (*). Có lần lễ hội bia này diễn ra đúng lúc có mấy đồng nghiệp Đức qua Hà Nội công tác. Mình vui miệng hỏi “thế nào, có đi dự tí cho vui không?” thì được trả lời vỗ vào mặt “Ối giời, chưa bị dở hơi nhé, ở Đức còn chẳng bao giờ đặt chân đến những chỗ như thế mà qua Việt Nam lại đến à”. Thế nhưng cứ rủ đi đâu, ăn gì, chơi gì, ngó gì “đậm màu sắc Á đông/Việt Nam” là OK liền. Có lần, một người bạn Đức còn xin được “bám càng” đại gia đình mình đi tảo mộ nhân tiết Thanh minh để tận mắt “mục sở thị” phong tục tập quán của người Việt.
Mấy người bạn Đức cứ thắc mắc là không hiểu sao người Việt chúng mày đi đâu cũng dính chặt lấy nhau và lúc nào cũng phải “dính lấy cơm”, cứ như rời cơm là chết, hic. Sang Tây có một vài tuần nhưng kiểu gì cũng phải mò đến quán ăn châu Á hoặc nếu ở apartment thì kiểu gì cũng phải kiếm đồ châu Á về tự nấu. Thời gian chủ yếu dành cho nấu ăn, thăm viếng gia đình, bạn bè quen thân người Việt để tán vài ba câu chuyện chứ ít khi tò mò tìm hiểu về những yếu tố lịch sử hay văn hóa của vùng đất mà mình đặt chân đến. Nếu có đi xem phố ngó phường thì cũng chỉ nhong nhóng tìm đến những chỗ dân du lịch đổ về để ngoáy đít, hếch mông hay nghiêng vai, xoay đầu làm vài kiểu ảnh nhằm khoe mẽ với người thân về những miền đất mà mình đã được đặt chân đến mong nhìn thấy ánh mắt thèm khát, điệu bộ xuýt xoa và trầm trồ ngưỡng mộ từ họ. Có lần tình cờ nghe lỏm được hai tay Đức nói chuyện với nhau trong khi đợi các thành viên trong đoàn Việt Nam chụp ảnh “ối giời, mày biết không, bọn Việt Nam á, nếu cái tháp có 8 góc thì chúng nó kiểu gì phải đứng ở đủ cả 8 góc để chụp ảnh”. Nghe thấy vậy suýt nữa cười ré lên nhưng may mà kìm được nên chỉ bật ra thành những tiếng khùng khục khe khẽ trong cổ họng. Chắc hai tay này phải đợi lâu quá nên mới bực mà thốt ra vậy chứ nếu có cái tháp bát giác thật thì dân Việt cũng chỉ làm dáng chụp ảnh ở cùng lắm là 5 góc thôi. Mình cam đoan thế, he he….
Người Việt mình lắm khi giàu trí hoang tưởng. Nếu ghé thăm một một thành phố nào đó được vài ba tiếng, cùng lắm là đôi ba ngày, kiểu gì trong các cuộc trà dư tửu hậu đã hí hởn và huênh hoang tuyên bố, ôi nước đó mình lạ gì, đẹp lắm. Nói cho oai thế thôi chứ thực ra chẳng biết chút gì, hoặc chỉ biết tí ti, về cái thành phố đã được đặt chân đến chứ đừng nói là về nước đó. Người bạn mình kể có lần tháp tùng một đoàn cán bộ Việt Nam (sang study tour ngắn hạn) đi thăm quan một thành phố ở Đức. Trong khi hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu với đoàn về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của thành phố thì các vị nhà ta chẳng thèm nghe, chỉ lo ngoe nguẩy chụp ảnh với nhau, hết chụp từng người đến chụp từng nhóm, rồi chụp tốp nữ, tốp nam, rồi cả đoàn. Ai cũng te te tởn tởn. Nhắc khéo mấy lần không được, hướng dẫn viên tức giận bỏ ngang xương ra về, đến tiền thù lao cũng không thèm nhận, có xin lỗi, chèo kéo thế nào cũng không được. Nhục nhất là khi ra về, hướng dẫn viên có quăng lại một câu đau hơn cả chửi, rát hơn cả tát “Xin lỗi, tôi không thừa thời gian và công sức để thuyết minh cho những loại người như thế này”. Thế đấy, quốc thế nói thì nghe có vẻ to tát nhưng thực tế nhiều khi cũng chỉ thể hiện ở những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Nhục!
Đấy là chưa nói đến chuyện đi đâu cũng dính với nhau. Người Việt mình có cái “thói” đi đâu cũng phải đông đàn dài lũ nó mới vui. Nếu có đoàn đi công tác nước ngoài thì cả đoàn gần như ăn mặc cùng kiểu và đều được “nhốt” vào cùng một chuyến máy bay. Sang đến nước bạn hầu như cả đoàn bao giờ cũng dính vào nhau như nhựa, đến shopping cũng đi cùng chỗ, mua sắm cùng loại. Nếu bác nào có mua cho vợ được cái áo khoác đèm đẹp một tí thì kiểu gì đa phần các bác cùng đoàn cũng hí hởn tậu một cái tương tự, có chăng chỉ khác kích cỡ và màu sắc. Ít ở đâu mà tâm lý đám đông lại có “sức mạnh lan tỏa” nhanh chóng và mãnh liệt như ở đám người Việt, hehe… Chẳng bù cho Tây, toàn người cùng trường, sang làm việc cùng ở một chương trình nhưng chẳng mấy khi bay cùng giờ, cùng chuyến hay cùng hãng và sang cũng mỗi người ở một nơi (ai nấy đều tự book vé máy bay và khách sạn). Trước khi vào làm việc chỉ gặp nhau một buổi bia bọt và bàn bạc về kế hoạch triển khai rồi “đường ai nấy đi”.
Mấy người bạn Đức bảo mình, họ không thể hình dung được là khi ra nước ngoài mà lại mò đi tìm người Đức để gặp gỡ hay trò chuyện. Nếu để gặp người Đức thì thà ngồi luôn ở Đức cho tiện. Đi nước nào thì phải xông xáo mọi ngóc ngách, nhìn ngó, quan sát, tìm cách trò chuyện, giao tiếp với người bản xứ để tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa bản địa. Chẳng bù cho dân Việt, dù có sống đến mấy chục năm trời Tây thì quanh đi quẩn lại chủ yếu cũng chỉ giao tiếp co cụm với nhau. Cả tuần học hành, làm ăn vất vả, cuối tuần nào không ngủ nghỉ thì cũng chỉ chạy vòng quanh tụ tập ăn uống, tán phét nay nhà nọ, mai nhà kia. Bởi thế, dù có định cư lâu năm đến mấy thì khả năng hội nhập thực sự vào xã hội sở tại cũng rất hạn chế. Tuy định cư lâu ở xứ người nhưng sự hiểu biết thực sự về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội hay những phong tục tập quán, lề thói suy tư duy, suy nghĩ của dân tộc đó phải nói là rất khiêm tốn.
Hè năm ngoài, chị gái con bạn mình qua Đức chơi thăm nó. Bà chị vừa chân ướt chân ráo đến Berlin đã phát ra “mệnh lệnh” cho vợ chồng đứa em gái là bận mấy cũng phải đưa chị đi Leipzig để thăm gia đình người em của bà thông gia đấy nhé, hi hi….
Đúng là “thắm tình đoàn kết quân dân”, hic
Nghĩ đến đã thấy mệt.
Chợt nảy trong đầu cái hình ảnh “người Việt nhìn (và cảm nhận) thế giới xung quanh qua kẽ ngón tay”.
Liệu so sánh như thế có đúng không nhỉ?
———-
* Oktoberfest là lễ hội bia rất lớn ở Đức, hàng năm diễn ra vào vào tháng 10 tại thành phố Muenchen, bang Bayern, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
——————————-
Bắt đầu từ 20.1.2012 trên web mình sẽ có những bài viết ngắn, đúng hơn là những mẩu chuyện, với chủ đề “Tư duy kiểu Tây và Tư duy kiểu Ta”. Tuy nhiên, xin lưu ý mấy điểm sau:
1. Đây chẳng phải là những bài viết khái quát cao siêu gì, chỉ đơn giản là kể lại những những điều mình nghe thấy, nhìn thấy và trải nghiệm được khi quan hệ giao tiếp với các bạn bè, đồng nghiệp người Đức.
2. Nói là tư duy nhưng thực ra phần nhiều câu chuyện vượt ra khỏi phạm trù tư duy và liên quan đến quan điểm sống, thậm chí nhân cách con người.
3. Nói là Tư duy kiểu Tây nhưng không có nghĩa là Tây nào cũng tư duy theo kiểu ấy. Tây thì cũng có dăm bảy đường/loại Tây.
4. Nói là tư duy kiểu Ta nhưng cũng có thể có những Ta không không tư duy theo kiểu ấy.
5. Nói tư duy kiểu Tây cũng không có nghĩa là lúc nào, chỗ nào tư duy nào của Tây cũng hay hơn tư duy của Ta, he he…
Để tiện theo dõi (đúng ra là tránh hiểu lầm cho là mình "bốc thơm" Tây), ở câu chuyện nào cũng có "đôi lời phi lộ" trên đây đi kèm.
phuc says
Rất đúng nhưng mà … buồn, em ơi.
Linh says
Ôi ôi, xin đính chính với nhà báo là “bà chị gái con bạn” tiện thể xuống Leipzig đón con gái rồi đi chơi thẳng cánh cò bay chứ chả liên quan như nhà báo viết đâu ạ,nhà báo cập nhật lại thông tin nhá, hí hí
nthiphuonghoa says
@ Linh: thì chính mẹ Lý bẩu thía mừ, hic