Cái thời đỏng đảnh ưỡn ẹo, đứng núi này dòm dăm ba núi khác, có một tay nhà quê cứ bám riết lấy mình, chỉ sau đúng 1 lần gặp mặt, đến khó chịu. Làm mối tay này cho con bạn thân chuyên dặt dẹo ốm đau mà ko thành vì hắn cứ khăng khăng đòi lấy mình. Nó bám riết, lì lợm đến mức cứ cuối tuần nếu ko phải trực thì mò đến nhà mình ở lì, lăn vào làm đủ mọi việc, từ nấu nướng, rửa bát, quét nhà đến lau chùi, oánh rửa nồi xoong đến bóng loáng. Đi bộ đội mới được ăn no bằng cơm nên chăm chỉ là phải. Cả nhà mê tít hắn, trừ mình. Bố mẹ thì chỉ lựa lời khuyên nhè nhẹ, riêng ông anh thì bổ thẳng vào mặt "mày ko lấy nó thì có mà lấy chó. Mày tưởng mấy thằng tốt mã chạy ngoài đường là hay à, 10 thằng thì có đến quá nửa mất dạy" (điêu vãi, thời những năm 80 thế kỉ trước con giai làm gì đến nỗi thế). Nghe mãi điếc tai, thêm nữa mình con gái nhưng tính tình nghịch ngộ, ngỗ ngược chả chó nào dòm thật, nên đành "ờ, thì ông ko muốn lấy chó nên ông lấy nó, được chưa?". Mình cũng nói với "nó" là "chú máu lấy anh quá thì anh cho chú lấy, nhưng chán phát là anh sẽ bỏ chú đấy". Và thế là có một đám hỏi với rượu nút lá chuối (đi hỏi vợ xách can rượu cuốc lủi, đến đầu khu ngồi bệt mẹ nó xuống đất rót rượu vào chai, nút lại bằng lá chuối khô"). Rồi cũng có 1 đám cưới diễn ra, từ bánh mứt kẹo, chè thuốc cho đến xe U oát đón dâu, tủ, giường gỗ lát cũng đều bệnh nhân cũ vì yêu quí, thương mến bác sĩ nghèo mà lo cho hết. Đang chơi đồ hàng với trẻ con thì phải "đi lấy nó cho khỏi phải lấy chó" nên đám cưới trẻ con bu đông nghịt như xem tuồng. Cô dâu mặc áo dài, đội voan mà cười nói khành khạch, thậm chí còn vén áo dài, leo phắt lên tay vịn cầu thang trượt một mạch từ tầng 5 khu A18 Đồng Xa xuống tầng 1 rồi phi hồng hộc đi hú mấy đứa bạn thân phổ thông về ăn cơm. Lúc đưa dâu bác hàng xóm bảo con ơi, đừng hớn quá, lúc đưa dâu nên mặt mũi tỏ ra buồn nhớ bố mẹ tí nhé. Bác ấy chưa dứt lời mình đã nhe răng cười ha hả kêu cưới vui mà bác, sao phải buồn. Bác ấy nghe thế chán hẳn chả thèm nói nữa.
Từ ngày ấy cả lò nhà mình tỉ lệ chăm sóc y tế trên đầu người dân tăng vọt. Chả mấy ai phải lo ốm đau. Nặng lắm mới phải đi viện, mà đi viện thì cũng được chăm sóc chu đáo hiếm có. Chăm bố mẹ mình ở bênh viện mà ai cũng tưởng lão là con giai còn mình là con dâu mới gay. Cuối năm 2014, bạn giai U90 nhà mình mắc trọng bệnh tưởng ko qua khỏi mà giờ lại phi xe máy vèo vèo, trong Nam ngoài Bắc bát ngát cũng là nhờ một tay "thằng con rể tốt thật, bố thằng nào dám lật".
Số mình đúng là may vãi. Cứ vô tư cười nói bô lô ba la chả lo nghĩ gì cũng vì có "thằng" nó lo cho hết. "Nó" cứ như bố mình ấy, đối nội, đối ngoại, việc nhớn việc bé "nó" lo hết sạch, bảo sao mình chả vô lo vô nghĩ mà béo như con lợn (thời chẻ gái này chỉ nhõn 47 kí lô thôi nhé, béo và xấu nết như giờ đúng là có chó nó lấy thật).
Mình hư như vầy cũng vì "nó". Nghĩ cũng khổ thân, hơn 8 tuổi nhưng chưa bao giờ được gọi bằng anh xưng em (nghe "dơ" bỏ mẹ), toàn chú với anh, hoặc kêu mỗi tên dư… Tây, hoặc … ba mày, mẹ mày như mấy mụ răng đen mặc quần chân què ở quê thời xưa, he he….
Bố khỉ đời, người đâu mà số khổ, chả rượu chè cờ bạc gái mú, chả thích chơi, chả thích ăn ngon mặc đẹp, chỉ thik mỗi làm việc, thích mổ xẻ, ai nhờ cái gì cũng giúp, nhờ lúc nào cũng giúp, hết giờ làm là bon ngay về nhà, ko rẽ ngang rẽ tắt đâu hết. Ngoan quá cũng đáng ghét, ghét nhất là cái tội nghiện con làm thằng bé suýt hư. Dạo ấy mấy lần mình đã định đuổi lão ra khỏi nhà nhưng lo ko có ai "hầu" mình và chăm hai bạn U90 nên mình lại hạ bút kí quyết định…. tha bổng.
PS. Thực ra mình quyết định cho tay nhà quê này được phép lấy mình vì 2 sự việc xảy ra trong hè 1985.
1. Do ăn tham mà mình bị ngộ độc ăn uống phải đi cấp cứu trong Viện 103 (cả nhà ăn canh cua bà hàng xóm cho, cua đồng chắc có thuốc sâu nên ai cũng bị ngộ độc, mình ăn nhiều nhất nên bị nặng nhất, he he…). Tay nhà quê cứ chạy đôn chạy đáo từ Khoa chấn thương của lão sang Khoa tiêu hóa mình nằm để hầu hạ dạ vâng, phục vụ tận tình chu đáo từ đầu đến chân, từ mồm đến phao câu. Bón cho ăn từng thìa cháo xong còn ko quên lấy khăn lau mép giúp, he he… Khi buông màn cho bệnh nhân ăn tham còn ko quên đưa đẩy bằng vài bài dân ca… (ngày xưa lão hát rất hay, cả lò nhà lão biết hát vì hưởng gene từ bà mẹ).
2. Cũng năm ấy, bố mình đi LAO GIA “CHUYỀN” (CHUYÊN GIA LÀO) bị sốt virus rất cao, tưởng ko qua khỏi và được đưa về HN theo chuyên cơ của Bà Nguyễn Thị Bình. Cả đại diện Bộ GD, đại diện Trường và Khoa văn ĐHSPHN, họ hàng, đồng nghiệp, học trò ra sân bay đón. Ra sân bay ai cũng choáng khi bố mình được khênh ra nằm thẳng cẳng với cái mặt sưng vù, húp híp. Ai ra đón cũng trong tâm thế đón… xác chứ không phải đón người nên đều đi người không, cũng ko có nhân viên y tế đi theo. Bỗng đâu ngoi ra một tay bác sĩ với cái cáng cứu thương và đầy đủ dụng cụ trên tay. Hắn thoăn thoắt, nào thì rút từ túi nilon chiếc khăn mặt thấm nước sẵn rồi lau mặt cho “cậu” (hắn gọi bố mẹ mình là cậu mợ vì bố mẹ mình là học trò cũ của ba hắn, bác ruột mình lấy bác ruột hắn, chú mình lấy cô hắn, cụ mình và cụ hắn là liệt sĩ chôn chung 1 mộ ở trường bắn Bạch Mai do Pháp xử bắn, đại loại thế….), nào thì pha nước đường đút cho “cậu” từng thìa (lão mang cả đường và nước lên sân bay), nào thì tiêm thuốc hồi sức,… Dân tình thấy thế ai cũng choáng váng và ngơ ngác hỏi nhau “thằng nào đấy”, he he…. Suốt hai tháng giời bố mình nằm hồi sức tích cực tại BV Việt Xô một tay mẹ mình và hắn chăm sóc. Chăm sóc bố mình khỏe lại thì mẹ mình gục, cũng nằm luôn bệnh viện, lúc này thì 1 tay hắn chăm sóc. Hơn 3 chục năm rồi, giờ vẫn thế, nên lũ con cái của bố mẹ mình khỏe re, he he….
Chính hắn đấy, Lão nghiện
Trả lời