Thầy tên Đỗ Việt Khoa.
Thiên hạ người gọi thầy là Đỗ Việt Khoa, người gọi thầy Khoa.
Còn tôi, tôi gọi thầy là chàng Đỗ Việt Khờ.
Chàng đúng là khờ thật.
Có khờ mới một mình “ôm mộng” giải cứu nền giáo dục nước nhà khỏi hàng đống những tiêu cực chồng chất như hiện nay. Chàng làm thế hỏi có khác nào đấm vào bị bông hay không khí.
Có khờ mới không nhìn thấy cái kết cục ắt phải đến với chàng ngày hôm nay.
Đó là lá đơn xin thôi việc.
Đó là sự đớn đau, mệt mỏi ê chề cả thể xác lẫn tinh thần.
Đó là sự đổ vỡ niềm tin, dám chắc là đã rất mãnh liệt, vào lẽ phải, vào sự công bằng xã hội.
Có khờ mới tin vào lời hứa vu vơ của một vị giáo sư khả kính nào đó.
Có khờ mới không hiểu một điều đơn giản: một mình chống lại cối xay gió ắt sẽ bị cái cối xay nó cuốn phăng đi.
Mất mạng như chơi.
Còn toàn thây đã là một điều may mắn lớn.
Không hiểu sao tôi cứ thấy chàng có gì đó thật giống như “gã khờ Đôn Kihôtê” (Đông-Ki-Sốt) “con đẻ” của cái nhà bác Xec-van-tec (Miguel de Cervantes) ở mãi cái xứ Tây Ban Nha xa xôi kia.
Hay đây cũng là “một điểm gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây”? (hic)
Đấy là chàng Khờ của chúng ta còn khiếm thính.
Khiếm thính có lẽ lại hóa hay cho chàng.
Nếu lỗ tai chàng cũng tỏ như thiên hạ, chàng tận tường được hết mọi chuyện chỉ riêng trong làng giáo dục thôi chắc cũng đã đủ làm chàng hết nhuệ khí.
Ở cái thời buổi này cứ “tinh tường” quá lắm khi lại thấy mệt.
Tôi cũng là nhà giáo. Mới ngày nào chân ướt chân ráo vào nghề mà nay cũng đã ngót nghét 30 năm.
Những điều tôi nhìn thấy hay "có vinh hạnh" được trải nghiệm có lẽ cũng không ít hơn những gì chàng Khờ của chúng ta thấy hay trải nghiệm.
Những tiêu cực trong giáo dục hay trong thi cử không phải bây giờ mới có.
Và cũng không phải chỉ là lạm thu hay các chiêu dụ giám thị làm ngơ cho thí sinh quay cóp,…
Cách đây đúng 28 năm, khi là giám thị một kì thi đại học tại Nam Định, cái xứ có tiếng là hiếu học, tôi cũng đã bị người nhà thí sinh lao vào đấm đá túi bụi ngay giữa phòng thi (khi trống thu bài vừa dứt) chỉ vì đã "trót" coi nghiêm ngặt không để cho thí sinh quay cóp. Không chỉ tôi mà còn một lô xích xông các sinh viên và giảng viên ĐHSP Hà Nội bị người nhà thí sinh cho ăn đòn đến tơi tả. Coi thi gì mà cứ như đi ra chiến trận, toàn bộ khách sạn Vị Hoàng (nơi các giám thị ở suốt những ngày coi thi) phải cậy đến công an canh gác, xe chở giám thị đi về giữa khách sạn và các hội đồng thi cũng phải có công an áp tải. Chuyến tàu về lại Hà Nội cũng lại phải vời đến công an.
Dân mình xem ra thật "hiếu học".
Cũng tiếc là ngày đó các phương tiện truyền thông chưa phát triển như bây giờ, nếu không các nhà báo, nhà đài đã có cơ may lớn để phóng ra những tít giật gân, tha hồ mà ăn khách.
Câu chuyện tưởng động trời đó rồi cũng ngày một ngày hai chìm vào quên lãng.
Ngày xưa là thế.
Còn bây giờ?
Bây giờ không ít người lại ước "bao giờ cho đến ngày xưa".
Lắm lúc tôi cũng nản chí đến mức nghĩ quẩn muốn bỏ nghề như chàng.
Cao học gì, thạc sĩ gì mà nhan nhản khắp nơi cái "C&P technology" (công nghệ copy and paste). Những trò ngô nghê và liều lĩnh thì copy nguyên si bài của bạn, đến cả cái tiêu đề cũng y chang nốt. Chỉ cần một cú nhấp chuột vào print là có tiểu luận nộp giáo. Các trò tinh vi hơn thì thuổng từng đoạn của người khác. Chấm bài mà cứ như chơi tú lơ khơ hay tam cúc. Ngồi giãi thẻ ra nhà, xòe chồng tiểu luận của học viên ra để còn soi cho rõ ai thuổng của ai đoạn nào.
Cũng tận tâm với nghề lắm đấy.
Nhưng làm mãi rồi cũng nản.
Cứ nhìn thấy đống bài mà tóc tai dựng ngược.
Cố lấy hết can đảm mới dám mở ra để chấm.
Mà có lẽ cũng phải làm cái đơn xin tiền trợ cấp độc hại cho cái công việc này.
Có lần đi thỉnh giảng cho cao học ở một trường đại học lớn và lâu năm ở giữa thủ đô Hà Nội, có học viên còn tâm sự với tôi: «Cô ơi, em nghe các anh chị năm trên nói đi học cao học chẳng mòn tí chất xám nào, chỉ tốn mỗi tiền thôi cô ạ».
Nghe mà choáng!
Nhưng dù có choáng đến mấy tôi cũng nhớ rõ một điều : tại chính khóa học đó tôi cũng đã «hào phóng ban tặng» 5 điểm KHÔNG cho 5 học viên có bài làm copy nguyên si file vi tính của nhau. Một trong 5 học viên đó là cán bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Giờ thì đến lượt các đồng nghiệp và học trò của tôi choáng.
Biết làm sao được. Việc công thì ta cứ phép công mà làm thôi.
Đấy là chưa kể tình trạng nhờ người đi học hộ.
Những góc khuất chỉ riêng trong ngành giáo dục cũng đã nhiều như gió, ngó vào góc nào cũng thấy. Đấy là còn chưa dám nhòm sang các ban ngành khác. Nếu kể ra đây thì có đến nghìn lẻ một đêm cũng không hết chuyện.
Chẳng thế mà khi mới nghe phong thanh ông hàng xóm cũ nơi tôi ở ngày xưa có cơ lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (chuyện cũng đã lâu lắm), đã có ông giáo già khả kính cùng xóm chạy đến can ngăn: «Tôi khuyên anh chớ nhận nhá. Hao tiền thì không, tốn của cũng không nốt, nhưng hại thanh danh thì chắc chắn là có đấy». Vị giáo già nhẩn nha bảo: «Cái anh giáo dục nhà ta giờ tựa như cái xe đang xuống dốc mà mất phanh, đố có mình bậc thánh nhân nào đỡ nổi».
Nghe qua cứ thấy xót xa thế nào.
Nhưng ngẫm lại, thấy cụ giáo già kia nói đúng quá. Trong cái đà lăn nhanh như thế, ai đó hăm hở nhẩy vào, luống cuống quá khéo lại bị cỗ xe chèn thành anh Tô Vĩnh Diện như chơi.
Cũng may đấy chỉ là tin đồn.
Thú thật, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình.
Phải chăng tôi không đủ can đảm như chàng Khờ kia?
Dám chắc là không phải.
Chẳng nhẽ tôi không có tâm bằng chàng?
Cũng ắt là không phải.
Hay tôi hèn hơn chàng?
Ngẫm kĩ, cũng không phải nốt.
Có lẽ tôi chỉ «tỉnh» hơn chàng một chút.
Cũng chỉ một chút thôi.
Tôi chỉ làm chút gì đó trong tầm phạm vi ảnh hưởng của tôi.
Dần dà cũng đã có không ít những lớp học trò để tôi có thể an tâm và đôi chút tự hào.
Nếu cứ khua lên như thầy thì chắc chắn tôi sẽ rối trí, không biết mình sẽ phải khua về hướng nào, góc nào nữa.
Ngẫm cho cùng những học trò kia của tôi cũng chỉ là đám nạn nhân đáng thương của cái xã hội trọng bằng cấp, hư danh đến quá tả đó thôi. Trong một xã hội mà cái bình thường trở thành bất bình thường, những điều bất bình thường nghiễm nhiên lại được coi như cái bình thường thử hỏi biết moi đâu ra cái chuẩn cho đúng nghĩa làm thước đo cho hành vi con người. Bởi thế, đi đâu, dòm đâu cũng thấy lệch chuẩn âu cũng là điều tất nhiên.
Nói vậy thôi, chàng Khờ của chúng ta cũng thật đáng yêu.
Hơn hết, tôi thấy chàng đáng thương.
Và tôi ước: giá như mình có một cái trường tư.
—————————————-
N.Thị Phương Hoa