Một lần đi uống Cafe với vợ chồng một người bạn Đức, thấy hai vợ chồng nhà đấy mặt mũi có vẻ hơi căng thẳng rù rà rù rì một chuyện gì đó. Chắc dòm ánh mắt mình có vẻ ngạc nhiên, người chồng kể em trai ông ấy ốm, vợ ông muốn đi thăm mà em trai ông chưa đồng ý nên giờ bà vợ lại có ý giục ông ấy thuyết phục em trai cho bà ấy vào thăm. Mình bảo em ông ốm thì vợ ông là chị dâu vào thăm là đúng rồi chứ còn gì nữa, thế mà cũng phải xin phép à? Ông bạn bảo không, bên này mọi người chỉ thăm nhau khi được phép. Khi ốm con người ta ai cũng mệt mỏi, đau yếu nên không muốn tiếp khách và cũng không muốn người khác nhìn thấy mình trong tình trạng hình hài không bình thường, đầu tóc rối tung, mặt mày bạc nhược, bởi thế chỉ người nhà, ruột thịt gần mới thăm nhau. Vợ tôi muốn vào thăm mà em trai tôi chưa đồng ý và bảo đợi vài bữa chú ấy khỏe hơn chút đã hãy vào. Mình cười khình khịch bảo, ối giời, ở nước tao cứ ai ốm đau hoặc tứ thân phụ mẫu của bạn bè, đồng nghiệp ốm đau thì có mà mọi người lũ lũ lượt kéo vào thăm, mệt muốn chết luôn. Không đi không được vì đó đã thành tập tục, thậm chí một nét văn hóa. Nghe vậy, thằng Tây cười khùng khục bảo nếu đấy là văn hóa của chúng mày thì bên này chúng tao sợ cái văn hóa đấy lắm. Mình bảo đúng thế, người có khỏe như trâu mà cứ tiếp ngần ấy khách cũng đến liệt chứ đừng nói là đang ốm đau mệt mỏi mà cứ phải gắng kể lể, khai báo các loại bệnh tật mỗi khi có khách đến thăm thì chắc chết luôn cho xong. Mà kể cũng lạ, không ít người mới ốm đau loàng xoàng tí là hô hoán tóe loe để mọi người đến thăm. Và cũng không ít người có tí chức quyền rất thích mang cái sự ốm, sự đau của bản thân hay tứ thân phụ mẫu ra làm thước đo lòng trung thành, sự tận tụy của đám nhân viên cấp dưới. Sếp hay bố mẹ sếp có hắt hơi sổ mũi tí ti là cả cơ quan lại ngoắng lên như chạy loạn, he he… Não!
[Read more…] about Tư duy kiểu Tây và tư duy kiểu Ta – Câu chuyện thứ 6